BienDong.Net: Ngày 5/9, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết nước này đã triệu hồi đại sứ tại Trung Quốc để tham vấn trong bối cảnh bùng phát căng thẳng mới giữa hai nước trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở bãi cạn Scarborough (mà Trung Quốc gọi là Hoàng Nham) trên Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez cho biết Đại sứ nước này tại Trung Quốc Erlinda Basilio đã được chỉ thị trở về Manila sau khi Bộ Quốc phòng Philippines hôm 4/9 cáo buộc Trung Quốc đặt 75 khối bê tông tại Bãi đá ngầm Scarborough.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez.
Theo ông Hernandez, bà Basilio sẽ tham vấn cho các quan chức Chính phủ Philippines về cách đối phó với những hành động của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough.
Khi được hỏi liệu Manila sẽ gửi công hàm phản đối hay sẽ có cách thức nào khác, ông Hernandez cho biết: “Chúng tôi vẫn đang nghiên cứu tình hình”.
Trong khi đó, Hãng tin PNA (Philippines) hôm 5/9 dẫn lời Ngoại trưởng Albert del Rosario rằng: “Chúng tôi sẽ gửi công hàm phản đối”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đêm 4/9 bác bỏ cáo buộc của Philippines, trong khi vẫn ngang nhiên khẳng định chủ quyền với bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham và tố cáo ngược lại “chính Philippines mới là phía gây rối”.
“Nếu Philippines thực sự quan tâm đến Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) thì nước này nên nghiêm túc thực thi Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), tạo nên môi trường và điều kiện thuận lợi để đàm phán COC chứ không nên gây rối dù chẳng có chuyện gì” – Reuters dẫn lời ông Hồng Lỗi.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Philippines cũng cho biết Tổng thống nước này Benigno Aquino đã hủy chuyến thăm dự kiến tới Trung Quốc hôm 3/9 để dự Hội chợ ASEAN – Trung Quốc lần thứ 10 (CAEXPO 10) sau khi nhà chức trách Trung Quốc áp đặt điều kiện cho chuyến thăm này.
Đầu năm 2013, Chính phủ Philippines đã đề nghị Tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc xem xét và đánh giá về tính pháp lý trong tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Trung Quốc phản đối hành động này và tuyên bố không tham gia phiên tòa, khăng khăng chỉ giải quyết vấn đề tranh chấp với các bên liên quan thông qua đàm phán song phương.
BDN (Theo Vietnam+, Tuổi Trẻ)