Monday, November 25, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnCÁC CUỘC TẬP TRẬN CỦA TRUNG QUỐC Ở BIỂN ĐÔNG

CÁC CUỘC TẬP TRẬN CỦA TRUNG QUỐC Ở BIỂN ĐÔNG

Đêm ngày 02 tháng 11 năm 2010, truyền thông của
Trung Quốc đưa tin quân đội Trung Quốc đã thực hiện một cuộc tập trận bắn đạn
thật quy mô lớn mang tên Giao Long 2010 ở Biển Đông. Theo tờ Thời báo Hoàn cầu, cuộc tập trận
diễn ra trên biển lẫn trên bộ với sự tham gia của khoảng 1.800 binh sĩ cùng ít
nhất 100 tàu chiến, tàu đổ bộ, tàu ngầm và máy bay.

Ngoài các quan chức của Bộ
Quốc phòng Trung Quốc, còn có 200 du học sinh từ 40 nước khác nhau đang học tại
các trường quân sự ở nước này quan sát đợt tập trận. Cuộc diễn tập đổ bộ được
tổ chức dọc bờ biển của đảo Hải Nam, sát vịnh Bắc Bộ của Việt Nam và nằm ở Tây
Bắc biển Đông, là khu vực mà Trung Quốc có tranh chấp với các nước khác về chủ
quyền và quyền chủ quyền đối với các đảo và vùng biển. Nội dung các bài tập bao
gồm chiến dịch tấn công lên bãi biển, kết hợp máy bay chuyển quân, tàu đổ bộ,
xe tăng lội nước và tầu tấn công nhanh. Lực lượng đổ bộ được trực thăng chiến
đấu hỗ trợ, trong khi ở ngoài khơi, tàu rà mìn và tầu săn tầu ngầm cũng tham
gia diễn tập. Trước đó, vào đầu tháng 7 năm nay, để đáp trả cuộc diễn tập của
các lực lượng Hoa Kỳ và Hàn Quốc ở ngoài khơi bờ biển phía Đông của bán đảo
Triều Tiên, quân đội Trung Quốc đã thực hiện một cuộc diễn tập quy mô lớn với
sự tham gia của nhiều tàu chiến, tiềm thuỷ đĩnh và máy bay chiến đấu trong vùng
Biển Đông dưới sự giám sát của Tổng tham mưu trưởng quân đội Trần Bỉnh Đức.

Ông Tống Tiểu Quân, một nhà bình luận
chính thống của Trung Quốc nói với tờ Thời báo New York rằng “đây (tức là các
cuộc tập trận) chỉ là động thái bình thường nhằm kiểm tra khí tài quân sự và
năng lực chiến đấu.” Nhưng theo các nhà phân tích thời cuộc thì thực sự
các  cuộc tập trận nhằm nhiều mục tiêu
hơn thế.

Một là, các cuộc diễn tập quân sự này
là nhằm phản ứng sự hiện diện của Mỹ trong khu vực. Một sĩ quan giấu tên chỉ
huy cuộc tập trận tháng 7 tuyên bố “Trong những năm gần đây, có một số nước can
thiệp vào biển Đông, cùng tập trận với các nước láng giềng của chúng tôi, do đó
bây giờ đến lúc chúng tôi phải đối phó với những hành động can thiệp đó bằng
quyền lực chính trị”.

Hai là, Trung Quốc mong muốn phô diễn
sức mạnh quân sự của Trung Quốc, thể hiện trước thế giới một lực lượng thuỷ
quân lục chiến Trung Quốc hiện đại. Thời báo Hoàn cầu dẫn lời một chuyên gia về
hải quân, ông Lý Tiết, cho biết : “Trung Quốc muốn cho (các nước khác) thấy sức
mạnh của hải quân”.

Thứ ba, bằng hoạt động ở các vùng biển
tranh chấp, Trung Quốc đang gửi một tín hiệu tới khu vực rằng, họ đang phát
triển khả năng quân sự để bảo vệ cho tuyên bố chủ quyền vùng biển hơn chỉ là
lời nói lý thuyết. Sau khi tiến hành một cuộc tập trận bằng đạn thật trên vùng
biển đảo tranh chấp với Việt Nam, Người phát ngôn của Bộ quốc phòng Trung Quốc
Cảnh Nhạn Sinh tuyên bố rằng : “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi
được tại biển Nam Hải cũng như có đủ chứng cớ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ
quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.” Một chuyên gia khác, ông Ni
Lexiong tại Thượng Hải, thì nói toạc mục đích thực của việc phô diễn quân
sự của Trung Quốc : “Ngoài việc đe dọa Việt Nam và các láng giềng
khác, chúng tôi cũng muốn cảnh báo Hoa Kỳ rằng Trung Quốc có thể và
quyết tâm bảo vệ, thậm chí giành lại các đảo mà chúng tôi đã mất tại
Biển Đông và Đông Hải."

Thứ tư, không chỉ dừng lại ở mức độ bảo
vệ chủ quyền mà như Tướng Trần Bỉnh Đức, Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung
Quốc, người giám sát cuộc tập trận hồi tháng 7 còn nói rõ các cuộc tập trận này
còn là để “sẵn sàng chuẩn bị cụ thể ứng phó với những đụng độ quân sự.” Câu nói
này hàm ý rằng Trung Quốc chuẩn bị sẵn sàng cho việc sử dụng vũ lực trên Biển
Đông.

Tập trận để kiểm tra năng lực chiến đấu của quân
đội là một việc làm bình thường. Tuy vậy, các cuộc tập trận mà Trung Quốc tiến
hành trên Biển Đông trong khu vực tranh chấp để khẳng định chủ quyền, giễu võ
giương oai, uy hiếp các nước láng giềng nhỏ khác trong khu vực là việc làm
không bình thường và làm mất uy tín của chính Trung Quốc. Các cuộc tập trận
kiểu đó đi ngược lại tuyên bố của Trung Quốc tại Hội nghị Cấp cao ASEAN – Trung
Quốc lần thứ 13 vừa qua trong đó cam kết thúc đẩy hoà bình và ổn định trong khu
vực. Chỉ mấy ngày gần đây, báo chí Trung Quốc còn trích lời ông Hồ Chính Nguyệt
kêu gọi các bên liên quan tránh làm xấu đi tình hình ở Biển Đông, tránh tạo ra
căng thẳng và phát sinh cho giải pháp cuối cùng của vấn đề, và rằng việc này có
lợi cho mọi nước liên quan,  trong đó có
Trung Quốc.

Phô trương
sức mạnh quân sự qua các cuộc tập trận tại các khu vực tranh chấp làm cho tình
hình Biển Đông thêm phức tạp, đi ngược lại xu hướng “hoà bình, hợp tác và phát
triển” trong khu vực và trên thế giới. Nhận thức về “hiểm hoạ Trung Quốc” đẩy
các nước trong khu vực lại gần hơn với Mỹ và các nước lớn khác ngoài khu vực.
Ngay người láng giềng gần gũi của Bắc Kinh là Việt Nam cũng bày tỏ sự ủng hộ
đối với việc Hoa Kỳ quyết định quay lại Đông Nam Á. Thách thức của Trung Quốc
đối với các nước láng giềng tạo ra cho Hoa Kỳ một cơ hội hiếm có quay lại khu
vực Đông Nam Á, như là một sức mạnh đối trọng với Trung Quốc. Các nước trong
khu vực cũng đang tăng cường sức mạnh quân sự của mình để đối phó với lập
trường ngày càng cứng rắn hơn của Trung Quốc và đối chọi lại với việc tăng
cường lực lượng hải quân của nước này trên Biển Đông. Việt Nam đã đặt mua sáu
tàu ngầm hạng Kilo, tàu chiến chở tên lửa, máy bay chiến đấu hiện đại, hệ thống
tên lửa phòng thủ và các loại vũ khí khác của Nga. Năm 2008, giá trị các
hợp đồng lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 01 tỷ đôla. Năm 2009, con số là
3,5 tỷ đôla với hợp đồng mua tàu ngầm hạng Kilo; và năm 2010, tổng
giá trị các hợp đồng lên tới 4,5 tỷ Mỹ kim. Indonesia và Malaysia cũng
đang tìm cách mở rộng chương trình tàu ngầm và củng cố sức mạnh không quân.
Malaysia đã mua 18 chiếc Su-30 của Nga và đang cân nhắc mua thêm bằng ấy
máy bay chiến đấu nữa trong tương lai.

Như vậy,
xuất phát từ đại cục mà nói thì các cuộc tập trận trên của Trung Quốc không có
lợi cho hoà bình và ổn định trong khu vực và cũng không có lợi cho bất cứ nước
nào, trong đó có Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới