Saturday, January 11, 2025
Trang chủĐiểm tinTại sao Putin kêu gọi ủng hộ TQ chống Phán quyết Trọng...

Tại sao Putin kêu gọi ủng hộ TQ chống Phán quyết Trọng tài?

Phát biểu của Putin không làm thay đổi giá trị và hiệu lực của phán quyết trọng tài, mà nó chỉ làm thay đối cái nhìn và đánh giá của nhiều người về ông và…

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong buổi họp báo tại Hàng Châu, Trung Quốc. Ảnh: Sputnik News.

Sputnik News ngày 5/9 đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, Moscow hỗ trợ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, chống lại Phán quyết Trọng tài hôm 12/7 và phản đối bất kỳ sự can thiệp nào của một bên thứ ba vào Biển Đông.

Ông Vladimir Putin được Sputnik News dẫn lời cho biết:

“Chủ tịch Tập Cận Bình và tôi đã phát triển sự tin cậy lẫn nhau, quan hệ rất thân thiện. Nhưng ông không bao giờ, tôi muốn nhấn mạnh điều này, không bao giờ tiếp cận tôi với yêu cầu bằng cách nào đó hãy bình luận, bằng cách nào đó hãy can thiệp vào vấn đề này.

Chúng tôi tất nhiên có ý kiến của riêng mình về vấn đề này. Đó là, trước hết chúng tôi không can thiệp vào, và chúng tôi tin rằng bất kỳ sự can thiệp của một sức mạnh không phải từ khu vực chỉ gây thiệt hại cho việc giải quyết những vấn đề này.

Sự can thiệp của bên thứ ba không nằm trong khu vực, theo ý kiến của tôi, là có hại và phản tác dụng. Chúng ta hãy đoàn kết và hỗ trợ lập trường của Trung Quốc về vấn đề này – không công nhận Phán quyết của Tòa Trọng tài.

Đây không phải là một vấn đề chính trị, mà là thuần túy pháp lý. Nó có liên quan đến một thực tế rằng bất kỳ một thủ tục tố tụng trọng tài nào đều phải được khởi xướng bởi các bên tranh chấp, trong khi Tòa Trọng tài cần nghe những lập luận và quan điểm của các bên tranh chấp.

Như bạn đã biết, Trung Quốc đã không chấp nhận giải quyết qua cơ chế trọng tài ở Lahay và không ai nghe thấy lập trường của họ ở đó. Làm thế nào bạn có thể nhận thấy những phán quyết này là công bằng? 

Chúng tôi ủng hộ lập trường của Trung Quốc về những vấn đề này”, Putin nói với các phóng viên trong một buổi họp báo bên lề G-20 tại Hàng Châu, Trung Quốc.

Như vậy giờ này các nhà ngoại giao Nga không phải tốn công giải thích hay “nói thêm cho rõ” về lập trường của Nga trong vấn đề Biển Đông.

Những người Việt yêu mến dân tộc Nga và Liên Xô trước đây cũng khỏi tốn công suy nghĩ cách bảo vệ thần tượng Putin trong vấn đề Biển Đông. Mọi thứ đã quá rõ ràng.

Putin ủng hộ ai, ủng hộ nước nào là quyền của ông ấy. Tuy nhiên về mặt logic, người viết cho rằng, phát biểu của Putin tự phủ định nhau.

Ông nói rằng sự can thiệp của bên thứ ba nằm ngoài khu vực vào Biển Đông là có hại và phản tác dụng. Nhưng chính phát biểu của ông là ví dụ không thể rõ ràng hơn về sự can thiệp “có hại và phản tác dụng” ấy.

Bởi lẽ đích thị Nga là một bên thứ 3 nằm ngoài khu vực, bởi lẽ Nga đang can thiệp trực tiếp vào vấn đề Biển Đông bằng cách chống lại một phán quyết trọng tài có hiệu lực pháp lý quốc tế của Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982.

Tuy nhiên phát biểu của Putin không làm thay đổi giá trị và hiệu lực của phán quyết trọng tài, mà nó chỉ làm thay đối cái nhìn và đánh giá của nhiều người về ông và vị thế của nước Nga ngày nay. 

Có thể nhiều nhà phân tích tin rằng, sau G-20 một liên minh Trung – Nga chống lại trật tự quốc tế hậu Chiến tranh Thế giới II mà Bắc Kinh và Moscow tin là do Washington dẫn đầu, sẽ hình thành hoặc đã hình thành.

Thậm chí có người tin sự cải thiện quan hệ Trung – Nga dưới thời Putin – Tập Cận Bình chống Mỹ và phương Tây không khác gì việc Tổng thống Mỹ Richard Nixon thăm Trung Quốc năm 1972 để hình thành một “liên minh” chống Liên Xô.

Tuy nhiên người viết đồng ý với nhận định của nhà nghiên cứu Nga Alexander Gabuev từ Chương trình Châu Á – Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Canegie ở Mowscow trên South China Morning Post ngày 15/8 rằng, Trung – Nga không có khả năng trở thành đồng minh.

Nga cần thị trường, nguồn vốn của Trung Quốc, cần bán vũ khí cho Trung Quốc, trong khi Trung Quốc cũng có thể cung cấp một số linh kiện thiết bị quân sự cho Nga. Còn theo người viết, Bắc Kinh cần tiếng nói của Moscow để vớt vát lại thể diện sau Phán quyết Trọng tài 12/7.

Trong khi hình ảnh của Putin không mấy tốt đẹp ở phương Tây, ông có nhiều người hâm mộ tại Trung Quốc. Tuy nhiên theo South China Morning Post, không có nhiều người Trung Quốc tin rằng ông là một người bạn thực sự của nước họ.

Mặt khác, quan hệ Trung – Nga dường như chỉ xây dựng trên sự đổi chác lợi ích một cách thực dụng, thiếu sự bền vững lâu dài dựa trên luật chơi chung – luật pháp quốc tế. Khi xảy ra mâu thuẫn lợi ích, đồng minh cũng có thể quay ra cắn xé nhau.

Năm 1950 Mao Trạch Đông đi Moscow ký Hiệp ước Hữu nghị, liên minh và tương trợ lẫn nhau với Liên Xô. Chỉ 10 năm sau, năm 1960 Mao Trạch Đông và Khrushchev cãi nhau, xúc phạm nhau ngay tại Đại hội Đảng Cộng sản Rumani. 

10 năm tiếp theo, năm 1970 Mao Trạch Đông tìm cách quay sang bắt tay với Mỹ chống Liên Xô. Năm 1979 Trung Quốc liên minh với Pakistan và Mỹ kết thúc cuộc chiến của Liên Xô tại Afghanistan.

Việt Nam cũng từng là nạn nhân của cạnh tranh địa chính trị, địa chiến lược giữa các siêu cường, nên hơn ai hết cần đề cao cảnh giác, dùng luật pháp quốc tế làm căn cứ để xem xét, ứng xử với các vấn đề quốc tế và khu vực.

Những hành xử của Trung Quốc trên Biển Đông và những phát biểu chống lưng của Tổng thống Putin cho thấy, khái niệm luật pháp quốc tế ở Biển Đông theo cách hiểu của các nhà lãnh đạo Trung Nam Hải, Điện Kremlin khác rất nhiều với phần còn lại của thế giới, đi ngược lại lợi ích hợp pháp của Việt Nam và khu vực.

Vì vậy thấy rõ tình hình để có quyết sách phù hợp là điều quan trọng, cần thiết.

Những ai yêu mến Putin xin cứ tiếp tục giữ tình yêu ấy. Có điều trước những phân tích phê phán quan điểm của Putin về Biển Đông và tác động, ảnh hưởng của nó thì xin đừng vội vàng hấp tấp chụp mũ cho đồng bào mình là “xuyên tạc quan điểm của Nga về Biển Đông” hay “chống phá quan hệ hữu nghị Việt – Nga”.

RELATED ARTICLES

Tin mới