Friday, April 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu Việt NamVƯƠNG TRIỀU NGUYỄN TRONG VAI TRÒ QUẢN LÝ BIỂN ĐÔNG

VƯƠNG TRIỀU NGUYỄN TRONG VAI TRÒ QUẢN LÝ BIỂN ĐÔNG

BienDong.Net: Để bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước, các triều đại phong kiến Việt Nam đều coi trọng và đầu tư nguồn lực xây dựng lực lượng thủy binh hùng mạnh. Lực lượng thủy quân của các triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn đã được hình thành và không ngừng lớn mạnh và hoàn thiện.

Lực lượng thủy binh đó đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp giữ gìn đất nước với các dấu ấn lịch sử qua từng giai đoạn.

Các tài liệu còn được lưu giữ đến ngày nay đã khẳng định ít nhất là từ thế kỷ 17, các triều đình phong kiến Việt Nam đã xác lập chủ quyền và quản lý, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời khai thác và làm chủ Biển Đông. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí triều Nguyễn có chép: “Phía Đông có dải đảo cát nằm ngang (Hoàng Sa đảo) liền với biển xanh làm hào che, phía Tây khống chế vùng Sơn Man có lũy đá dài chồng chất giữ cho vững vàng, phía Nam kề bên tỉnh Bình Định, có sườn núi Bến Đá làm mũi chặn ngang, phía Bắc tiếp giáp tỉnh Quảng Nam, có ghềnh sa có thể làm giới hạn”.

Đặc biệt, dưới triều Nguyễn, lực lượng thủy quân đã được xây dựng với quy mô lớn nhằm bảo vệ hải giới, bởi lúc này con đường tơ lụa trên biển được các nước phương Tây mở rộng và Việt Nam nằm trên con đường đó.

Năm 1802, Nguyễn Ánh (Gia Long) đánh bại Tây Sơn, thiết lập Vương triều Nguyễn, cai quản một nước Việt Nam thống nhất, rộng dài và ổn định trọn vẹn như ngày hôm nay. Vua Gia Long đã ra sức phát triển lực lượng thuỷ quân, đóng thuyền buồm, tầu chiến và cử tầu thuyền ra nước ngoài. Vua Gia Long từng lệnh cho Bộ Công tổ chức biên soạn cuốn Duyên hải lục ghi chép độ sâu của thuỷ triều ven biển và cây số đường biển. Một điểm nổi bật trong triều đại vua Gia Long là hoạt động tích cực trong việc thực thi chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa.

Theo sách Đại Nam thực lục Chính biên ghi chép thì vào năm 1803, nghĩa là chỉ mấy tháng sau khi thành lập Vương triều Nguyễn, vua Gia Long “lấy Cai cơ Võ Văn Phú làm Thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa”. Không chỉ có đội Hoàng Sa, ông cho tái lập đội Bắc Hải và năm 1805 cho đặt cả đội Hoàng Sa, Bắc Hải vào trong cơ cấu tổ chức chung của các đội Trường Đà, có chức năng khai thác và quản lý toàn bộ khu vực Biển Đông kéo dài từ Quảng Bình đến Bình Thuận. Đặc biệt liên tục trong các năm 1815, 1816, Gia Long “sai đội Hoàng Sa là bọn Phạm Quang Ảnh ra đảo Hoàng Sa thăm dò đường biển”, triển khai các hoạt động thực thi chủ quyền một cách kiên quyết và đồng bộ.

Hoạt động thực thi chủ quyền của vua Gia Long ở Hoàng Sa, Trường Sa không chỉ không chỉ được lưu giữ, ghi chép lại trong các bộ sách chính sử của triều đình mà còn được nhiều người phương Tây chứng thực và để cao. Giám mục người Pháp Jean Louis Taberd đã từng nhiều năm truyền giáo ở Trung Kỳ và Nam Kỳ đầu thế kỷ 19 đã ghi nhận trong Tài liệu về địa lý của Cochinchina trong Tạp chí xã hội Châu Á: “năm 1816, vua Gia Long đã cho cắm cờ chính thức giữ chủ quyền ở Hoàng Sa và không có ai tranh giành với ông ta”.

Lực lượng hải quân của vua Gia Long được mô tả là “Hạm đội bao gồm những pháo thuyền mang theo từ 16 đến 22 khẩu đại bác. Những thuyền lớn có từ 50 đến 70 mái chèo, những thuyền nhỏ có 40 hoặc 44 mái chéo”.

Đến cuối đời Gia Long, xu thế quân sự hóa và chính quy hóa các đội Hoàng Sa, Bắc Hải ngày càng mạnh theo hướng quy thuộc vào đội Thủy quân. Các đội Hoàng Sa, Bắc Hải hoạt động mạnh và hiệu quả dưới thời vua Gia Long cho đến đầu thập kỷ 20 của thế kỷ XIX thì được tích hợp vào đội Thủy quân của triều vua Minh Mệnh. Đội Thủy quân là quân đội chính quy của nhà nước, mặc nhiên được mở rộng tuyển chọn lực lượng trong cả nước, nhưng những nguời chuyên trách công việc ở Hoàng Sa, Trường Sa vẫn chủ yếu tuyển chọn từ những người dân An Vĩnh, Sa Kỳ và đảo Lý Sơn. Phạm vi hoạt động của đội Thủy quân là trên toàn tuyến biển đảo cả Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển đảo khác thuộc chủ quyền của nước Đại Nam (Việt Nam).

Dưới triều vua Minh Mạng thủy quân nhà Nguyễn được tổ chức chặt chẽ và quy củ. Ngoài nhiệm vụ đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ thủy quân nhà Nguyễn còn phải thực thi nhiệm vụ quan trọng đó là cắm mốc, dựng bia chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Lực lượng thủy quân nhà Nguyễn được vua Minh Mạng cải tiến, ông định kích thước và kiểu dáng cho từng hạng thuyền làm chuẩn mực để các xưởng thuyền theo các quy thức đó mà đóng. Minh Mạng đã cho đóng một số thuyền máy hơi nước theo kiểu phương Tây và mua một số tàu hơi nước đi biển của phương Tây để tăng cường cho lực lượng phòng thủ biển ở các vị trí then chốt.

Năm Nhâm Ngọ 1822, vua Minh Mạng cho mua một chiếc thuyền bọc đồng của Pháp đặt tên là Điện Dương tức là sấm sét để làm mẫu cho các xưởng đóng thuyền nghiên cứu và đóng theo mẫu thuyền này.

Sách Đại Nam Thực Lục có chép: ”Tháng 6 năm ấy, vua sai Thống chế thủy sư Phan Văn Trường coi đóng thuyền hiệu theo kiểu Tây dương”. Chiếc thuyền bọc đồng đầu tiên hoàn thành được đặt tên là Thụy Long tức điềm lành, sau đó hàng loạt thuyền bọc đồng được đóng thêm chủ yếu là thuyền chiến, một số là thuyền dùng trong các chuyến tuần du trên Biển Đông.

Năm 1836, vua Minh Mạng đã ra lệnh cho Bộ Công đúc 9 đỉnh đồng khổng lồ. Cửu đỉnh được đặt trước Thế miếu nơi thờ tự các nhà vua triều Nguyễn. Điều đáng nói là trên Cửu đỉnh có 153 hình ảnh được khắc đều là những địa danh nổi tiếng của đất nước. Đặc biệt trên Cao Đỉnh hình ảnh Biển Đông dậy sóng được thể hiện một cách tinh tế. Tiếp đó trên Nhân Đỉnh có biển Nam tức Nam Hải, Chương Đỉnh có biển Tây tức Tây Hải. Đây là ba đỉnh to cao nhất tượng trưng cho ba vị vua đầu tiên triều Nguyễn với tầm mắt dõi ra Biển Đông. Những hình ảnh về biển đảo trên Cửu đỉnh đã khẳng định quyền làm chủ Biển Đông và giữ vững hải phận của triều đình nhà Nguyễn thủa ấy.

Suốt chiều dài lịch sử kể từ chúa Nguyễn đến vương triều Nguyễn đã tồn tại trên 400 năm, đó là cả một thiên lịch sử với những sự kiện bi hùng gắn với một triều đại đầy biến động lần đầu tiên trong lịch sử ngự trị ở một kinh đô gần biển. Trải qua bao cuộc bể dâu kinh đô Huế đã trở thành cố đô, nhưng những gì còn lại vẫn toát lên sự oai hùng của một vương triều vang bóng một thời. Những câu chuyện gắn với những hùng binh một thời vượt sóng to gió lớn vâng lệnh triều đình đi trấn thủ tại các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vẫn còn vẹn nguyên trong trí nhớ của các dòng tộc trên vùng đất có một thời là kinh đô của nước Việt.

Dưới thời vua Thiệu Trị (1841 – 1846), triều đình nhà Nguyễn phải lo đối phó với quân Xiêm trong cuộc chiến tranh từ năm 1841 đến 1845. Do vậy, trong giai đoạn lịch sử này, triều đình không thể tập trung toàn bộ lực lượng thuỷ quân cho công tác khai thác biển đảo, việc cử người đi Hoàng Sa, Trường Sa nhiều lần bị đình hoãn nhưng hoạt động chủ quyền biển đảo vẫn được duy trì. Trong thời kỳ này có rất nhiều “đơn” xin ra Hoàng Sa, Trường Sa, đích thân vua châu phê vì công việc bận hoặc vì bão gió chưa cho người ra Hoàng Sa, Trường Sa.

Thời kỳ triều đại vua Tự Đức là thời kỳ khó khăn trong lịch sử. Năm 1847 tầu chiến Pháp bắn những phát súng đầu tiên vào tầu thuyền Việt Nam ở ven biển gần Huế. Năm 1858 Pháp và Tây Ban Nha đánh vào cửa biển Đà Nẵng chiếm bán đảo Sơn Trà cuộc chiến xâm lược của Pháp từ biển vào đã mở màn. Lực lượng thuỷ quân của triều đình phải tập trung đối phó với cuộc xâm lược của Pháp nên không còn điều kiện để thường xuyên ra Hoàng Sa, Trường Sa. Nhưng ý thức trách nhiệm về chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa vẫn giữ vững.

Đặc biệt, trong giai đoạn Vương triều Nguyễn của vua Thiệu Trị và Tự Đức có rất nhiều Bộ sách của Quốc sử quán triều Nguyễn được hoàn thành, trong đó đều ghi chép khá rõ ràng về việc thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa như: bộ sách Đại Nam Thực lục Chính biên được biên soạn theo lối biên niên tính từ năm 1778 cho đến năm 1888; Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ do Nội các triều Nguyễn tổ chức biên soạn theo chỉ dụ của vua Thiệu Trị và được hoàn tất vào năm Tự Đức thứ 4 (1851) và khắc in xong vào năm Tự Đức thứ 21 (1868); Đại Nam nhất thống chí, như tên gọi của nó là bộ sách địa lý lịch sử chung và chính thống của nước Đại Nam, do vua Tự Đức chỉ thị cho Quốc sử quán tổ chức biên soạn từ năm 1865 và về cơ bản hoàn thành vào năm 1882; Bộ sách Việt sử cương giám khảo lược là bộ sách địa lý lịch sử của Nguyễn Thông gồm 7 quyển, trong đó 2 quyển đầu chép về lịch sử còn 5 quyển tiếp theo chép về địa lý lịch sử. Năm 1876; Khải đồng thuyết ước và được khắc in vào năm Tự Đức thứ 34 (1881)

Từ đầu thế kỷ XIX với sự ra đời của Vương triều Nguyễn cai quản một vùng lãnh thổ, lãnh hải có nguồn gốc từ 3 quốc gia cổ đại đầu tiên và được tái xác lập và ổn định tính từ năm 1757, quan niệm về Biển Đông đã được hiểu một cách thống nhất là vùng biển rộng dài chạy dọc theo và che chở cho toàn bộ mặt đông của lãnh thổ, tính từ Móng Cái (ở cực Bắc) cho đến mũi Cà Mau (ở cực Nam), mở rộng ra không chỉ toàn bộ các dải đảo ven bờ, mà cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nói một cách khác, quan niệm thống nhất và phổ biến của Việt Nam về Biển Đông như hiện nay, trên thực tế đã được xác lập từ đầu thế kỷ XIX.

RELATED ARTICLES

Tin mới