Wednesday, November 27, 2024
Trang chủBiển nóngThái độ của Duterte làm cục diện biển Đông sẽ theo ý...

Thái độ của Duterte làm cục diện biển Đông sẽ theo ý TQ

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ lần đầu tiên có cuộc hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến công du Trung Quốc từ 18 đến 21/10.

Ảnh minh họa.

“Chuyến thăm Trung Quốc lần này sẽ trở thành bước ngoặt quan trọng trong lịch sử hai nước,” ông Duterte nói trong cuộc họp báo ngày 16/10.

Chuyến đi Trung Quốc, sau đó đến Nhật Bản, là chuyến công du đầu tiên của tân Tổng thống Philippines ra ngoài khu vực Đông Nam Á. Cuộc hội đàm quan trọng giữa Duterte với ông Tập Cận Bình dự kiến diễn ra vào ngày 20/10, nhằm đạt nhận thức chung và tăng cường hợp tác trong hàng loạt lĩnh vực.

Các vấn đề được chính quyền Duterte xem là ưu tiên hàng đầu như chính sách chống ma túy nhiều khả năng sẽ nằm trong chương trình nghị sự, bởi Manila đang có được sự ủng hộ tích cực của Bắc Kinh trong vấn đề này.

Liên quan đến vấn đề biển Đông, mâu thuẫn giữa hai nước chủ yếu xoay quanh tranh chấp chủ quyền ở Bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham).

Phớt lờ phán quyết do Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague đưa ra ngày 12/7, Bắc Kinh vẫn tiếp tục duy trì quyền kiểm soát thực tế xung quanh bãi cạn này.

Trong khi đó, các phát ngôn của ông Duterte trước thềm chuyến đi khiến dư luận bối rối.

Cũng trong cuộc họp báo ngày 16, ông tuyên bố cứng rắn: “Chúng ta sẽ tiếp tục nhấn mạnh chủ quyền của mình. Tôi sẽ đề cập phán quyết của Tòa trọng tài [với Trung Quốc].”

Tuy nhiên, trong bài phỏng vấn với hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã được đăng tải ngày 17/10, Duterte lại khẳng định: “Tôi không có hứng thú cho phép bất kỳ quốc gia nào tham dự vào đàm phán trên biển Đông. Tôi chỉ muốn đàm phán với Trung Quốc.”

Quan hệ Trung Quốc-Philippines rơi vào thời kỳ “đóng băng” khi chính quyền Tổng thống tiền nhiệm Benigno Aquino III kiện Bắc Kinh ra PCA vào năm 2013, đồng thời Manila ký kết một hiệp ước quân sự mới với Mỹ năm 2014 nhằm mở đường cho quân đội Mỹ sử dụng các căn cứ trên lãnh thổ Philippines.

Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi sau khi Tổng thống Duterte lên nắm quyền từ cuối tháng 6. Gần đây ông liên tục xác nhận “cuộc tập trận chung trên biển với quân đội Mỹ diễn ra vào đầu tháng 10 là lần cuối cùng”, để tỏ rõ sự điều chỉnh chính sách đối ngoại với Washington.

Theo Nikkei, cuộc gặp với Duterte là cơ hội lớn để Tập Cận Bình thúc đẩy triển khai chiến lược trên biển của Bắc Kinh, vốn bị bế tắc trong vài năm qua.

Trung Quốc hy vọng Philippines “làm gương” để các nước trong khu vực thuận theo phương án đối thoại trực tiếp mà Bắc Kinh đề xuất để giải quyết vấn đề biển Đông, thay vì đối thoại giữa Trung Quốc với khối ASEAN.

Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc cũng kỳ vọng kết quả cuộc gặp Tập Cận Bình-Duterte sẽ cho Bắc Kinh đủ lý do “phản pháo” Mỹ và Nhật Bản, các quốc gia lên tiếng mạnh mẽ nhất để yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết PCA.

Theo chính phủ Philippines thông báo, Trung Quốc sẽ dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu chuối và dứa từ nước này nhằm “tạo không khí tốt đẹp” cho chuyến thăm của Duterte. Một trại cai nghiện sức chứa 10.000 người, do các nhà đầu tư Trung Quốc rót tiền, cũng sẽ mở cửa vào tháng 11 tới ở ngoại ô Manila.

Tuy nhiên, Nikkei bình luận, nếu một chính khách thiếu kinh nghiệm ngoại giao như Duterte coi việc “xin tiền viện trợ” là tiền đề để đánh giá khoảng cách quan hệ Trung Quốc-Philippines, thì cục diện biển Đông, bao gồm sự góp mặt của Mỹ-Nhật, sẽ phát sinh biến động.

“Khi định thần lại, có thể tình hình biển Đông đã được thúc đẩy theo ý muốn của Trung Quốc rồi,” Nikkei dẫn lời các nhà ngoại giao nhận định.

RELATED ARTICLES

Tin mới