Tuesday, November 5, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTriều Tiên thử hạt nhân - Washington tăng áp lực lên TQ...

Triều Tiên thử hạt nhân – Washington tăng áp lực lên TQ và Nga

Ngày 13/9, nghị sĩ đối lập của Nhật Bản Antonio Inoki dẫn lời Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Su Yong tiết lộ cho hay vụ thử hạt nhân thứ 5 của Bình Nhưỡng hôm 9/9 vừa qua là nhằm vào Mỹ.

Triều Tiên thử hạt nhân – Lý do để Washington tăng áp lực lên Trung Quốc và Nga

Chính quyền Triều Tiên xác nhận đã tiến hành thêm một vụ thử hạt nhân. Hãng thông tấn Nhà nước Triều Tiên KCNA cũng đưa ra thông báo chính thức về sự kiện này.

“Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên sẽ tiếp tục tiến hành các biện pháp nhằm tăng cường sức mạnh hạt nhân quốc gia cả về mặt chất lượng lẫn số lượng để đảm bảo vị trí và quyền tồn tại của quốc gia trong bối cảnh mối đe dọa hạt nhân ngày càng gia tăng từ phía Hoa Kỳ” – hãng TASS dẫn thông báo của chính quyền Triều Tiên.

Món quà kỷ niệm

Thông cáo chính thức từ chính quyền Triều Tiên nhấn mạnh: Vụ thử nghiệm hạt nhân “là một minh chứng cho ý chí của Đảng Lao động Triều Tiên (WPK) và người dân Triều Tiên muốn thông qua các biện pháp cứng rắn nhất để đối phó với những áp lực, rồi các biện pháp trừng phạt cùng những mối đe dọa từ phía các lực lượng thù địch cầm đầu là Hoa Kỳ”.

Các nhà chức trách Triều Tiên khẳng định, nhờ việc quy chuẩn hóa các đầu đạn hạt nhân mà “công nghệ tích hợp đầu đạn này trên tên lửa đạn đạo của quốc gia này đã vươn tới mức độ cao hơn”.

Theo Viện vũ khí hạt nhân, vụ nổ này “không ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường xung quanh”. 

Trước đó, ngày 9/9/2016 CHDCND Triều Tiên đã kỷ niệm ngày lễ kép: Ngoài sự kiện thử nghiệm phóng thành công tên lửa hạt nhân người dân Triều Tiên còn kỷ niệm 68 năm ngày Quốc khánh. Khắp nơi tại Triều Tiên người ta đặt vòng hoa trước tượng đài và những tấm tranh khảm in hình 2 lãnh tụ Kim Il Sung và Kim Jong Il để tưởng nhớ họ.

“Thách thức táo bạo và mối đe dọa trực tiếp tới toàn Thế giới”

Trạm địa chấn tại khu vực Sakhalin (thuộc vùng Viễn Đông Nga) không loại trừ khả năng cơn địa chấn tại Bình Nhưỡng là nhân tạo. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhận định, Triều Tiên đã tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân (có công suất) lớn nhất trong lịch sử nước này. Cơ quan này cho biết, công suất vụ nổ lần này ước tích khoảng gần 10 kiloton. “Nếu để so sánh, thì công suất vụ thử nghiệm hạt nhân vào tháng Giêng năm nay đạt 6 kiloton”. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye nhấn mạnh “những hành động khiêu khích này chỉ mang tới Bình Nhưỡng các biện pháp trừng phạt (quốc tế) nghiêm ngặt hơn và khiến nước này bị cô lập sâu hơn”.

Tổng thống Hàn Quốc cam kết, nước này sẽ hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế nhằm “thực thi các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn”, đồng thời “sử dụng tất cả các biện pháp” để buộc  Triều Tiên từ bỏ tham vọng về hạt nhân.

Đặc phái viên của Hàn Quốc về vấn đề an ninh và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, Kim Hong-Kyun gọi hành động vừa qua của Triều Tiên là mối đe dọa đối với an ninh Thế giới. Ông này nhấn mạnh, vụ thử nghiệm này chỉ cách vụ thử nghiệm trước đó 9 tháng. Ông Kim Hong-Kyun mô tả hành động của Bình Nhưỡng “là một thách thức táo bạo đối với cộng đồng Thế giới nói chung và các quốc gia Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga nói riêng – những nước hiện đang tham gia đàm phán 6 bên về vấn đề phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên”.

“Những bước đi này đang khiến bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á rơi vào cuộc khủng hoảng lớn hơn và đặt ra mối đe dọa trực tiếp đến toàn thế giới” – ông Kim Hong-Kyun phát biểu, đồng thời cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ có các biện pháp mạnh mẽ và khẩn cấp để đối phó với bước đi mới đây của Bình Nhưỡng và sẽ buộc nước này phải trả giá đắt cho hành động của mình”.

Nhà ngoại giao cấp cao cũng tiết lộ, Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-Se hiện đang có chuyến thăm Lào cùng Tổng thống Park Geun-hye sẽ tiến hành tham vấn với các đồng minh thân cận của mình, trong số đó có Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida. Ngoài ra Nhật Bản qua kênh ngoại giao tại Bắc Kinh cũng lên tiếng phản đối hành động của Bình Nhưỡng.

Chiều tối ngày 9/9/2016 Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã tiến hành phiên họp khẩn cấp về vụ thử hạt nhân của Triều Tiên theo yêu cầu của Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Ngay cả những biện pháp trừng phạt nặng nhất cũng không tác động tới Bình Nhưỡng

Vào tháng 1/2016 Triều Tiên đã tiến hành vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân lần thứ tư. Các cuộc thử nghiệm trước đó diễn ra vào năm 2006, 2009 và 2013. Đáp trả lại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBALHQ) đã áp dụng những biện pháp trừng phạt gay gắt nhất chống lại nước này trong vài thập kỷ qua.

Nghị quyết số 2207 của HĐBALHQ áp đặt lệnh cấm nhập khẩu các mặt hàng than, quặng, ti-tan, vanadium, vàng và các kim loại quý hiếm khác của Triều Tiên, đồng thời cấm các quốc gia cung cấp cho nước này nhiên liệu dùng trong ngành hàng không.

Ngoài ra theo nghị quyết, tất cả các chuyến hàng tới Triều Tiên đều bị kiểm tra. Lệnh xuất khẩu các mặt hàng về công nghệ, hàng xa xỉ phẩm như: du thuyền, xe trượt tuyết và đồng hồ tới Triều Tiên cũng được ban hành.

Ngoài ra nghị quyết còn thông qua quyết định thắt chặt lệnh cấm vận vũ khí và mở rộng trừng phạt trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng đối với Bình Nhưỡng.

“Nghị quyết đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới, gay gắt nhằm ngăn chặn nỗ lực phát triển chương trình chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt của Bình Nhưỡng. Tôi hoan nghênh nghị quyết này như một phản ứng cứng rắn, thống nhất và phù hợp của cộng đồng quốc tế trước những hành động khiêu khích gần đây của Triều Tiên, những hành động ngang nhiên vi phạm các nghị quyết của HĐBA. Cộng đồng quốc tế nhất trí gửi tới Bình Nhưỡng yêu cầu cụ thể: Triều Tiên phải từ bỏ những chương trình nguy hiểm này và lựa chọn con đường đúng đắn nhất cho dân tộc mình” – Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu sau khi nghị quyết 2207 được thông qua.

LHQ bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Triều Tiên khoảng 10 năm trước đây để phản ứng lại hành động chế tạo bom hạt nhân của nước này. Triều Tiên cũng không phủ nhận rằng họ có vũ khí hạt nhân, thực tế Hiến pháp của nước này cũng quy định họ có quyền sở hữu vũ khí hạt nhân. 

Nga và Trung Quốc là các nước láng giềng cũng là đối tác của Triều Tiên. Trung Quốc thì làm ra vẻ đồng ý với việc thắt chặt các biện pháp trừng phạt chống Bình Nhưỡng. Về phần mình Moscow không chống lại nghị quyết của HĐBALHQ nhưng đã ngay lập tức thông báo, họ dự định đóng góp phần tu chỉnh trong nghị quyết này và quan trọng nhất là các biện pháp trừng phạt không nên dẫn tới sự sụp đổ về kinh tế cũng như tình hình nhân đạo tại Bình Nhưỡng. Đại diện thường trực của LB Nga tại LHQ Vitaly Churkin từng phát biểu: “Chúng tôi coi việc cô lập toàn diện của cộng đồng quốc tế đối với Triều Tiên là hơi quá đà”.

Lý do để Washington tăng áp lực lên Trung Quốc và Nga

Tờ quan điểm (Nga) nhận định, Moscow và Bắc Kinh không thích thực tế rằng Bình Nhưỡng đã không xem xét tới những khuyến nghị của họ về chương trình hạt nhân, do đó vụ thử hạt nhân đã tạo ra cái cớ để Washington gây áp lực lên quyền lợi của họ (Nga, Trung Quốc).

Ví dụ, qua việc lắp đặt một hệ thống phòng thủ tên lửa ở Hàn Quốc, Mỹ đã cho Nga và Trung Quốc thấy, nếu họ không thể ngăn chặn những tham vọng về hạt nhân của Bình Nhưỡng, người Mỹ sẽ phải triển khai hệ thống mới để bảo vệ các đồng minh của mình là Hàn Quốc và Nhật Bản.

Liên quan tới những căng thẳng ngày càng gia tăng ở Thái Bình Dương, không phải Moscow và Bắc Kinh muốn đối đầu với Hoa Kỳ trong vấn đề Triều Tiên. Nhưng khác với Hàn Quốc, Nga và TQ không thể gây áp lực lên Triều Tiên.

Bên cạnh đó nền kinh tế của CHDCND Triều Tiên lại phụ thuộc rất ít vào thế giới bên ngoài. Như vậy nói một cách chính xác thì không gì có thể gây áp lực cho họ. Lệnh trừng phạt của quốc tế kéo dài 10 năm qua hoàn toàn vô nghĩa – chương trình hạt nhân của họ vẫn phát triển và vệ tinh riêng của Bình Nhưỡng đã xâm nhập vào khoảng không vũ trụ của người Hàn.

Những biện pháp trừng phạt cứng rắn của Liên Hợp Quốc chỉ khiến Bình Nhưỡng có thêm quyết tâm chỉ dựa vào sức mạnh của riêng mình, đồng nghĩa với việc họ chấp nhận bị cô lập nhiều hơn từ cộng đồng quốc tế.

Vì vậy kịch bản mong muốn của Washington – làm tồi tệ thêm cuộc sống vốn khó khăn của người Triều Tiên, gây bất ổn tình hình trong nước với mục đích lật đổ nhà lãnh đạo Triều Tiên – ông Kim Jong Un …, vì vậy cũng có khả năng gây nguy hiểm cho Nga và Trung Quốc, khi những nước này phải tiếp nhận thêm những căn cứ quân sự Mỹ ở vùng ven biển sát biên giới của họ.

Trong một động thái khác, ngày 13/9, nghị sĩ đối lập của Nhật Bản Antonio Inoki dẫn lời Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Su Yong tiết lộ hồi cuối tuần trước cho hay vụ thử hạt nhân thứ 5 của Bình Nhưỡng hôm 9/9 vừa qua là nhằm vào Mỹ.

Nghị sĩ Inoki cho biết thêm ông đã có cuộc hội đàm kéo dài khoảng 90 phút với ông Ri Su Yong, Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên kiêm Ngoại trưởng, tại thủ đô Bình Nhưỡng hôm 10/9 vừa qua.

Tại cuộc gặp này, Ngoại trưởng Triều Tiên nói:”Vụ thử hạt nhân thứ 5 không nhằm vào Nhật Bản. Việc phát triển hạt nhân là nhằm vào Mỹ”. Bên cạnh đó, ông Ri Su Yong cũng khẳng định Triều Tiên sẽ không viện tới chiến thuật dùng vũ khí hạt nhân tấn công kẻ thù.

RELATED ARTICLES

Tin mới