Friday, January 3, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiTam cường Trung-Nga-Mỹ đối mặt với sự 'phân mảnh hóa' thế giới

Tam cường Trung-Nga-Mỹ đối mặt với sự ‘phân mảnh hóa’ thế giới

Mỹ, Nga, Trung Quốc đang phải đối mặt với thực tế rằng cả ba đều giờ đây không còn là thỏi nam châm thu hút các quốc gia nhỏ khác hội tụ xung quanh mình.

Thế giới hậu Brexit đang có xu hướng phân mảnh hóa.

Brexit đã thực sự trở thành một “quả bom lớn” trên toàn cầu vào cuối tháng 6/2016 khi người Anh quyết định lựa chọn rời bỏ khỏi Liên minh châu Âu sau hàng chục năm gắn bó. Hiện tại vẫn còn quá sớm để tổng kết lại những hệ quả hiện hữu của Brexit trong gần 3 tháng qua, tuy nhiên dư âm của nó đang len lỏi trên khắp mọi nơi trên thế giới từ chính trị, kinh tế cho đến đời sống.

Theo Trung tâm nghiên cứu chính sách đối nội và đối ngoại Carnegie Moscow, Brexit đang làm đảo ngược xu hướng của nhân loại từ “toàn cầu hóa” trở thành “phân mảnh hóa”.

Toàn cầu hóa “xuống ngôi”

Toàn cầu hóa là khái niệm dùng để miêu tả các thay đổi trong xã hội và trong nền kinh tế thế giới, tạo ra bởi mối liên kết và trao đổi ngày càng tăng giữa các quốc gia, các tổ chức hay các cá nhân ở góc độ văn hóa, kinh tế trên quy mô toàn cầu.

Chuyên gia Dmitri Trenhin từ Trung tâm Carnegie Moscow cho rằng toàn cầu hóa đang trở thành một “cơn khủng hoảng” và xu thế của nhân loại hiện tại đang đi theo một hướng đi mới.

“Con lắc chuyển động của nhân loại đang lắc lư theo một hướng khác, nhưng nó không đi ngược lại thời đại. Trên thực tế chúng ta đã trải qua giai đoạn toàn cầu hóa, thứ đã nhen nhúm xuất hiện vào cuối thế kỷ 19 và từng là yếu tố ảnh hưởng đến sự sụp đổ của Liên Xô sau này. Còn trong thời điểm hiện tại dường như nó đã kết thúc. Điều này đang được chứng minh qua những gì đang diễn ra ở một số quốc gia phương Tây, bao gồm cả Mỹ”.

Toàn cầu hóa đã từng có thời gian khiến người ta mê đắm về một thế giới trung hòa về mọi thứ; không ranh giới, không quốc tịch, không tiêu chuẩn. Nó đã xóa nhòa sự khác biệt, biến mọi thực thể trở nên phổ biến và công dân trên mọi quốc gia đều trở thành công dân toàn cầu.

Nhưng các cường quốc phương Tây đang dần hiểu rằng ngày nay họ đang thu về những lợi ích đến từ toàn cầu hóa ít hơn so với các nước khác.

Ông Dmitri Trenhin cho rằng toàn cầu hóa đã từng thống trị nhưng giờ đây thời kỳ hoàng kim của nó đã qua. Người ta đã không còn khao khát thứ văn hóa thời thượng của một số quốc gia giàu có, thay vào đó người dân Ấn Độ hay Trung Quốc đang tìm về những giá truyền thống và cố gắng phát huy bản sắc quốc gia của họ. Xu hướng hiện tại của nhiều quốc gia trên thế giới là gia tăng tính chủ quyền và lòng tự tôn dân tộc.

Liên minh châu Âu là một ví dụ cho điều này khi đã lên tới đỉnh điểm của sự mâu thuẫn. Khoảng cách bất đồng giữa Brussels và các chính phủ quốc gia thành viên EU trở nên quá lớn. Vấn đề của liên minh này là thất bại trong việc tạo ra một bản sắc thống nhất giống như Liên Xô trước kia.

Giới phân tích đã lưu ý nhiều lần về một thực tế rằng, dù được gọi là một “siêu quốc gia”, một “thể chế dân chủ hoàn hảo” của cả một lục địa nhưng rốt cuộc EU vẫn chỉ là một tổ chức liên kết quốc gia không hơn không kém; sớm hay muộn một quyết định chung đưa ra bởi Ủy ban châu Âu sẽ có những vấn đề không thể chiều lòng mọi thành viên. Và điều này đã trở thành sự thật bằng cuộc khủng hoảng di cư châu Âu đang diễn ra.

Brexit được coi là một thất bại của EU nhưng tương lai của tổ chức này sẽ ra sao vẫn là điều chưa thể nói trước. Giới quan sát đang hy vọng rằng sự cải tổ sắp tới của EU sẽ lắng nghe lợi ích quốc gia của mỗi thành viên nhiều hơn trước khi bàn đến lợi ích chung của liên minh nhằm tránh những sai lầm tương tự.

Sự phân mảnh hóa trong bối cảnh thế giới đa cực

Không còn hình ảnh đối đầu giữa Mỹ và Liên Xô trong quá khứ, trong thế giới đa cực giờ đây đang tồn tại những trung tâm địa chính trị mới nổi lên đầy mạnh mẽ như châu Âu, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ v.v…

Mặc dù Washington vẫn là đầu mối quyền lực có sức mạnh và tầm ảnh hưởng lớn nhất hiện nay nhưng vị thế của các quốc gia khác với Mỹ chỉ là một khoảng cách rất nhỏ.

Theo chuyên gia Dmitri Trenhin, Trung Quốc đang là quốc gia rất khao khát đẩy mạnh vai trò và uy tín của mình trên trường quốc tế và một số học giả Bắc Kinh thậm chí còn muốn cùng Nga tiếp tục “chia đôi thế giới” thành 2 phe trong đó Nga và Trung Quốc sẽ về một mối đối chọi với Mỹ, châu Âu, Nhật bản…

Tuy nhiên điều này sẽ khó xảy ra theo ý muốn của quốc này bởi các trung tâm địa chính trị đang ngày càng chuyển mình một cách lớn mạnh; Nga sẽ không đứng bên một phe nào mà đứng tách riêng trở thành một “cực” khác bên cạnh Mỹ và Trung Quốc. Tương tự như vậy Ấn Độ – một quốc gia có vị thế rất lớn ở châu Á cũng luôn có thừa khả năng tự quyết của riêng mình.

Không giống như trong quá khứ, Mỹ giờ đây không còn khả năng kiểm soát các quốc gia, các vùng đất mà họ đã từng chi phối. Minh chứng rõ rệt cho điều này chính là Trung Đông – nơi chỉ vài năm trở lại đây đã không còn là sân khấu cho Washington tự biên tự diễn.

Chính quyền của ông Obama vẫn chưa thể tận diệt được Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, cũng như năm lần bảy lượt không thể khiến đồng minh “cứng đầu” của mình là Thổ Nhĩ Kỳ làm theo ý muốn.

Ngay cả Nhật Bản, một đồng minh Đông Á thân thiết của Washington giờ đây cũng đã có những bước đi độc lập cho riêng mình. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã từng có chuyến đi tới Nga để gặp gỡ Tổng thống Putin bất chấp lời can ngăn của ông Obama trước đó.

Tương tự như vậy, Ả rập Saudi, đồng minh lịch sử truyền thống của Mỹ trong thời điểm hiện tại đang có những nỗ lực mới để đa dạng hóa chính sách đối ngoại, an ninh – hướng tới sự bớt phụ thuộc vào Mỹ.

Sự phân mảnh nói trên không chỉ diễn ra đối với Washington mà chính Moscow cũng phải đối mặt với vấn đề này khi không quốc gia nào trong số các nước thuộc Liên Xô cũ hay thành viên Liên minh Kinh tế Á-Âu và Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể chịu công nhận Crimea như một phần của Nga. Nếu cách hành xử của các đồng minh này diễn ra trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, cục diện đối đàu Xô-Mỹ đã trở nên rất khác.

Hay như Trung Quốc, siêu cường mới nổi của thế giới cũng không thể áp đặt ý chí của mình vào bất cứ quốc gia láng giềng nào trong khu vực. Bắc Kinh cũng phải bất lực trước chương trình hạt nhân đe dọa an ninh khu vực của Triều Tiên hay bị phản đối trước những yêu sách chủ quyền bành trướng trên Biển Đông.

Điều này cho thấy rằng, các trung tâm quyền lực của thế giới giờ đây không còn là thỏi nam châm thu hút các quốc gia nhỏ khác xung quanh mình.

Thực tế là hầu hết các quốc gia trên thế giới hiện tại đều là những quốc gia trẻ tương đối. Khi Liên Hiệp Quốc mới thành lập từ 70 năm trước, tổ chức này chỉ có khoảng 60 thành viên. Ngày nay, số lượng thành viên của Liên Hợp Quốc và các quốc gia độc lập gần như đạt đến con số 200.

Các quốc gia này muốn phát triển về mọi mặt một cách nhanh chóng bằng việc chấp nhận chịu sự chi phối của các cường quốc khác để nhận những lợi ích về kinh tế, chính trị, an ninh. Điều này đã từng được coi là một phần của xu hướng toàn cầu hóa.

Thế nhưng trong thời điểm hiện tại họ đang thay đổi cách tiếp cận và quan điểm– cũng giống như nước Anh tạo ra Brexit – họ đang tạo ra sự “phân mảnh hóa” trên toàn thế giới.

RELATED ARTICLES

Tin mới