Thursday, December 26, 2024
Trang chủĐàm luậnKẻ gieo gió nhất định sẽ gặt bão! (Kỳ I)

Kẻ gieo gió nhất định sẽ gặt bão! (Kỳ I)

Thế kỷ XXI, thế kỷ của nhân loại hướng ra biển, giàu mạnh và thịnh vượng lên nhờ biển. Do vậy, xác lập, thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia trên các vùng biển theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS) để phát triển kinh tế-xã hội là một xu thế tất yếu.

 I- Sau phán quyết, Bắc Kinh càng ráo riết quân sự hóa trên Biển Đông

Việc Trung Quốc xây dựng, bồi đắp các đảo nhân tạo trong thời gian qua đã làm cho tình hình tranh chấp trên biển giữa các quốc gia trong khu vực ngày càng căng thẳng và phức tạp.

Hoạt động bồi đắp và xây dựng này đã từng bước làm thay đổi hiện trạng của các vùng biển, đảo đang tranh chấp hoặc chồng lần giữa các quốc gia trong khu vực. Rất tiếc, thực tiễn đó đã và đang được Trung Quốc tiến hành với quy mô rất lớn trên 7 bãi đá ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Bắt đầu từ cuối năm 2013, đặc biệt là trong năm 2015, Trung Quốc đã tập trung tổng lực để xây dựng, tôn tạo và bồi đắp các cấu trúc địa lý mà nước này đang chiếm đóng trái phép tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt nam. Các hoạt động này của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm các cam kết khu vực của nước này, cũng như vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.

Một khi các đảo nhân tạo được xây dựng gắn với bờ biển hoặc trên các bãi cạn lúc chìm lúc nổi mà khoảng cách của chúng với lục địa hoặc một đảo tự nhiên không quá 12 hải lý thì chúng có vai trò trong việc xác định đường cơ sở thẳng dùng để tính chiều rộng của lãnh hải của quốc gia ven biển. Ngược lại, nếu đảo nhân tạo được xây dựng ở lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thì quốc gia ven biển chỉ được thiết lập vùng an toàn không quá 500 m. Và dĩ nhiên các đảo nhân tạo, sẽ không có bất kỳ vai trò gì trong quá trình phân định biển vì chúng không có lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Thế nhưng Trung Quốc vẫn có tình phớt lờ!

Từ cuối năm 2013 đến nay qua các hình ảnh vệ tinh cho thấy, Trung Quốc đã tăng diện tích cải tạo đất từ 20 đến 810 ha. Tại Subi, tốc độ lấn biển trong tháng 5-6/2015 là 8 ha/ngày đã biến bãi ngầm này thành một căn cứ nổi có diện tích khoảng 3,87 km² đủ để thiết lập một đường băng hơn 3 km. Trong khi đó, tổng diện tích của các đảo nổi ở quần đảo Trường Sa khoảng 10 km² trên diện tích biển 160-180.000 km². Trung bình cứ mỗi ngày Trung Quốc xây dựng thêm 96,5m2. Theo Báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 8/5/2015 thì Trung Quốc “đã mở rộng diện tích các đảo họ đang chiếm trong Biển Đông lên khoảng 400 lần” tương đương với 800 ha kể từ tháng 01/2014, trong đó có đến ¾ diện tích này được thực hiện từ đầu năm 2015 đến nay. Theo ảnh chụp vệ tinh mới nhất, Trung Quốc đã xây dựng các cấu trúc địa lý rộng hơn gấp 20 lần diện tích ban đầu chỉ trong vòng ba năm.

Về quy mô, tại quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc tiến hành xây mới đường băng dài 2.920 m thay thế cho đường băng cũ dài 2.400m tại đảo Phú Lâm, mở rộng khu vực hậu cần cho máy bay tại đảo Phú Lâm, xây dựng một doanh trại quân đội, đê chắn biển và một số các công trình trên đảo Quang Hòa, mở rộng diện tích đảo này lên 50% so với diện tích vào tháng 01/2014 và xây dựng các tòa nhà trên đảo Duy Mộng…

Tại quần đảo Trường Sa, Trung Quốc tiến hành cải tạo trên toàn bộ bảy cấu trúc địa lý mà nước này hiện đang chiếm đóng trái phép của Việt Nam. Đến nay, Trung Quốc đã hoàn thành giai đoạn nạo vét, tôn tạo, kè bao, hải đăng, sân bay và nước này vẫn đang tập trung xây dựng công trình tại Gạc Ma, Huy Gơ, Châu Viên và Ga Ven, đồng thời tiếp tục triển khai tôn tạo với quy mô, tiến độ ngày càng lớn tại Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn.

Nguy hiểm hơn, trong thời gian gần đây, đặc biệt là sau phán quyết của Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện của Philippines thì Trung Quốc đang rất manh động và quyết liệt nhằm thực hiện mưu đồ “quân sự hóa Biển Đông” bằng các hoạt động xây dựng các nhà giữ máy bay chiến đấu, đưa vũ khí, khí tài quân sự hùng hậu đến các đảo nhân tạo ở Trường Sa và các đảo ở quần đảo Hoàng Sa.

Hành động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc trên bảy đá ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam đã bị Việt Nam, Philippines, các nước trong khu vực và thế giới lên án mạnh mẽ. Về phương diện pháp lý quốc tế hành vi này của Trung đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm DOC, vi phạm luật môi trường quốc tế, đe dọa hoạt động hàng hải, hàng không, hoạt động thương mại của khu vực và quốc tế; ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình giải quyết tranh chấp, bất đồng trong khu vực Biển Đông.

ràng Trung Quốc đã ngang ngược xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam bất chấp luật pháp quốc tế.

Bởi lẽ, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo ít nhất từ thế kỷ thứ 17. Nhà nước Việt Nam là quốc gia đầu tiên, với tư cách Nhà nước, đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo một cách hòa bình, thực sự và liên tục qua tất cả các thời kỳ kể từ khi hai quần đảo này chưa thuộc về bất kỳ quốc gia nào. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này là hoàn toàn phù hợp, đáp ứng được các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế về thụ đắc lãnh thổ.

Hiện có đầy đủ các tài liệu trong và ngoài nước chứng minh các chúa Nguyễn đã nhân danh Nhà nước Việt Nam là quốc gia đầu tiên đã chiếm hữu, xác lập và củng cố chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa giai đoạn này. Các chúa Nguyễn đã lập ra đội Hoàng Sa kiêm quản đội Bắc Hải để tiến hành các hoạt động khai thác tài nguyên, đo đạc, khảo sát, cắm mốc chủ quyền, cai quản thường niên, thiết lập đơn vị hành chính, giao tiếp đối ngoại… đối với việc quản lý hai quần đảo này.

Sau khi ký Hiệp ước Patenôtre ngày 6/6/1884, nước Pháp đã đại diện cho quyền lợi của Việt Nam tiếp tục duy trì thực thi một cách đầy đủ chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo thông qua một loạt các hoạt động mang danh nghĩa nhà nước như: xây dựng hải đăng trên quần đảo Hoàng Sa, dựng bia chủ quyền tại quần đảo Trường Sa, thường xuyên sử dụng các tàu Hải quân tuần tra hai khu vực quần đảo, sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu…

Từ năm 1945-1976, Chính phủ Quốc gia Việt Nam, tiếp đó là chính quyền Việt Nam cộng hòa đã tiếp quản và kế thừa các quyền và danh nghĩa đối với hai quần đảo từ Pháp, tiếp tục thực thi và củng cố chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo một cách hòa bình, liên tục.

Từ năm 1976 đến nay, Nhà nước CHXHCN Việt Nam liên tục thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo, phản đối mọi hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo. Trong các tuyên bố của mình, Trung Quốc luôn khẳng định chủ quyền của họ đối với cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam dựa trên các tài liệu lịch sử chứng minh Trung Quốc là nước “phát hiện sớm nhất, khai phá kinh doanh sớm nhất, cai quản sớm nhất” hai quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa).

Bất chấp sự thật, các tài liệu mà Trung Quốc viện dẫn đều là tư liệu tư nhân, không chứng tỏ được ý chí, hành vi của Nhà nước Trung Quốc trong việc thụ đắc chủ quyền đối với hai quần đảo theo quy định của luật pháp quốc tế. Hơn thế nữa, hàng loạt các hành động sử dụng vũ lực của Trung Quốc để chứng minh chủ quyền của nước này hoặc kiểm soát trên thực địa đối với hai quần đảo đều không thể tạo thành danh nghĩa chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo: Trung Quốc đã sử dụng vũ lực tấn công, chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa các năm 1956 và 1974 và các đá Su bi, Gaven, Chữ Thập, Gạc Ma, Châu Viên, Tư Nghĩa năm 1988 và Vành Khăn năm 1995. Đây là hành vi vi phạm luật quốc tế nghiêm trọng nhất. Luật pháp quốc tế không bao giờ thừa nhận chủ quyền của một quốc gia đối với lãnh thổ có được bằng hành động sử dụng vũ lực để xâm lược.

Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cản trở tiến trình xây dựng Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) đang được Trung Quốc và ASEAN bàn thảo.

Trung Quốc đã vi phạm trắng trợn cam kết trên, cố tình làm thay đổi nguyên trạng các cấu trúc địa lý mà nước này đang chiếm đóng trái phép ở Hoàng Sa và Trường Sa, vi phạm nghĩa vụ kiềm chế, không thực hiện các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình, gây khó khăn cho việc giải quyết tranh chấp cuối cùng. Hành vi của Trung Quốc rõ ràng đã vi phạm quy định của luật pháp quốc tế, cũng như các cam kết của nước này tại DOC.

(Còn tiếp)

RELATED ARTICLES

Tin mới