BienDong.Net: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ ngày 3 – 13/9 tiến hành chuyến thăm nhà nước tới Turkmenistan, Kazakhstan, Uzbekistan và Kyrgyzstan.
Chuyến công du Trung Á này của Chủ tịch Trung Quốc theo nhận định của báo chí quốc tế không chỉ là chuyến thăm cấp nhà nước bình thường mà nó là chuyến đi thắng lợi khi Trung Quốc đã tỏ ra vượt trội so với Nga trong cuộc đấu giành giật ưu thế ở Trung Á, tại những quốc gia từng nằm trong thành phần Liên Xô trước đây.Đó là cuộc chiến lớn đã diễn ra trong hai thập niên và kết quả được quyết định bằng sai lầm trong chiến lược của Nga và sự tài tình trong chiến lược của Trung Quốc. Rõ ràng, chuyến công du này cho thấy Trung Quốc là siêu cường kinh tế mới ở khu vực.
Phác họa “Con đường tơ lụa mới”
Mối quan tâm ngày càng lớn, của Trung Quốc tại Trung Á là năng lượng, vận tải, nông nghiệp và tài nguyên nước.
Chưa đầy một thập niên trước đây, khi các nước Trung Á mới độc lập tập trung lực vào dầu và khí, Nga vẫn có ảnh hưởng lớn đối với cơ sở hạ tầng năng lượng và thị trường ở khu vực này. Tuy nhiên, hiện nay, khi các khu mỏ mới bắt đầu đi vào hoạt động, các đường ống dẫn lại hướng sang phía đông – Trung Quốc. Để nhấn mạnh điều này, khi Chủ tịch Tập Cận Bình công du Trung Á, ông đã thảo luận về nhiều hợp đồng năng lượng, cam kết đầu tư hàng tỷ đô vào khu vực này.
Turkmenistan tăng khối lượng khí đốt cung cấp cho Trung Quốc lên 65 tỷ m3 mỗi năm, trong đó 25 tỷ m3 được khai thác từ mỏ khí đốt Galkinish mà Bắc Kinh đã đầu tư 8 tỷ USD để phát triển. Tổng thống Turkmenistan, Gurbanguly Berdimuhamedov, và Chủ tịch Tập Cận Bình đã khai trương hoạt động khai thác của mỏ khí đốt lớn thứ hai trên thế giới này.
Tuyến đường sắt nối Trung Quốc với Trung Á.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Kazakhstan, Trung Quốc đã thế chân Ấn Độ ký hợp đồng mua lại 8,33% cổ phần một giếng dầu lớn của quốc gia Trung Á này với chi phí được cho là 5 tỉ USD. Theo các chuyên gia về năng lượng, thương vụ này có lợi cho cả hai phía: Kazakhstan sẽ có thêm cơ hội đa dạng hóa khách hàng cung cấp năng lượng, còn Trung Quốc sẽ tăng mức độ độc lập về năng lượng. Tân Hoa Xã cho biết tại đây Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề nghị các nước thuộc khu vực Trung Á cùng hợp tác với Bắc Kinh xây dựng vành đai kinh tế Con đường tơ lụa nối Thái Bình Dương với biển Baltic, đồng thời dần tiến tới thiết lập mạng lưới giao thông liên kết các khu vực Đông, Tây và Nam Á.
Với chuyến thăm Kyrgyzstan, Chủ tịch Tập Cận Bình thảo luận việc xây dựng tuyến đường sắt nối Trung Quốc với Trung Á. Các chuyên gia Nga cho rằng đây sẽ là con đường tiếp cận nữa của Trung Quốc với thế giới bên ngoài bên cạnh con đường qua các tỉnh duyên hải miền Đông. Để làm điều này, Bắc Kinh sẽ xây dựng đường sắt, đường bộ nối với các quốc gia Trung Á. Đương nhiên Trung Á cũng có lợi trong việc thực hiện những dự án như vậy.
Vì sao Trung Á?
Trong thời kỳ Xô viết, các nhà lập pháp Trung Quốc hầu như không quan tâm tới khu vực rộng lớn rộng 4 triệu km vuông trải dài từ biển Caspian tới Mông Cổ, gọi khái quát là Trung Á. Thậm chí là khi Liên Xô sụp đổ, người Trung Quốc vẫn tiếp tục không để ý tới khu vực này.
Thái độ ngó lơ này xuất phát từ việc Bắc Kinh có rất ít chuyên gia hiểu biết về Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc biết rằng 5 quốc gia mới độc lập ở Trung Á đều là theo đạo Hồi, tất cả đều còn khá nghèo, dù sở hữu một nguồn tài nguyên năng lượng đáng kể, và chính phủ các nước này đều kiểm soát lãnh thổ khá lỏng lẻo.
Bắc Kinh lo sợ rằng các nước cộng hòa Trung Á sẽ trở thành môi trường thuận lợi cho lực lượng Hồi giáo chính thống phát triển, đe dọa tỉnh Tân Cương của Trung Quốc.
Mãi tới năm 1997, thỏa thuận khai thác các mỏ dầu và khí ở Kazakhstan, nước cộng hòa lớn nhất ở Trung Á, của Trung Quốc mới được ký kết. Và mãi tới năm 2000, Trung Quốc mới bắt đầu đầu tư vào Trung Á. Nhưng kể từ đó, Trung Quốc đã bù đắp lại thời gian đã mất. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của 4 trong số 5 nước trong vùng (ngoại trừ Uzbekistan). Trong chuyến công du vừa qua của ông Tập Cận Bình, truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết, khối lượng giao dịch thương mại của Trung Quốc với Trung Á đã lên tới 46 tỷ USD vào năm ngoái, tăng 100 lần kể từ khi các nước này độc lập khỏi Liên Xô cách đây hai thập niên. Sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc rõ ràng và mặc dù Nga vẫn kiểm soát phần lớn việc xuất khẩu năng lượng ở Trung Á nhưng ảnh hưởng thương mại đối với khu vực này đã giảm, Nga giờ chỉ là một điểm đến của hàng triệu lao động di cư.
Trong nhiều năm liền, Nga coi Trung Á như một đặc khu, mua dầu và khí ở đây với giá thấp hơn giá thị trường thông qua các đường ống dẫn có từ thời Xô viết trong khi bán ra với giá cao. Việc này đã khiến Kazakhstan và Turkmenistan, cả hai nước có nguồn dự trữ năng lượng dồi dào, rơi vào tay Trung Quốc.
Khi đề cập tới vấn đề an ninh ở Trung Á, về mặt công khai, Trung Quốc hiện vẫn coi trọng Nga. Cả hai nước thận trọng quan sát NATO rút quân khỏi Afghanistan. Mối lo chính của Trung Quốc xuất phát từ đe dọa do lực lượng ly khai Uighur và những người ủng hộ lực lượng này ở Trung Á. Tuy nhiên, trong lĩnh vực an ninh, ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực cũng đang lớn dần.
Báo “Độc lập” (Nga) dẫn lời các chuyên gia cho rằng không loại trừ khả năng trong tương lai, các quốc gia Trung Á sẽ hoàn toàn chịu ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Ajdar Kurtov, nhà nghiên cứu khoa học hàng đầu của Viện Nghiên cứu chiến lược Nga, bình luận: “Điều này không xảy ra trong ngắn hay trung hạn. Vấn đề không chỉ phụ thuộc vào sự tích cực của Trung Quốc, mà còn ở thực tế cuộc ‘tấn công’ của Trung Quốc có thể vấp phải sự phản đối của Nga. Điều này còn phụ thuộc vào hoàn cảnh liên quan tới những thay đổi an ninh tại Trung Á, và phụ thuộc vào các quan hệ xã hội tại chính Trung Quốc”.
Tuy nhiên sớm hay muộn, khả năng các nước Trung Á hoàn toàn chịu ảnh hưởng của Trung Quốc là cao. Mới đây, Phó Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu quốc tế Thượng Hải trực thuộc Viện Khoa học xã hội Thượng Hải, giáo sư Pan Guang, đã tuyên bố: “Trong tương lai gần, Trung Quốc sẽ mở rộng hiện diện kinh tế ở Trung Á, sử dụng sức mạnh kinh tế và tài chính của mình, cũng như đầu tư và ngoại thương”.
Theo ông Kurtov, Trung Quốc trước khi bắt tay vào mở rộng kinh tế tại Trung Á, đã chuẩn bị nền tảng là xây dựng các mối quan hệ chính trị, đạt được sự thừa nhận về biên giới với các nước thuộc Liên Xô trước đây, đảm bảo việc không ủng hộ chủ nghĩa li khai của sắc tộc thiểu số Uighur sống ở Khu tự trị Tân cương. Đồng thời Trung Quốc đề xuất với các quốc gia Trung Á các khoản hỗ trợ tài chính lớn dưới dạng tín dụng, cho vay, và đảm bảo các dự án kinh tế của Nga không cạnh tranh với các dự án kinh tế của Trung Quốc. Chuyên gia Kurtov bình luận: “Chính sách có tính toán kỹ càng và liên tục này đã dẫn tới thực tế Trung Quốc từng bước đẩy Nga ra khỏi khu vực, trên phương diện đối thủ cạnh tranh địa – kinh tế”.
BDN (Tổng hợp)