Sunday, January 5, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiMối quan hệ khó hiểu Mỹ - Philippines - TQ

Mối quan hệ khó hiểu Mỹ – Philippines – TQ

Không nên chú ý vào những phát biểu thô lỗ hay kỹ năng cân bằng của Duterte trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, mà hãy xem ông đưa đất nước Philippines đi đâu.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ảnh: WSJ.

Reuters ngày 13/9 dẫn lời Ngoại trưởng Philippine Perfecto Yasay nói rằng, Manila sẽ tiếp tục tôn trọng các nghĩa vụ hiệp ước với Hoa Kỳ, bất chấp việc Tổng thống Rodrigo Duterte hôm qua kêu gọi Mỹ rút đặc nhiệm khỏi miền Nam Philippines.

Hôm nay ông Yasay nói với báo giới:

“Tổng thống đã nói, thậm chí như một tuyên bố ưu tiên trong phát biểu nhậm chức của mình, rằng chúng tôi sẽ tôn trọng và tiếp tục tôn trọng các nghĩa vụ hiệp ước và cam kết của chúng tôi, đặc biệt là ngay cả với Mỹ.

Phát biểu của ông bây giờ không phải là ý định, và không nên xem là một tín hiệu rằng ông ấy sẽ thu lại tuyên bố trước đó của mình, rằng tôn trọng các thỏa thuận có liên quan.”

Như vậy đây là lần thứ 2 Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay phải đi chữa cháy cho ông chủ Điện Malacañang, sau vụ ông Rodrigo dùng từ thô tục chỉ trích Tổng thống Mỹ Obama.

Tuy nhiên mọi việc chưa có vẻ dừng lại sau những sự cố ngoại giao này.

Tổng thống Rodrigo Duterte lại lên tiếng thanh minh với báo giới, ông đã cố tình không tham gia cuộc họp thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo ASEAN với ông Obama tại Lào. 

Điều này làm dấy lên câu hỏi, quan hệ Mỹ – Philippines sẽ đi đâu, về đâu dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte?

The Wall Street Journal ngày 13/9 cho biết, các quan chức Mỹ tại Washington nói rằng, họ chưa nhận được bất kỳ liên hệ chính thức nào từ chính phủ Rodirog Duterte về yêu cầu rút lực lượng cố vấn đặc nhiệm Mỹ khỏi miền Nam nước này.

Trong khi các quan chức Mỹ “không bất ngờ” vì những tuyên bố của ông Duterte. Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest cho biết:

“Chủ yếu là do cá tính riêng làm cho một số ý kiến (của Tổng thống Philippines) mang khá nhiều màu sắc”.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Gary Ross nhận xét, quan hệ Mỹ – Philippines là một trong những quan hệ lâu dài và quan trọng nhất của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

“Nó đã trở thành nền tảng của sự ổn định trong hơn 70 năm qua. Nó được xây dựng trên những hy sinh cho dân chủ quyền quyền con người, mối quan hệ mạnh mẽ giữa con người và xã hội”, Gary Ross nói.

Trong hai tháng qua, Mỹ đã tư vấn cho Philippines cách tiến hành các nỗ lực chống khủng bố và sẽ tiếp tục công việc này.

Lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã cung cấp sự hỗ trợ, giúp đỡ ở miền Nam Philippines trong nhiều năm qua theo yêu cầu của chính quyền sở tại.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn chặt chẽ với các đối tác Philippines để điều chỉnh các hỗ trợ này cho phù hợp với cách tiếp cận mới của chính quyền mới”, Gary Ross cho hay.

Thượng nghị sĩ Philippines Antonio Trillanes IV, một cựu sĩ quan hải quân cho rằng, ông Rodrigo Duterte đã để cảm xúc che mờ phán đoán:

“Xu hướng chống Mỹ của Tổng thống Rodrigo Duterte không phải là nền tảng chính sách an ninh của chúng tôi. Các lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã giúp nâng cao hiệu quả trong hoạt động (chống khủng bố) của chúng tôi.”

Đặc nhiệm Mỹ đã đóng quân ở miền Nam Philippines từ năm 2002, đào tạo và tư vấn cho quân đội Philippines trong chiến dịch chống lại phiến quân Abu Sayyaf chuyên bắt cóc và chặt đầu người phương Tây.

Lúc cao điểm, các hoạt động chống khủng bố của Philippines – Mỹ lên tới hơn 1000 người, trước khi kết thúc chính thức năm 2015 và Mỹ chỉ để lại một vài cố vấn, đội ngũ kỹ thuật hỗ trợ.

Như vậy có thể thấy Washington rất kiên trì trước tính khí và phản ứng thất thường của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte để duy trì quan hệ tổng thể với đồng minh này.

Tuy nhiên người viết cho rằng, Washington cũng không thể khoanh tay ngồi nhìn ông Duterte thích làm gì thì làm, thích nói gì thì nói.

Ngay cả Thời báo Hoàn Cầu ngày 12/9 cũng đăng bài viết của nhà nghiên cứu Li Kaisheng từ Viện Khoa học xã hội Thượng Hải đặt câu hỏi: Rodrigo Duterte sẽ đưa Philippines đi đâu về đâu?

Mặc dù không phải ông Duterte trúng cử Tổng thống một cách “ngẫu nhiên”, mà bởi những chính sách tranh cửa của ông phù hợp với mong muốn của người dân, cử tri nước này.

Tuy nhiên với tính khí này, không ai biết chắc Duterte có thể đi bao xa.

Ngay cả chiến dịch chống ma túy và cải thiện an ninh công cộng, ông vẫn cần những thành tựu chính trị để củng cố vị thế của mình và sự ủng hộ của cử tri: Tăng trưởng kinh tế, đảm bảo việc làm, xóa đói giảm nghèo.

Đảng Tự do luôn theo dõi nhất cử nhất động của ông, nếu Duterte phạm sai lầm lớn trong quản lý đất nước, một nỗ lực luận tội có thể xảy ra.

Đảng này đã chuẩn bị nhân sự thay thế ông, Phó Chủ tịch Leni Rorbredo.

Duterte có thể trở thành một nhà độc tài, bởi sau một vụ đánh bom ở Davao hôm 2/9, Duterte tuyên bố tình trạng vô luật pháp trên cả nước, Li Kaisheng bình luận.

Rất khó để dự đoán những gì sẽ xảy ra, nhưng chắc chắn Philippines sẽ phải đối mặt với một tương lai không chắc chắn sau khi ông Rodrigo Duterte lên làm Tổng thống.

Tác giả Li Kaisheng cho rằng, quốc tế không nên chú ý vào những phát biểu thô lỗ hay kỹ năng cân bằng của Duterte trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, mà hãy xem ông đưa đất nước Philippines đi đâu, về đâu.

Người viết cho rằng nhà nghiên cứu Li Kaisheng đã đưa ra một số đánh giá đáng lưu tâm về Tổng thống Philippines.

Người viết đồng ý rằng tương lai của ông Duterte phụ thuộc vào khả năng chèo lái đất nước Philippines, chứ không phải “cân bằng” với Trung Quốc, Hoa Kỳ.

Tuy nhiên không thể phủ nhận rằng quan hệ với 2 siêu cường này có tác động rất lớn đến đối nội, đối ngoại của Philippines.

Tình thế của Philippines sau khi ông Rodrigo Duterte lên cầm quyền đã được giới phân tích Trung Quốc, Hoa Kỳ mổ xẻ. Washington cũng đã bày tỏ thái độ.

Tuy nhiên cho đến nay Trung Nam Hải vẫn chưa công khai cách tiếp cận của mình với Điện Malacañang. 

Mặc dù trên thực tế, từ khi ông Duterte chưa nhậm chức Tổng thống, Đại sứ Trung Quốc Triệu Giám Hoa là người đầu tiên tiếp cận và đã thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, vận động hành lang.

Do đó liệu Trung Quốc có ứng xử với nhà lãnh đạo Philippines như đã và đang làm với một số quốc gia Đông Nam Á khác, như Myanmar, Thái Lan hay Campuchia hay không, cần phải theo dõi thêm.

Nhưng chắc chắn, Trung Quốc đã có kế hoạch và mục tiêu cho mình. Kinh tế, viện trợ rất có thể sẽ là quân bài chủ chốt.

Biển Đông sau Phán quyết Trọng tài cơ bản đã hình thành một “hiện trạng mới” không ai thay đổi được.

Không gian để Philippines, Trung Quốc có thể đàm phán là rất hẹp, gác tranh chấp thúc đẩy hợp tác có thể là một lựa chọn mà Bắc Kinh đang để lên bàn cân nhắc.

RELATED ARTICLES

Tin mới