Tuesday, April 30, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaSự kýThêm một hội thảo quốc tế về Biển Đông

Thêm một hội thảo quốc tế về Biển Đông

Theo thông tin đăng tải trên trang web chính thức của Chương trình nghiên cứu Biển Đông – Học viện Ngoại giao Việt Nam (www.nghiencuubiendong.vn), Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia Việt Nam sẽ đứng ra đồng tổ chức Hội thảo quốc tế lần thứ hai về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển trong khu vực” trong hai ngày 11 và 12 tháng 11 tới tại khách sạn New World, Quận 1 Tp Hồ Chí Minh.

 

Chưa có nhiều thông tin về Hội thảo này nhưng nhìn vào danh sách diễn giả đăng tải trên trang web trên người ta có thể thấy quy mô của sẽ không nhỏ hơn Hội thảo lần thứ nhất được tổ chức vào tháng 11 năm trước tại Hà Nội, sự kiện đã có tới hơn 160 đại biểu Việt Nam và quốc tế tham dự và hơn 100 hãng thông tấn trong và ngoài Việt Nam đưa tin, bình luận.

Trong số các diễn giả sẽ tham luận tại Hội thảo tới đây tiếp tục có sự góp mặt của các chuyên gia hàng đầu thế giới về Châu Á – Thái Bình Dương như Giáo sư Carlyle Thayer (Học viện Quốc phòng Australia), tướng về hưu Daniel Shaeffer (Trung tâm Nghiên cứu Châu Á 21, Pháp), Giáo sư Ian Townsend-Gault (Đại học British Columbia, Canada)…
 

Có 6 chủ đề nhỏ sẽ được các diễn giả, đại biểu thảo luận là Tầm quan trọng của Biển Đông trong môi trường chiến lược đang điều chỉnh; Những diễn biến gần đây ở Biển Đông: hệ lụy đối với an ninh và thịnh vượng ở khu vực; Tranh chấp tại Biển Đông: những vấn đề luật pháp quốc tế; Giải quyết tranh chấp và quản lý xung đột ở Biển Đông: kinh nghiệm và triển vọng; Thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin và hợp tác vì an ninh và phát triển ở Biển Đông.

 

Cũng giống như Hội thảo năm trước, Hội thảo năm nay diễn ra ngay sau thời điểm được cho là dấu mốc quan trong đối với an ninh trên Biển Đông. Nếu như những sự kiện thể hiện mạnh mẽ tham vọng trên biển của Trung Quốc như lần đầu tiên công bố chính thức yêu sách “đường chữ U chín đoạn” (“đường lưỡi bò”) trong một công hàm gửi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc vào tháng 5/2009, vụ va chạm với tàu thăm dò Impeccable của Mỹ tháng 3/2009, lệnh cấm đánh bắt cá dài ngày tại các ngư trường truyền thống đối với ngư dân các nước ASEAN… đã truyền sức nóng vào Hội thảo 2009 thì Hội thảo 2010 dường như sẽ tập trung bình luận, lý giải về sự can dự mạnh mẽ của Mỹ tại Biển Đông và xu hướng quốc tế hóa, đa phương hóa trong giải quyết tranh chấp trên Biển Đông đang ngày càng rõ nét sau những sự kiện như Diễn đàn ARF tháng 7/2010, hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Mỹ tháng 9/2010 tại New York, thượng đỉnh ASEAN và các đối tác, hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng ADMM+ lần thứ nhất tháng 10/2010 tại Hà Nội…

Các nhà quan sát nhận định Biển Đông là một trong những khu vực có sự cọ xát mạnh mẽ về lợi ích chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ, trở thành tâm điểm chú ý của dư luận thế giới thời gian qua. Ngoài các Hội thảo tại Việt Nam – một trong những nước khẳng định chủ quyền trên Biển Đông, trong thời gian chưa đầy một năm từ tháng 11/2009 đến nay, một loạt các hội thảo có chủ đề về Biển Đông cũng đã diễn ra tại các nước không liên quan trực tiếp tới tranh chấp như các hội thảo tại Đại học Yale và Đại học Temple, Mỹ.

Xem thêm tin tức về các hội thảo trước tại đây:
1.    Hội thảo quốc tế về Biển Đông : Tranh chấp có thể giải quyết bằng luật pháp quốc tế.
2.    Biển Đông: Từ Yale đến Temple

  

RELATED ARTICLES

1 COMMENT

Comments are closed.

Tin mới