BienDong.Net: Các quan chức Philippines cho biết Tổng thống Benigno Aquino đã hủy chuyến đi tới Trung Quốc để dự hội chợ thương mại Trung Quốc – ASEAN sau khi Bắc Kinh đòi ông trước hết phải rút đơn kiện liên quan tới tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Nhận định về vấn đề này, RFI cho rằng đây là một hành động chưa từng có từ phía Trung Quốc vào khi quan hệ giữa hai nước đang xấu đi do tranh chấp tại Biển Đông mà Trung Quốc gọi là Nam Hải, Philippines gọi là Biển Tây Philippines.
Manila nói Tổng thống Aquino hủy chuyến đi vì các điều kiện do Trung Quốc đưa ra
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines, ông Raul Hernandez, nói tại một cuộc họp báo rằng Ngoại trưởng Trung Quốc, Vương Nghị, và hai nhà ngoại giao khác đã truyền đạt điều kiện đối với chuyến đi của Tổng thống Aquino tới hội chợ Trung Quốc – ASEAN, được tổ chức tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây.
Ông Hernandez từ chối đưa ra chi tiết các điều kiện này nhưng nói đó là những điều “hoàn toàn độc hại cho lợi ích quốc gia của chúng tôi”.
Ông Đô Kỳ Phụng, một chuyên gia về ngoại giao Đông Nam Á tại Viện nghiên cứu Châu Á – Thái Bình Dương thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói việc chính phủ Trung Quốc từ chối tiếp lãnh tụ ngoại quốc tới thăm là điều hiếm có. “Nó cho thấy chính phủ Bắc Kinh này càng khó chịu với chính phủ tại Manila”, ông Phụng nói.
Giáo sư Tô Hạo thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc thì nói “Bắc Kinh đã tiếp đón long trọng ông Aquino cách đây hai năm, và hai quốc gia đã ký nhiều thỏa thuận. Nhưng ông Aquino đã có những phát biểu cứng rắn chống lại Trung Quốc ngay sau khi ông trở về nước”.
Trung Quốc và Philippines đang có những tranh chấp lãnh thổ ngày càng căng thẳng. Hồi năm ngoái Trung Quốc đã chiếm bãi ngầm Scarborough mà philippines tuyên bố nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của họ, và năm nay Trung Quốc đòi hải quân Philippines phải rút khỏi bãi ngầm Second Thomas, tên Philippines là Ayungin Reef, còn tên Việt Nam Bãi Cỏ Mây, xa hơn về phía nam. Philippines đã làm cho Trung Quốc nổi điên khi đề nghị LHQ làm trọng tài phân xử nhằm giải quyết các tranh chấp này.
Các nghị sĩ Philippines ra thăm bãi Bãi ngầm Scarborough tháng 05.1997 (Ảnh Reuters)
Căng thẳng tiếp tục dâng cao khi ngày 3.9, trong cuộc điều trần trước Quốc hội Philippines, Bộ trưởng Quốc phòng Gazmin thông báo rằng ngày 31 tháng 8 vừa qua, quân đội Philippines đã phát hiện ba tàu Tuần duyên Trung Quốc cùng với nhiều khối bê tông trong khu vực bãi cạn Scarborough, mà Manila gọi là Panatag, còn Bắc Kinh đặt tên là Hoàng Nham.
Theo ông Gazmin, sự kiện đó hoàn toàn đi người lại bản Tuyên bố năm 2002 giữa Trung Quốc và Hiệp hội các nước Đông Nam Á, yêu cầu các bên tranh chấp tránh chiếm đất ở Biển Đông. Phát biểu với báo chí sau cuộc điều trần, ông Gazmin nhận định: “Trước là đá, rồi đến máy đóng cột, sau đó là móng… Nếu không chú ý theo dõi, khi trở lại đó sau này, ta có thể thấy cả một đồn quân sĩ.”
Theo nhận định của một chuyên gia về Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam tại Singapore, hành động xây dựng cơ sở của Trung Quốc trên bãi Scarborough nhằm mục tiêu cho thế giới biết là thực thể đó «nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc, nằm trong tay Trung Quốc”.
Trong khi đó, theo Reuters hôm 3.9, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố Bắc Kinh “nghiêm túc” trong việc tìm ra giải pháp hòa bình nhằm xử lý các tranh chấp trên Biển Đông. Ông Lý Khắc Cường tuyên bố: “Trung Quốc sẽ tiến hành một cách có hệ thống và thúc đẩy một cách hợp lý các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) ”.
Một số nhà quan sát phương Tây nhận định tuyên bố của ông Lý Khắc Cường hàm ý Trung Quốc sẽ “không vội vàng” đàm phán về COC như mong muốn của các nước ASEAN.
BDN (nguồn RFI)