Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHỌC GIẢ TRUNG QUỐC ỦNG HỘ GIẢI PHÁP ĐA PHƯƠNG CHO VẤN...

HỌC GIẢ TRUNG QUỐC ỦNG HỘ GIẢI PHÁP ĐA PHƯƠNG CHO VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG

BienDong.Net: Ngày 01/9/2013, mạng Đại công báo Hồng Công đăng bài viết nhan đề “Vấn đề Nam Hải (Biển Đông) có thể áp dụng cơ chế bàn tròn 7 bên” của tác giả Tiến Lực, Phó Chủ nhiệm Phòng Chiến lược quốc tế thuộc Sở Kinh tế Chính trị thế giới Viện Khoa học xã hội Trung Quốc. Trong đó, ông Tiến Lực ủng hộ cho một giải pháp đa phương trên vấn đề Biển Đông.

Ông Lực cho rằng “giải quyết tranh chấp tại Nam Hải (Biển Đông) với thái độ mang tính xây dựng là nhu cầu chung của các bên liên quan, cái khó là ở chỗ cần xây dựng một cơ chế mà các quốc gia có tuyên bố chủ quyền đều có thể chấp nhận được”.

Ông Lực nhận xét do tính chất phức tạp của tranh chấp ở Biển Đông nên nếu chỉ áp dụng hình thức đa phương hoàn toàn hoặc hình thức song phương hoàn toàn đều khó nhận được sự chấp nhận của các bên liên quan. Theo ông Lực áp dụng “một phương thức đa phương hình hoạt hoặc có khả năng kết hợp cả 2 yếu tố nói trên, sẽ là một mẫu số chung dung hoà lớn nhất” để có thể giải quyết được vấn đề Biển Đông đáp ứng yêu cầu của các quốc gia liên quan”. Quan điểm chính trong bài viết của ông Lực là “căn cứ vào các đảo, bãi, vùng biển hoạc vấn đề tranh chấp để từ đó xác định phương thức đàm phán khác nhau”.

Ông Lực đưa ra các vấn đề cụ thể với các phương thức giải quyết đa phương hoặc song phương là: áp dụng “cơ chế bàn tròn 7 bên” với sự tham gia của Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia và Đài Loan (sự tham gia của Đài Loan thực hiện trên cơ sở thoả thuận giữa Trung Quốc và Đài Loan) để giải quyết vấn đề “Nam Sa” (Trường Sa); xử lý tranh chấp tại quần đảo “Tây Sa” (Hoàng Sa) thông qua đàm phán song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam (Đài Loan có thể tham gia trên cơ sở thoả thuận giữa 2 bờ eo biển Đài Loan); xử lý tranh chấp quần đảo Trung Sa, bao gồm cả bãi cạn Hoàng Nham/Scarborough thông qua đàm phán song phương giữa Trung Quốc và Philippines (có thể Đài Loan tham gia); về các vấn đề có tính nhạy cảm thấp như cứu hộ cứu nạn trên biển, chống hải tặc, bảo vệ môi trường biển… có thể vận dụng hình thức “Hiệp định hợp tác khu vực chống hải tặc và cảnh giới chống bắt cóc tàu thuyền” của 16 quốc gia Châu Âu.

Ông Tiết Lực đề xuất các học giả, quan chức về hưu… có thể khởi động trước “cơ chế bàn tròn” ở kênh 2 để tạo điều kiện cho việc tiến hành “cơ chế N bên” giữa chính phủ các nước liên quan. Về việc tham gia của các nước ngoài khu vực, ông Tiết Lực cho rằng về nguyên tắc các nước ngoài khu vực không được tham gia thảo luận vấn đề chủ quyền, đối với một số vấn đề ít nhạy cảm có thể mời một số quốc gia ngoài khu vực cùng tham gia.

Ông Lực kết luận rằng tranh chấp ở Biển Đông đã phát triển đến một mức độ làm tổn hại đến lợi ích của các bên, rất cần sự nỗ lực của các bên để thay đổi xu thế này. Với thái độ xây dựng, áp dụng phương thức đa phương linh hoạt, xây dựng “cơ chế N bên” giải quyết tranh chấp Biển Đông cần được đặt vào chương trình nghị sự của các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Quan điểm nói trên của ông Tiết Lực chính là quan điểm của các nước 5 nước ASEAN liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông (Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia, Brunei) và được sự ủng hộ của đa số các nước trên thế giới. Tuy nhiên, quan điểm này hoàn toàn trái ngược với quan điểm và chủ trương của Trung Quốc trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Trung Quốc luôn phản đối việc đa phương hoá tranh chấp ở Biển Đông, chủ trương chỉ giải quyết song phương các tranh chấp ở Biển Đông vì Trung Quốc muốn dùng sức mạnh của họ để gây sức ép với các nước trong đàm phán song phương; nếu tiến hành đàm phán nhiều bên thì vũ khí này của Trung Quốc (gây sức ép và áp đặt ý kiến của Trung Quốc) không còn giá trị. Nhưng các nước khác thì đã nhận thức rất rõ về điều này, nên cả 5 nước liên quan đến tranh chấp Biển Đông đều ủng hộ giải pháp đa phương cho vấn đề Biển Đông. Malaysia đã chủ động đề xuất việc thảo luận trước giữa 4 nước ASEAN liên quan đến tranh chấp Biển Đông trước khi thảo luận với Trung Quốc. Điều này được Ngoại trưởng Malaysia nêu ra ngay sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong chuyến thăm Malaysia hồi tháng 8 vừa qua.

Tình hình tranh chấp ở Biển Đông hết sức phức tạp, có vấn đề chỉ liên quan đến 2 nước; có vấn đề liên quan đến một số nước trong khu vực (Trường Sa giữa Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei); cũng có vấn đề liên quan đến lợi ích của các nước ngoài khu vực (vấn đề duy trì hoà bình ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông…) nên quan điểm của ông Tiết Lực đưa ra là khá thực tế. Nếu các bên liên quan đều có thiện chí giải quyết tranh chấp và áp dụng phương thức “giải pháp đa phương linh hoạt” của ông Tiết Lực là hoàn toàn chính xác.

Việc tiến hành đàm phán chính thức về COC một cách thực chất để sớm xây dựng COC, tạo cơ sở cho việc hình thành một cơ chế cho giải quyết đa phương các tranh chấp ở Biển Đông. Việc sớm đạt được COC với nội dung mang tính ràng buộc pháp lý cao sẽ là bước đi đầu tiên để tiến tới một giải pháp đa phương cho các tranh chấp ở Biển Đông.

Biển Đông là tuyến đường hàng hải quan trọng lớn thứ 2 thế giới sau tuyến Địa Trung Hải với khoảng 150 – 200 tàu qua lại mỗi ngày. Các nước lớn như Mỹ, Ấn Độ, Nhật… và các nước Châu Âu có lợi ích rất lớn về tự do và bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông nên đều ủng hộ việc giải quyết hoà bình tranh chấp Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Các nước này đều ủng hộ cho một giải pháp đa phương cho các tranh chấp ở Biển Đông, phản đối việc gây sức ép hay đe doạ của Trung Quốc đối với các nước láng giềng ven Biển Đông. Biển Đông là nơi đan xen lợi ích của các nước trong và ngoài khu vực, do vậy chỉ có thông qua phương thức đa phương để giải quyết vấn đề Biển Đông mới có thể tạo ra một giải pháp bền vững cho các tranh chấp mà các bên đều có thể chấp nhận được.

Trung Quốc luôn phản đối việc đa phương hoá hoặc quốc tế hoá tranh chấp Biển Đông. Tuy nhiên, bản thân vấn đề Biển Đông đã là một vấn đề mang tính đa phương và trên thực tế vấn đề Biển Đông đã được trao đổi khá rộng rãi tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như các diễn đàn của ASEAN, Diễn đàn an ninh khu vực (ARF), Diễn đàn cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Á – Âu (ASEM) và tại các Hội nghị về Luật biển của Liên hợp quốc…. Do vậy việc giải quyết đa phương là xu thế không thể đảo ngược được. Trước sức ép của dư luận, đến một lúc nào đó, Trung Quốc sẽ phải chấp nhận giải quyết đa phương tranh chấp ở Biển Đông

Bài viết của ông Tiết Lực chỉ là một ý kiến cá nhân nhưng điều này cho thấy trong nội bộ Trung Quốc có những ý kiến khác không đồng tình với chính sách cứng rắn trên vấn đề biển đảo của Ban Lãnh đạo Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới