Thursday, January 9, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiMối lo sợ "Trung Quốc đỏ mua nhẵn Châu Âu"

Mối lo sợ “Trung Quốc đỏ mua nhẵn Châu Âu”

Từ câu lạc bộ bóng đá đến công ty sản xuất robot, hạt giống đến những ngân hàng tư nhân, các công ty Trung Quốc đang tăng cường mua tài sản của các công ty Châu Âu để đa dạng hóa hồ sơ đầu tư của họ hoặc như một đường tắt làm tăng chuỗi giá trị.

Ảnh minh họa.

Theo tờ South China Morning Post, cơn khát mua bán này của các tập đoàn Trung Quốc có vẻ như không đã thèm. Còn các doanh nghiệp Châu Âu thì không hoàn toàn biết phải cảm thấy thế nào về điều đó. Một mặt, việc Trung Quốc mua tài sản của Châu Âu có nghĩa là có những thỏa thuận kinh doanh tốt cho họ, nhưng mặt khác, có sự lo ngại ngày càng tăng rằng Trung Quốc đang lấy đi những thứ tốt nhất của Châu Âu.

Cảm xúc phức tạp này gia tăng sau khi Bắc Kinh công bố sáng kiến “Chế tạo tại Trung Quốc 2025” (Made in China 2025) hồi năm ngoái. Đây là một kế hoạch tham vọng nhàm biến đổi Trung Quốc thành một cường quốc chế tạo hàng đầu thế giới trong vòng 10 năm tới.

Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu ở Trung Quốc đã tổ chức một bàn tròn cho các giám đốc đang quản lý chi nhánh Trung Quốc của doanh nghiệp họ để thảo luận “Cuộc cách mạng công nghiệp Trung Quốc” lần này.

“Có vẻ như người Trung Quốc đang giữ một danh sách mua sắm lớn” – Joerg Wuttke, chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu nói. Theo ông, điều này có thể thổi phồng những quan ngại về việc “một Trung Quốc đỏ đang mua nhẵn Châu Âu”.

Cuộc tranh luận càng trở nên mạnh mẽ khi tháng Năm vừa qua, nhà sản xuất hàng tiêu dùng Trung Quốc Midea Group công bố kế hoạch mua nhà sản xuất robot Đức KUKA, tạo nên một trong những thương vụ đầu tư lớn nhất của Trung Quốc ở EU.

“Việc một nhà đầu tư Trung Quốc mua sân bay ở Châu Âu là bình thường, nhưng sẽ là không tưởng tượng nổi cho một công ty Châu Âu làm việc tương tự ở Trung Quốc” – ông Wuttke nói. Từ lâu ông là người kêu gọi đối xử bình đẳng cho các công ty Châu Âu ở Trung Quốc.

Cho tới thời gian này của năm nay, đã có 110 vụ đầu tư của các công ty Trung Quốc ở Châu Âu, hoặc đã hoàn thành, hoặc đang treo đó, và theo báo cáo hàng năm của Phòng Thương mại Châu Âu tại Trung Quốc vừa công bố thì đây là “một năm cực kỳ mạnh mẽ”.

Tài sản của các công ty Châu Âu đã trở nên hấp dẫn về giá cả hơn với các công ty Trung Quốc, sau cuộc khủng hoảng nợ chủ quyền ở Châu Âu, và đặc biệt là sau khi các công ty Trung Quốc, cả tư nhân và nhà nước, trở nên giàu có hơn khi Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Kể từ đó các công ty Châu Âu đã trở thành mục tiêu ưa thích của các công ty Trung Quốc để đa dạng hóa đầu tư hoặc như đường tắt để tăng chuỗi giá trị.

Pan Aifang, tổng giám đốc điều hành của League Co., một nhà sản xuất va li và túi xách ở Tonglu, tỉnh Triết Giang, đã có sự lựa chọn khôn ngoan khi nắm bắt cơ hội vào năm 2011, khi họ mua Hedgren, một nhãn hiệu được thành lập ở Antwerp, Bỉ, vào năm 1993.

“Xuất khẩu của chúng tôi giảm mạnh năm 2008 khi khủng hoảng tài chính toàn cầu quét qua thị trường nước ngoài, và khiến chúng tôi nhận ra rằng theo chế độ OEM (Nhà sản xuất thiết bị gốc), chúng tôi đang ở chỗ thấp nhất của chuỗi giá trị, nơi sẽ hứng chịu mọi tác động mỗi lần thị trường bất ổn” – Pan cho biết.

Sau đó, công ty quyết định tìm kiếm cơ hội để sở hữu một nhãn hiệu đã vững chắc và chuyển hưởng tập trung của họ khỏi chế độ OEM giá trị gia tăng thấp.

Vì thế khi năm 2011, khi cuộc khủng hoảng nợ Châu Âu xảy ra, công ty không ngần ngại mua Hedgren.

Sau cuộc mua bán trị giá 60 triệu USD, công ty mở rộng sự có mặt của họ trên thị trường, giúp doanh số của nhãn hiệu tăng gần gấp đôi trong vòng chưa đấy 5 năm, và họ đã thuê một nhóm thiết kế chất lượng cao ở Châu Âu.

Giờ đây công ty trở thành niềm ghen tỵ của hơn 20.000 công ty đồng nghiệp Trung Quốc, những người đang phải chịu khoảng cách lợi nhuận thu hẹp vì thiếu năng lực thiết kế và sự độc đáo.

EU không có một tổ chức tương tự như Ủy ban về đầu tư nước ngoài ở Mỹ – thể chế có quyền từ chối đầu tư nước ngoài. Năm ngoái, ủy ban này đã ngăn cản việc Philips bán chi nhánh Lumileds của họ cho nhiều người mua, trong đó có các công ty Trung Quốc, trên cơ sở những lo ngại về an ninh.

Tháng Tám vừa qua, Chính phủ Australia từ chối đề xuất của công ty điện nhà nước Trung Quốc State Grid, và công ty Cơ sở hạ tầng Cheung Kong ở Hong Kong về mua cổ phần kiểm soát trong công ty Australia Ausgrid, cũng vì lo ngại an ninh.

Nhưng thỏa thuận của Midea Group mua KUKA đã được chính phủ Đức phê chuẩn từ tháng trước.

Steven Zhang, chuyên gia kinh tế chính của công ty chứng khoản Morgan Stanley Huaxin Securities, nói rằng sự cởi mở của Châu Âu và năng lực tài chính khổng lồ ở Trung Quốc, trong bối cảnh môi trường kinh tế ít ưu đãi, đã dẫn tới sự kết nối giữa các nhà đầu tư Trung Quốc với tài sản Châu Âu.

“Cơn sốt mua tài sản Châu Âu có thể giảm bớt một cách chậm chạp, một khi việc cải thiện kinh tế Trung Quốc tạo ra nhiều cơ hội đầu tư hơn trong nước và sự phục hồi ở Châu Âu tạo ra giá trị cho các công ty Châu Âu, và vì thế làm giảm sự hấp dẫn cho người Trung Quốc” – ông Zhang đánh giá.

Với công ty League Co, bà Pan cho rằng việc mua Hedgren đã tạo ra nền tảng tốt để công ty vươn xa trên thị trường.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm các cơ hội sáp nhập và mua bán trên khắp thế giới, bởi OEM với việc không sở hữu nhãn hiệu nào sẽ chẳng đem lại điều gì ngoài cái chết” – bà nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới