Tuesday, April 16, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBẮC KINH TẠO CƠ HỘI CHO MỸ TĂNG CƯỜNG QUAN HỆ QUỐC...

BẮC KINH TẠO CƠ HỘI CHO MỸ TĂNG CƯỜNG QUAN HỆ QUỐC PHÒNG VỚI CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á

BienDong.Net: Trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng các hoạt động gây hấn ở Biển Đông, đẩy mạnh việc triển khai trên thực tế yêu sách “đường 9 đoạn”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel thực hiện chuyến thăm 4 nước Malaysia, Indonesia, Brunei và Philippines.

Cả 4 nước này đều bị ảnh hưởng bởi yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở mức độ khác nhau.

Việc ông Chuck Hagel chọn 4 nước này để đi thăm là có chủ ý rõ ràng trong việc tranh thủ các nước có vấn đề tranh chấp biển với Trung Quốc để đẩy mạnh chính sách “tái cân bằng ở Châu Á – Thái Bình Dương”, ngăn chặn các hành động leo thang mới của Trung Quốc ở Biển Đông.

Malaysia là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du 4 nước Đông Nam Á lần này của Bộ trưởng Hagel. Ngày 25.8, tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia ông Hagel tuyên bố Mỹ tăng 50% quỹ hỗ trợ quân đội và chương trình huấn luyện quân sự ở Đông Nam Á, ông nói: “Ngân sách gần đây nhất của chúng tôi gồm cả 90 triệu USD cho các chương trình huấn luyện, đào tạo và tài trợ quân sự ở Đông Nam Á”. Chương trình tài trợ quân sự nước ngoài của Washington cấp viện trợ và vốn vay để hỗ trợ các quốc gia khác mua vũ khí Mỹ.

Trong cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein, ông Hagel tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ quân đội Malaysia trong các lĩnh vực nhân đạo, ứng phó thiên tai, gìn giữ hòa bình và an ninh biển. Theo đó, Mỹ sẽ tiến hành 75 hoạt động, trao đổi và thăm viếng với quân đội Malaysia trong năm 2013. Bộ trưởng Hagel còn tuyên bố Mỹ sẽ tăng cường bán vũ khí và chuyển giao công nghệ cho các nước trong khu vực: “Chúng tôi còn gia tăng giao dịch thương mại quốc phòng, và cuối cùng là hướng tới tầm nhìn hợp tác, cùng phát triển các nền tảng mới cho những đối tác thân cận nhất trong khu vực”.

Tiếp đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã có chuyến thăm Indonesia trong hai ngày 26 – 27/8/2013. Tại Indonesia, Bộ trưởng Hagel nêu rõ thúc đẩy các mối quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á là một phần quan trọng trong chiến lược xoay trục sang Châu Á – Thái Bình Dương và Mỹ sẽ tiếp tục thực thi chiến lược này. Mỹ và Indonesia ký kết Hợp đồng bán cho Indonesia 8 chiếc máy bay trực thăng Apache mới loại AH – 64E, trị giá lên tới 500 triệu USD. Apache là mẫu trực thăng tấn công của Mỹ, được hãng Hughes thiết kế, sau đó được phát triển bởi hãng McDonnell Douglas, và hiện được hãng Boeing sản xuất. Mẫu trực thăng này được điều khiển bởi hai phi công, với nhiều trang thiết bị khí tài hiện đại và có hiệu quả cao trong chiến đấu. Apache được trang bị một số loại thiết bị điện tử hàng không mới nhất như hệ thống xác định mục tiêu, hệ thống hỗ trợ quan sát ban đêm (TADS/PNVS) và hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu (GPS). Apache có khả năng hoạt động ở mọi địa hình, cả ngày lẫn đêm hoặc trong điều kiện thời tiết bất lợi.

Tại cuộc họp báo ở thủ đô Jakarta, Indonesia, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nhấn mạnh: “Việc bán máy bay trực thăng đẳng cấp thế giới cho Indonesia là minh chứng thể hiện cam kết của Mỹ, trong việc giúp đỡ Indonesia xây dựng sức mạnh quân sự”. Còn Bộ Quốc phòng Indonesia thì khẳng định, việc mua 8 chiếc máy bay trực thăng chiến đấu của Mỹ sẽ giúp Indonesia có khả năng đối phó với một loạt các rủi ro và tăng cường an ninh khu vực.

Tại Brunei, Bộ trưởng Hagel đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Brunei… trong ngày 28/8/2013; dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng vào ngày 29/8/2013. Tại Brunei, Ông Hagel kêu gọi kiềm chế trong tranh chấp ở Biển Đông và nhấn mạnh đến chiến lược chuyển trọng tâm quân sự của Mỹ sang khu vực Châu Á – Thái Bình Dương

Còn tại Manila, ông Hagel và các quan chức Philippines thảo luận về thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ tăng cường hiện diện ở Philippines. Từ giữa tháng 8/2013, tại Manila Mỹ và Philippines đã tiến hành đàm phán về Thoả thuận IRP (Increased Rotational Presence – Sự hiện diện luân phiên được tăng cường). Theo đó, Mỹ sẽ không đặt căn cứ quân sự thường trực mà mức độ tăng cường sẽ tuỳ thuộc vào nhu cầu cụ thể ở từng thời điểm; Thoả thuận sẽ đi sâu vào chi tiết các chiến dịch sẽ được tiến hành trong tương lai và số lượng binh lính Mỹ được phép trú đóng trong nước sẽ “phụ thuộc vào quy mô chiến dịch mà 2 bên sẽ chấp nhận”. Hiện, Mỹ đang thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận chung với Philippines và có một lực lượng luân phiên gồm khoảng 500 quân có mặt ở miền Nam Philippines. Với Thoả thuận IRP, Mỹ có thể gửi thêm binh sĩ và thiết bị tiên tiến đến Philippines hoặc tham gia nâng cấp các căn cứ ở Philippines. Vòng đàm phán thứ 2 về Thoả thuận này được tổ chức cuối tháng 8/2013 tại Washington. Trong bối cảnh, các vùng biển của Philippines đang bị Trung Quốc từng bước xâm lấn, đồng thời Trung Quốc đang chĩa mũi nhọn vào Philippines nhằm gây sức ép buộc Philippines rút đơn kiện, Philippines mong muốn sớm kết thúc thoả thuận này để tăng cường khả năng phòng thủ. Bộ trưởng Hagel thăm Philippines là cơ hội tốt để đẩy nhanh tiến độ đàm phán về Thoả thuận này.

Quan hệ mật thiết giữa Mỹ và Philippines trong lĩnh vực quân sự còn thể hiện rõ trong Tuyên bố chung ngày 23/8/2013 của Tướng Emmanuel Bautista, lãnh đạo Quân đội Philippines và Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, trong đó khẳng định: “Chúng tôi (Mỹ và Philippines) quyết tâm củng cố môi trường an ninh tại vùng Đông Nam Á sao cho bảo vệ được lợi ích của tất cả những ai tôn trọng giá trị của việc giao thương qua các vùng biển mà không bị cản trở, đồng thời răn đe những kẻ muốn hạn chế hoặc hành động theo cách có thể đe dọa quyền tự do thương mại này”; đồng thời, kêu gọi các nước trong khu vực giải quyết các tranh chấp biển đảo dựa trên luật pháp quốc tế và bằng các biện pháp hòa bình.

Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng chính những hành động ngang ngược của Bắc Kinh ở Biển Đông đã đẩy các nước ven Biển Đông xích lại gần Mỹ, thắt chặt quan hệ quân sự với Mỹ và Washington đã tận dụng cơ hội này để vừa tăng cường sự hiện diện quân sự ở Biển Đông, vừa tranh thủ bán vũ khí cho các nước ở khu vực, qua đó đẩy mạnh chính sách “tái cân bằng ở Châu Á – Thái Bình Dương”. Như vậy, với việc nêu cao vấn đề bảo đảm ổn định khu vực và khuyến khích giải pháp hòa bình cho tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, Mỹ đã tranh thủ được sự đồng tình của các nước ven Biển Đông để tăng cường quan hệ quân sự với các nước này, qua đó củng cố vị thế của Mỹ ở khu vực, can dự sâu thêm vào vấn đề Biển Đông. Một số ý kiến còn cho rằng nếu Trung Quốc vẫn hành động bất chấp luật pháp và dư luận quốc tế, tiếp tục các hoạt động gây hấn với các nước láng giềng ở Biển Đông cũng như biển Hoa Đông thì không loại trừ trong thời gian tới sẽ hình thành một liên minh giữa các nước để chống lại sự bành trướng, bá quyền của Bắc Kinh.

RELATED ARTICLES

Tin mới