Friday, October 18, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiHãy dừng ngay bảo lãnh Chính phủ cho các DNNN

Hãy dừng ngay bảo lãnh Chính phủ cho các DNNN

Các dự án được Chính phủ bảo lãnh vay vốn phần lớn là của DNNN và chúng thường tỏ ra không hiệu quả vì “cha chung không ai khóc”.

Dự án mở rộng gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 đã chậm tiến độ 8 năm. Ảnh: VnEconomy

“Cha chung không ai khóc”

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2016, xem xét kỹ các dự án ngay từ giai đoạn phê duyệt chủ  trương cấp bảo lãnh để hạn chế dần bảo lãnh Chính phủ. Từ năm 2017, tạm dừng phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh cho các dự án mới để đảm bảo an toàn nợ công. Trường hợp đặc biệt cấp thiết, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cấp bảo lãnh Chính phủ đối với từng trường hợp cụ thể.

TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) đánh giá, đây là một chỉ đạo cần thiết và hợp lý trong bối cảnh nợ công Việt Nam đã sát trần.

Trong một báo cáo hồi cuối năm 2015, dữ liệu của Chính phủ cho thấy nợ công so với GDP đã ở mức 62,2%, áp sát ngưỡng kiểm soát (65%). Trong khi đó, nợ Chính phủ thực tế đã vượt trần 0,3% (ở mức 50,3% GDP).

Bản tin nợ công do Bộ Tài chính công bố cũng cho thấy, dư nợ Chính phủ đến hết năm 2014 đã lên 1,826 triệu tỷ đồng (gần 86 tỷ USD), tăng mạnh so với 1,5 triệu tỷ đồng hồi năm 2013 và gấp đôi so với năm 2010. Với số nợ này, chỉ riêng năm 2014, chi phí trả là hơn 260.000 tỷ đồng.

“Nợ công năm nay đã đến sát trần, tăng trường GDP và lạm phát thấp có thể khiến nợ công/GDP tăng cao hơn 5%. Nếu Chính phủ tiếp tục bảo lãnh cho vay nữa sẽ ảnh hưởng đến trần nợ công. Gánh nặng nợ công đã quá lớn, Chính phủ không thể gánh thêm được nữa, do đó cần phải đánh giá lại hiệu quả của việc sử dụng vốn được Chính phủ bảo lãnh rồi tính tiếp”, ông Nguyễn Đức Độ nói.

Vị chuyên gia chỉ rõ, việc Chính phủ đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn là con dao hai lưỡi. Nếu doanh nghiệp kinh doanh tốt, nộp thuế và trả nợ đầy đủ, ngân sách và nền kinh tế sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, nếu dự án thất bại, Chính phủ sẽ phải đứng ra trả nợ thay chủ dự án và kết quả nhãn tiền là nó sẽ ảnh hưởng đến trần nợ công.

Một điểm đáng lưu ý được Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính chỉ ra, đó là không chỉ nhiều dự án được Chính phủ bảo lãnh có hiệu quả thấp, mà phần lớn những dự án của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thường kém hiệu quả.

“Có thể một số dự án thất bại có liên quan đến yếu tố thị trường, do doanh nghiệp phán đoán thị trường sai, cho rằng dự án của mình có triển vọng nhưng thực chất lại không phải vậy. Và thực tế, khi doanh nghiệp kinh doanh thì tư nhân có thể thất bại, và nhà nước cũng có thể thất bại. Nhưng nhìn chung, đã là sở hữu nhà nước thì “cha chung không ai khóc”, các dự án của DNNN thường ít hiệu quả và bởi nó liên quan đến vốn Nhà nước, đến nợ công nên không thể tiếp tục kéo dài như vậy nữa”, ông Độ nhấn mạnh.

Cái gì tư nhân làm được hãy để tư nhân làm

Từ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Đức Độ đề xuất cách ứng xử với các dự án đang dang dở cũng như những dự án mới.

Theo đó, ông cho rằng, đối với những dự án dang dở, đang kêu cứu Chính phủ, khi đã bỏ tiền ra thì thu hồi lại rất khó, vì thế cần xác định xem triển vọng của dự án đến đâu. Nếu dự án có triển vọng thì Chính phủ có thể bỏ thêm vốn để phục hồi và ngược lại.

“Tuy nhiên, cũng khó biết được dự án có hiệu quả hay không vì nó liên quan đến câu chuyện kinh doanh, phụ thuộc thị trường. Có những ngành không thể phục hồi hoặc khó phục hồi, chẳng hạn như ngành thép. Thế giới đang “bội thực” thép Trung Quốc do nước này đang trong cơn khủng hoảng thừa thép, do đó thị trường rất khó khăn. Ngành dầu khí cũng rất khó đoán bởi giá dầu đang thấp, các công ty trên thế giới làm ăn thua lỗ. Kinh tế và kinh doanh khác nhau. Nhiều khi Chính phủ bảo lãnh để doanh nghiệp kinh doanh, mà kinh doanh có thể thắng có thể thua, nhiều rủi ro, do đó, rất khó để xử lý những dự án đang dang dở rồi”, ông Nguyễn Đức Độ phân tích.

Ngay cả với những dự án mới, dù nói rằng cần xem xét từng trường hợp cụ thể, nhưng theo ông Nguyễn Đức Độ, cũng rất khó để biết dự án mới có triển vọng hay không. Bởi vậy, ông đề xuất, Nhà nước không nên tham gia vào những dự án mà tư nhân có thể làm được, kể cả đầu tư hay bảo lãnh vay vốn, thay vào đó hãy để tư nhân tự làm tự chịu. Nhà nước hãy chỉ tham gia những dự án mà tư nhân không làm được hoặc không muốn làm như an ninh quốc phòng, xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết…

Từ trường hợp của dự án đầu tư mở rộng giai đoạn 2 Công ty CP Gang thép Thái Nguyê và dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép tại Kinh Môn, Hải Dương của Tập đoàn Hòa Phát, ông Độ khẳng định đây là ví dụ sinh động cho sự khác biệt giữa đầu tư của Nhà nước và tư nhân.

“Dĩ nhiên ở đây cũng phải tính đến các yếu tố thị trường, ngành thép đang gặp cạnh tranh mạnh mẽ, nhưng tư nhân luôn phải lo cho túi tiền của họ nên tính toán chặt chẽ, xoay xở linh hoạt. Trước đây Việt Nam không làm rõ được phần trách nhiệm khi dự án kém hiệu quả,  bây giờ là lúc phải làm chuyện đó, muộn còn hơn không”.

RELATED ARTICLES

Tin mới