Saturday, January 11, 2025
Trang chủBiển nóngBiển Đông ra sao khi ông Duterte ngả về TQ?

Biển Đông ra sao khi ông Duterte ngả về TQ?

Chính sách đối ngoại của Duterte có thể thay đổi đáng kể bức tranh địa chiến lược khu vực. Trung Quốc đang ở vị thế thuận lợi hơn so với Hoa Kỳ.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Đại sứ Trung Quốc tại nước này, Triệu Giám Hoa. Ảnh: vidalatinasd.com.

Xung quanh những thay đổi trong chính sách ngoại giao của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ông Trương Bảo Huy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á – Thái Bình Dương thuộc Đại học Kỵ Nam, Hồng Kông ngày 14/9 được Bloomberg dẫn lời bình luận:

“Đây có thể là một sự thay đổi cục diện tình hình Biển Đông trong bối cảnh cạnh tranh đặc biệt giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ ở khu vực này.

Chính sách đối ngoại của Duterte có thể thay đổi đáng kể bức tranh địa chiến lược khu vực. Trung Quốc đang ở vị thế thuận lợi hơn so với Hoa Kỳ.”

Lauro Baja, một cựu Thứ trưởng Ngoại giao Philippines thời Tổng thống Gloria Arroyo bình luận với Bloomberg:

“Chúng ta không thể ngây thơ về điều này, không có quốc gia nào ngoài Trung Quốc được hưởng lợi từ sự bất hòa giữa chúng tôi với Mỹ và các đồng minh khác.

Cho dù chúng ta có thích hay không, chúng ta đang gửi thông điệp sai lầm đến Mỹ, Trung Quốc và các đồng minh khác, với những tuyên bố và hành động (của ông Duterte).”

Malcolm Davis, một nhà phân tích cấp cao từ Viện Chính sách – chiến lược Australia tại Canberra thì cho rằng:

“Người Trung Quốc muốn biến Biển Đông thành ao nhà của họ, với sự kiểm soát cả không gian biển lẫn vùng trời phía trên.

Đó là một trận đấu trường kỳ, và việc Duterte ngả về phía Bắc Kinh là một phần của vở kịch.”

Hideki Makihara, một nghị sĩ thuộc đảng Tự do Dân chủ Nhật Bản cầm quyền nhận xét: “Đó là kịch bản rất xấu”, khi đề cập đến mối liên kết tiềm năng giữa Philippines và Trung Quốc. Ông nói:

“Trong trường hợp đó, ít nhất chúng ta cần Việt Nam, Malaysia và các nước khác xung quanh Biển Đông ở trong nhóm của chúng ta”.

Tuy nhiên nhà nghiên cứu Philippines Richard Javad Heydarian thì cho rằng:

Ông Duterte khó có thể duy trì một sự thay đổi với Trung Quốc nếu Bắc Kinh không có bất kỳ nhượng bộ nào ở Biển Đông, đặc biệt là việc đánh bắt tại Scarborough.

Tuy nhiên nói gì thì nói, dưới thời Rodrigo Duterte, Mỹ sẽ không còn giữ vị thế độc tôn trong chính sách đối ngoại của Philippines.

Mỹ đối diện với nguy cơ chiến lược ở Đông Nam Á

Nhà nghiên cứu Daljit Singh từ Viện Iseas – Yusof Ishak, Singapore ngày 15/9 bình luận trên The Straits Times:

Trung Quốc có thể tìm kiếm một số hoạt động cách ly Philippines khỏi mối quan hệ quốc phòng với Mỹ, dù hiện nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy nguy cơ chấm dứt Hiệp định hợp tác quốc phòng mở rộng Mỹ – Philippines, ký năm 2014 và có thời hạn 10 năm.

Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã từng nhận định, chỉ có Mỹ mới có thể cân bằng sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực.

Tuy nhiên ngày nay vấn đề Mỹ đang gặp phải lại nằm ở mặt đối nội: tâm lý bất mãn của công chúng Mỹ vì tăng trường chậm, ngân sách hạn chế, các cuộc chiến tranh hao người tốn của đầy mệt mỏi ở Trung Đông…

(Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chính sách và nguồn lực Mỹ dành cho lĩnh vực đối ngoại, chiến lược xoay trục sang Châu Á – Thái Bình Dương).

Trong khi Singapore lại không phải đồng minh của Mỹ, cho nên việc truy cập và sử dụng các căn cứ quân sự của Philippines là rất quan trọng với Hoa Kỳ trong duy trì ảnh hưởng, vị thế chiến lược ở Biển Đông.

Lực lượng Mỹ đóng tại Guam hay Hàn Quốc, Nhật Bản lại quá xa Biển Đông, ứng phó không kịp một khi hữu sự.

Các nước Đông Nam Á khác thì dè chừng, lo ngại Trung Quốc nên không thể cho phép Mỹ đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình.

Sức mạnh quân sự và kinh tế của Philippines là rất nhỏ khi so với Trung Quốc. Nếu không có sự hiện diện chiến lược của Hoa Kỳ, Trung Quốc sẽ trở thành thế lực thống trị khu vực. 

Liệu khi đó Philippines có còn giữ được chính sách đối ngoại độc lập như nước này đang nói?

Cục diện Biển Đông sẽ khó lường hơn một khi ông Duterte ngả hẳn về Trung Quốc

Cá nhân người viết cho rằng, khả năng này đang rất hiện hữu và hoàn toàn có thể xảy ra, bởi mấy lẽ.

Một là ông Rodrigo Duterte nhận được sự ủng hộ từ Quốc hội, bởi đảng ông chiếm đa số.

Hai là ông nắm được lực lượng vũ trang bằng cách tăng lương cho đội ngũ sĩ quan chỉ huy, nên sự phản đối nếu có, cũng có thể nằm trong tầm kiểm soát.

Ba là, dù có duy trì Hiệp định Hợp tác quốc phòng mở rộng với Hoa Kỳ, cho phép quân đội Mỹ luân phiên truy cập và sử dụng một số căn cứ, nhưng với tính khí và thái độ bài Mỹ của Duterte, Washington cũng khó làm được gì khả dĩ.

Bốn là Trung Quốc sẽ không bỏ qua cơ hội để kéo ông Rodrigo Duterte về phía mình, đặc biệt là thông qua con bài kinh tế, và có thể có những “nhượng bộ” nhất định ở Biển Đông, mà duy trì hiện trạng là một trong những khả năng.

Với việc ông Rodirog Duterte tuyên bố, quân đội Philippines sẽ chỉ tuần tra trong phạm vi lãnh hải (không quá 12 hải lý tính từ đường Cơ sở, theo UNCLOS 1982) mà bỏ qua việc tuần tra chung với Mỹ trong “các vùng biển tranh chấp” có thể tạo nguy cơ vô hiệu hóa Phán quyết Trọng tài.

Bởi lẽ, ngoài khu vực chồng lấn giữa vùng lãnh hải 12 hải lý của các đảo ở Trường Sa với vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, phần còn lại rất lớn của vùng đặc quyền kinh tế Philippines theo Phán quyết Trọng tài 12/7 là không có tranh chấp, dù nằm trong đường lưỡi bò.

Nay nếu như Philippines chỉ tuần tra quanh quẩn trong 12 hải lý lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn không tranh chấp kia sẽ để cho ai tuần tra?

Có thể Trung Quốc sẽ giữ nguyên hiện trạng ở Scarborough hoặc mở cửa cho ngư dân Philippines quay trở lại đánh cá, nhưng việc xây đảo nhân tạo tại đây sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian và cơ hội thích hợp.

RELATED ARTICLES

Tin mới