BienDong.Net: Quan hệ giữa Anh và Tây Ban Nha tiếp tục căng thẳng do cuộc tranh chấp liên quan tới vùng lãnh thổ Gibraltar, nằm gần cực Nam bán đảo Iberia, bên trên eo biển Gibraltar, giáp Tây Ban Nha ở phía Bắc.
Tây Ban Nha kiểm soát Gibraltar trước năm 1704, song sau một loạt biến động, vùng đất này trở thành thuộc địa của Anh từ năm 1713 theo Hiệp ước Utrcht. Trong hai cuộc chiến tranh thế giới, Gibraltar là căn cứ hải quân quan trọng của Anh.
Gibraltar có diện tích chỉ 6,8km2, với khoảng 30.000 dân nói tiếng Tây ban nha và tiếng Anh. Người Anh gọi lãnh thổ này là “mỏm đá”. Tuy Anh và Tây Ban Nha đã có thỏa thuận chia sẻ chủ quyền vùng đất này nhưng người dân Gibraltar đã phản đối việc Gibraltar trở về Tây Ban Nha trong hai cuộc trưng cầu ý dân năm 1967 và 2002.
“Mỏm đá” Gibraltar (Ảnh Telegraph)
Căng thẳng giữa hai đồng minh NATO gia tăng từ tháng 2.2012 khi Thủ tướng TBN Mariano Rajoy kêu gọi Anh chấp nhận đàm phán về vấn đề chủ quyền của Gibraltar. Về phần mình, London nói rằng vấn đề này đã được giải quyết xong xuôi từ cách nay ba thế kỉ.
Tranh cãi bùng phát sau khi Tây Ban nha phản đối nỗ lực của Gibralta nhằm mở rộng bãi ngầm bê tông mà họ đã xây từ năm 1973 với lí do chúng có thể cản trở đội tàu đánh cá của TBN và vùng biển này không thuộc lãnh hải của Gibraltar.
Kịch tính được đẩy lên cao sau khi một đoàn tàu đánh cá và thuyền của TBN tiến vào khu vực đang gây ra tranh cãi và bị Hải quân Anh đẩy ra.
Để trả đũa, từ cuối tháng trước, Tây Ban Nha đã tăng cường kiểm tra người và phương tiện qua lại biên giới trên bộ dài 3/4 dặm giữa nước này và Gibraltar khiến giao thông liên tục bị tắc nghẽn hàng giờ đồng hồ, ảnh hưởng đến hàng nghìn người thường xuyên qua lại nơi đây. Ngoài ra, Chính phủ Tây Ban Nha cũng tuyên bố kế hoạch áp dụng thu phí 50 euro đối với những người đi lại qua biên giới với Gibraltar, điều mà Anh lo ngại sẽ gây khó khăn cho hoạt động du lịch tấp nập tại Gibraltar.
Madrid đe dọa đưa vụ việc này lên Liên hiệp quốc, trong khi Anh dọa cân nhắc khả năng khởi kiện Tây Ban Nha lên các tòa án Châu Âu.
Theo người phát ngôn Văn phòng thủ tướng Anh, Chính phủ Anh cho rằng các biện pháp kiểm soát biên giới gắt gao hơn từ phía Tây Ban Nha mang “động cơ chính trị và hoàn toàn không hài hòa”.
Người và xe xếp hàng dài ở biên giới với Gibraltar. (Ảnh dailymail)
Cuộc tranh cãi còn mang âm hưởng tiếng gươm khua khi Madrid tuyên bố Tây Ban Nha và Argentina – đối thủ cũ của Anh trong cuộc chiến Falkland/Malvinas có thể lập một ‘mặt trận thống nhất’ về vấn đề Gibraltar và quần đảo Falkland/Malvinas để đấu với Anh tại LHQ, trong khi một hạm đội tàu chiến của Anh tiến đến khu vực cho dù sự kiện này được giải thích là “một sự trùng hợp” ngẫu nhiên vì chương trình của hạm đội đã được dự định từ trước.
Căng thẳng xung quanh Gibraltar gây ngạc nhiên cho các nước Châu Âu khác vì cả Anh và Tây Ban nha đều thuộc Liên hiệp Châu Âu và đều là thành viên NATO. Tuy nhiên, cũng như hiện trạng Gibraltar đã tồn tại từ hơn 300 năm nay, tranh chấp này sẽ không dễ giải quyết do vị trí chiến lược nhạy cảm của Gibraltar và do cả hai bên đều bị chi phối bởi chủ nghĩa dân tộc hăng hái.
BDN (tổng hợp)