Wednesday, November 27, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiQuyền lực không được kiểm soát dễ dẫn đến hư hỏng, tha...

Quyền lực không được kiểm soát dễ dẫn đến hư hỏng, tha hóa

Quyền lực vốn không có lỗi. Lỗi là do người có quyền nhưng lạm quyền để tiến thân, để làm giàu, khiến con người trở nên hư hỏng, chuyên quyền, tha hóa.

“Nhốt quyền lực vào trong lồng quy chế” – Đây là lần thứ hai Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc tới quan điểm này khi nói về công tác phòng chống tham nhũng. Đó cũng là một trong 4 nhóm giải pháp quan trọng vừa được Hội nghị Trung ương 4, khóa XII bàn thảo, quyết định. Quyền lực là đích đến chính đáng của nhiều người nếu như được sử dụng đúng đắn, hiệu quả, mang lại lợi ích không chỉ cho cá nhân mà còn cho cả cộng đồng. Nhưng cũng chính quyền lực đã làm tha hóa đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; là sự trăn trở, lo lắng của người giữ vị trí cao nhất của Đảng; ảnh hưởng đến lòng tin của dân vào uy tín, thanh danh của một Đảng cầm quyền. Bởi thế, hoàn thiện cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền là một đòi hỏi cấp thiết.

Chẳng phải ngẫu nhiên vấn đề quyền lực, kiểm soát quyền lực được nhắc tới nhiều như thế trong giai đoạn hiện nay. Hàng chục vụ án tham nhũng lớn với số tiền thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng đã được phanh phui; hàng loạt người có chức vụ, quyền hạn bị khởi tố, phải đứng trước vành móng ngựa vì hành vi tham nhũng; ngân sách Nhà nước ngày càng co lại, bị thâm hụt do hành vi lãng phí, tham nhũng gây ra. 6 vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng với số tiền thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng sẽ được đưa ra xét xử sơ thẩm từ nay đến cuối năm và quý I năm sau. Thực tế ấy cho thấy, nếu không có biện pháp ngăn chặn, những con số ấy chưa có điểm dừng; tình trạng tham nhũng, lạm dụng quyền lực để tham nhũng sẽ trở thành nguy cơ nghiêm trọng đe dọa tới sự tồn vong của chế độ.

Tham nhũng thường đi liền với quyền lực. Chỉ người có chức vụ, quyền hạn mới có cơ hội, điều kiện thực hiện hành vi tham nhũng. Vấn đề này đã được Đảng thẳng thắn nhìn nhận và có nhiều chủ trương, giải pháp phòng chống tham nhũng, hạn chế tình trạng đặc quyền, đặc lợi. Nhưng tình trạng tham nhũng không giảm mà ngày càng nghiêm trọng hơn. Nó không dừng lại ở một vài lĩnh vực mà lan rộng ra mọi mặt, ngóc ngách của đời sống xã hội, gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Các nhóm lợi ích ngày càng công khai, lộng quyền với những thiệt hại ngày càng đáng lo ngại. Và dĩ nhiên, kéo theo nó là cả một đội ngũ cán bộ, đảng viên, người nắm giữ các vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị xuống cấp về đạo đức, suy thoái về tư tưởng, vụ lợi, vun vén cho lợi ích của bản thân, gia đình mình mà quên đi lợi ích của nhân dân.

Nguyên nhân của thực trạng này theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong là biểu hiện của “lối sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, ham quyền lực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân”. Và nguyên nhân quan trọng, trực tiếp nhất chính là vì chưa thực hiện tốt, hay nói cách khác là chưa kiểm soát được quyền lực.

Chính vì thế, Hội nghị Trung ương 4 lần này đã đưa ra 4 nhóm giải pháp, trong đó có giải pháp rất quan trọng, là kiểm soát quyền lực, “nhốt” quyền lực vào trong lồng quy chế”. Quy chế ấy là việc hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực; là xử lý nghiêm những hành vi vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước; là kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; là thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng; công tác cán bộ, công tác kiểm tra; giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên; là phát huy tốt vai trò giám sát của nhân dân, tổ chức xã hội; là thực hiện nghiêm túc, công khai thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; là minh bạch thông tin, đặc biệt là minh bạch những chủ trương, quyết định, minh bạch việc xử lý những vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Khi đã được minh bạch, rõ ràng mới xóa bỏ được những nghi ngại, hoài nghi của người dân, mới tạo dựng và củng cố được lòng tin nơi dân.

Quyền lực vốn không có lỗi. Lỗi là do người có quyền nhưng lạm quyền để tiến thân, để làm giàu. Khi có quyền lực trong tay mà không được kiểm soát, ngăn chặn thì nó sẽ dẫn con người vào vòng xoáy quyền lực – tiền tài; nó biến con người dần trở nên hư hỏng, chuyên quyền, tha hóa. Đấu tranh với nó, chiến thắng nó không đơn giản. Nhất là suốt thời gian dài những mặt trái của quyền lực có cơ hội phát triển, dù Đảng và Chính phủ đã quyết tâm, đã hành động.

Trăn trở, lo lắng của người giữ vị trí cao nhất của Đảng trước thực trạng suy thoái tư tưởng chính trị, sự tha hóa đạo đức, tham nhũng, tiêu cực cũng là sự lo lắng, nỗi bức xúc lâu nay của từng người dân, của cả xã hội. Bởi thế, “nhốt” quyền lực vào lồng quy chế” là một trong những giải pháp rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng Chính phủ liêm chính-kiến tạo-phục vụ, và nó cần có sự đồng lòng, thống nhất của cả hệ thống. Người dân đang trông chờ những chuyển biến, đột phá trong việc thiết lập lại kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, trong việc đưa các Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

RELATED ARTICLES

Tin mới