Thursday, January 2, 2025
Trang chủBiển nóngTQ tạm hoãn kế hoạch xây đảo ở Scarborough để lôi kéo...

TQ tạm hoãn kế hoạch xây đảo ở Scarborough để lôi kéo Philippines

Các cuộc thảo luận giữa Philippines với Trung Quốc không có vấn đề gì, và mục tiêu dài hạn của Trung Quốc kiểm soát Biển Đông vẫn thế.

Bãi cạn Scarborough.

The New York Times ngày 25/9 bình luận, chính phủ Philippines có khả năng làm chậm kế hoạch của Trung Quốc xây đảo nhân tạo ngoài bãi cạn Scarborough trước mắt, nhưng sẽ khó ngăn được tham vọng bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông trong dài hạn.

Mục tiêu của Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Scarborough không thay đổi. Mấy năm qua, tàu hải cảnh và tàu cá Trung Quốc vẫn lượn lờ ngoài bãi cạn này.

Thậm chí thông tin có tàu nạo vét, bơm cát khổng lồ xuất hiện ngoài Scarborough gần đây. Tuy nhiên khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên cầm quyền với hàng loạt phát biểu chống lại Hoa Kỳ (có thể) đã làm thay đổi tính toán của Trung Quốc.

Điều này không có nghĩa là Bắc Kinh từ bỏ mục tiêu dài hạn của mình – thiết lập một căn cứ quân sự ở Scarborough. Nhưng trong thời điểm hiện nay, kế hoạch này đã được hoãn lại.

Theo các nhà phân tích, điều quan trọng hơn đối với Bắc Kinh bây giờ là củng cố tình bạn với ông Rodrigo Duterte và làm sao để Philippines “cai sữa” khỏi liên minh hiệp ước với Washington.

Xây dựng ở Scarborough bây giờ có thể làm hỏng cơ hội đó. Trương Bảo Huy, một giáo sư về quan hệ quốc tế Đại học Kỵ Nam, Hồng Kông bình luận:

“Xây dựng nó (Scarborough) thành một pháo đài bây giờ là không hợp lý. Chính phủ muốn ít nhất Philippines duy trì trung lập trong cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Ít nhất bây giờ họ (Trung Quốc) đang có cơ hội.”

Chính quyền Obama ca ngợi Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông hôm 12/7, nhưng tự kiềm chế không tung hô nó. Lý do được cho là tránh làm mất mặt Trung Quốc, tạo cớ để Bắc Kinh tiếp tục leo thang quân sự hóa Biển Đông.

3 trong số 7 đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng (bất hợp pháp) ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) được thiết kế như một căn cứ quân sự, trong đó đá Xu Bi có bên cảng lớn hơn cả Trân Châu Cảng.

3 đảo nhân tạo này có thể chứa khoảng 17 ngàn quân và máy bay hỗ trợ để ngăn chặn, chống lại sự can thiệp quân sự của Mỹ, ông Shugart từ Trung tâm An ninh Mới của Hoa Kỳ cho biết.

Mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu Trung Quốc xây đảo nhân tạo, căn cứ quân sự tại Scarborough, Shugart nhận xét.

Nếu mọc lên một căn cứ quân sự ở Scarborouhg, Trung Quốc sẽ tạo ra thế chân kiềng ở Biển Đông cùng với địa bàn cắm chân (bất hợp pháp) ở Hoàng Sa, Trường Sa.

Dường như kế hoạch của Trung Quốc đối với Scarborough được xây dựng từ tháng Ba vừa qua.

Trong một cuộc họp ở Washington, ông Obama cảnh báo ông Tập Cận Bình, xây dựng ở Scarborough có thể kích hoạt “nghĩa vụ đồng minh hiệp ước với Philippines”.

Hai bài phát biểu “bốc lửa” của Kim Xán Vinh, một giáo sư Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh trên truyền hình đã kích hoạt bình luận trên các diễn đàn trực tuyến ở Trung Quốc.

Ông Kim Xán Vinh nói rằng, sẽ phải mất 4 năm để xây đảo nhân tạo ở Scarborough, nhưng Bắc Kinh nhất thiết phải hoàn thành thì mới có thể kiểm soát hoàn toàn Biển Đông. Điều này được khích lệ bởi sự “dễ dàng” trong xây dựng các đảo nhân tạo lớn ở Trường Sa.

Ông Vinh dẫn lời Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi nói trong một cuộc họp với các chỉ huy hải quân: “Chúng ta đã từng không dám mong đợi Tập Chủ tịch ủng hộ cho mình mạnh mẽ như vậy, chúng ta không mong đợi khả năng kỹ thuật của mình mạnh như vậy, và chúng ta không mong đợi Mỹ phản ứng chậm như vậy.”

Tuy nhiên sự cởi mở của ông Duterte với Trung Quốc và thái độ gay gắt, đối lập hoàn toàn với Hoa Kỳ có lẽ đã trì hoãn kế hoạch xây dựng tại Scarborough, ông Kim Xán Vinh nói.

Thời Ân Hoằng, giáo sư Đại học Nhân Dân, Trung Quốc cho rằng, các cuộc thảo luận giữa Philippines với Trung Quốc không có vấn đề gì, và mục tiêu dài hạn của Trung Quốc kiểm soát Biển Đông vẫn thế.

Người viết cho rằng Trung Quốc đang trong giai đoạn vừa thăm dò, vừa lấy lòng ông Duterte nhằm lôi kéo Philippines khỏi ảnh hưởng của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên sự hoài nghi của Bắc Kinh vẫn còn và vượt qua nó không dễ. Mục tiêu của Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông làm ao nhà không thay đổi, chỉ thay đổi thủ đoạn và hình thức lúc cương, lúc nhu, khi nhanh, khi chậm.

Khi Hoa Kỳ tự chứng minh mình không đủ khả năng bao quát vùng biển này, sự hiện diện của Mỹ sẽ bị Trung Quốc đe dọa, đánh bật.

Do đó việc không can thiệp để Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát Scarborough khỏi Philippines năm 2012 có thể là một sai lầm chiến lược của Mỹ, nếu Washington thực sự coi trọng Biển Đông trong chính sách đối ngoại của mình như họ vẫn tuyên truyền.

Mỹ cần xem lại chính sách với đồng minh và đối tác. Nếu chỉ cần họ tiêu thụ vũ khí và cung cấp chỗ đứng chân, còn khi hữu sự thì khoanh tay đứng nhìn như vụ Scarborough, sẽ khó có ai còn tin tưởng và hy vọng vào đồng minh hiệp ước.

RELATED ARTICLES

Tin mới