Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBIỂN ĐÔNG VÀ QUAN HỆ VIỆT TRUNG

BIỂN ĐÔNG VÀ QUAN HỆ VIỆT TRUNG

BienDong.Net: Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ sang thăm Việt Nam từ ngày 13 đến ngày 15/10. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã thông báo tại buổi họp báo thường kỳ chiều ngày 3/10 vừa qua.

Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc tới Việt Nam kể từ khi Trung Quốc có ban lãnh đạo mới sau Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Và cũng lâu lắm rồi, Thủ tướng Trung Quốc mới có chuyến thăm chính thức tới Việt Nam, kể từ năm 2004, sau chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Ôn Gia Bảo.

Người phát ngôn Lương Thanh Nghị cũng cho hay, hai Thủ tướng sẽ trao đổi phương hướng và biện pháp thúc đẩy hợp tác giữa hai nước đi vào chiều sâu và thực chất trên tất cả các lĩnh vực nhất là kinh tế, thương mại, trao đổi ý kiến về tình hình quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

Trong năm 2013, Việt Nam và Trung Quốc đã có một số cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Tháng 6 Trung Quốc đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ông Nguyễn Tấn Dũng cũng gặp ông Lý Khắc Cường lần gần đây nhất là tại Hội chợ thương mại Trung Quốc – ASEAN lần thứ 10 tổ chức tại Nam Ninh (Trung Quốc) hồi đầu tháng 9.

Dư luận quốc tế và các nhà phân tích đã có nhiều đồn đoán về nội dung thực chất chuyến thăm Việt Nam của ông Lý Khắc Cường lần này, và cho rằng vấn đề Biển Đông chắc chắn không thể không nhắc tới trong chương trình nghị sự của chuyến thăm.

Gần đây dư luận bàn tán nhiều về những động thái từ phía Trung Quốc đối với Việt Nam xung quanh vấn đề Biển Đông. Có người nói Trung Quốc tỏ ra “gần gũi” hơn với Việt Nam trong giai đoạn này. Ngoại trưởng Việt Nam và ngoại trưởng Trung Quốc từ tháng 8 vừa qua đến nay đã gặp nhau ít nhất là 3 lần, lúc thì ở Bắc Kinh, lúc thì ở Hà Nội, lúc thì ở NewYork, và đều có những phát biểu vun đắp” cho mối quan hệ Việt Trung, chuẩn bị cho chuyến thăm của ông Lý.

Tuy nhiên, dư luận lại cho rằng Trung Quốc đang “ép” mạnh Việt Nam trên vấn đề Biển Đông. Chẳng biết có phải là sự thật không, khi người ta bảo rằng Trung Quốc đã yêu cầu Việt Nam không được vào hùa với Philippines kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế; rằng Trung Quốc ra điều kiện gắn việc giải quyết các vấn đề trên biển với vấn đề biên giới trên bộ giữa hai nước. Dự luận còn nói Trung Quốc lâu nay luôn thẳng thừng bác bỏ vấn đề Hoàng Sa mỗi khi Việt Nam đề cập đến vấn đề này, cho dù quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc dùng vũ lực cướp trắng trợn của Việt Nam năm 1974, thậm chí Trung Quốc còn đe rằng Việt Nam nói đến Hoàng Sa là nói đến “giới hạn đỏ” của Trung Quốc. Rồi Trung Quốc hiện đang ép Việt Nam theo chủ trương của Trung Quốc về “gác tranh chấp, cùng khai thác” trên Biển Đông, cụ thể là khu vực quần đảo Trường Sa. vân vân và vân vân.

Có một thực tế là Biển Đông thời gian qua vẫn luôn nóng, tiềm ẩn những vấn đề không ai lường trước được. Xét theo những hoạt động hăm dọa, uy hiếp ngày một mạnh tay của Trung Quốc trên biển, xét cả về những mánh lới chính trị, ngoại giao, kinh tế mà Trung Quốc đang triển khai nhằm chia rẽ các nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông và ngăn cản các nước ngoài khu vực quan tâm đến Biển Đông.Và xét cả về hoạt động của bộ máy truyền thông, tuyên truyền đồ sộ của Trung Quốc không ngày nào là không có những bài báo, những cuộc phỏng vấn, những chương trình truyền hình, hay phát biểu mang nội dung kích động, chĩa mũi nhọn vào các nước như Philippines,Việt Nam, Mỹ, Nhật Bản… Xét cả về những tiến triển đáng buồn do Trung Quốc cố tình câu giờ trong việc bàn thảo giữa ASEAN và Trung Quốc để xây dưng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC…

Vậy trong chuyến thăm này, Lý Khắc Cường mang theo thông điệp gì của ban lãnh đạo Trung Quốc nhằm thúc đẩy thực chất quan hệ Trung – Việt khi còn đó một loạt những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ hai nước, liên quan đến Biển Đông.

Việt Nam có mặt hướng đông trông ra Biển Đông với trên 3.260 km đường bờ biển. Cũng như các quốc gia khác có chung Biển Đông, từ bao đời nay, Biển Đông gắn bó với người Việt Nam, và như một lẽ tất nhiên, là cơ hội sinh tồn và phát triển của dân tộc này. Bằng chứng lịch sử đã chứng minh người Việt Nam đã hướng ra biển từ rất lâu. Người Việt Nam đã phát hiện, chiếm cứ và thực hiện chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách liên tục và hòa bình, ít nhất là từ đầu thế kỷ 17, kể từ khi hai quần đảo này còn là vô chủ. Lịch sử cũng xác nhận, các nước khác, trong đó có Trung Quốc, đã từng công nhận sự có mặt và quản lý của Việt Nam đối với hai quần đảo. Lịch sử cũng chỉ ra rằng, Trung Quốc chỉ biết đến hai quần đảo này từ năm 1909 và nhảy vào tranh chấp chủ quyền với Việt Nam từ đó đến nay.

Trong tâm thức của người Việt Nam vẫn còn đó những thực tế đau thương khi Trung Quốc, tuy còn đang có mối quan hệ hữu nghị “môi hở răng lạnh” với Việt Nam nhưng đã dùng vũ lực chiếm đoạt Hoàng Sa từ tay Việt Nam những ngày cuối tháng 1 năm 1974, khi Việt Nam chưa thống nhất. 73 người Việt Nam đã ngã xuống trong sự kiện này. Rồi cũng như vậy, năm 1988, cũng bằng phương thức hạ đẳng nhất, đi ngược nguyên tắc không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, Trung Quốc lại một lần nữa cướp từ tay Việt Nam một số đảo, đá đang do Việt Nam chiếm giữ trong quần đảo Trường Sa. 64 người Việt Nam đã ngã xuống.

Biển Đông hiện nay đang chứng kiến Trung Quốc ngang ngược, bất chấp đạo lý sinh tồn và luật pháp quốc tế, đưa ra yêu sách “đường lưỡi bò” kỳ dị và tham lam chiếm đến 80% diện tích Biển Đông (trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), mặc dù có đến 9 quốc gia bao bọc vùng biển này. Hiện Trung Quốc đang ngày đêm triển khai các hoạt động quân sự, dân sự để củng cố yêu sách của mình trên thực tế, nhằm buộc cộng đồng quốc tế phải tin rằng Trung quốc có quyền quản lý và thực thi “chủ quyền” đối với cái đường lưỡi bò này thông qua cái gọi là “thành phố Tam Sa”, đất thì chưa đầy 15 km2 nhưng đòi quản hạt gần 2 triệu km2 diện tích mặt nước.

Những vấn đề trên biển còn tồn tại giữa Việt Nam, chưa nói đến các nước Đông Nam Á khác, với Trung Quốc là còn rất lớn. Mấu chốt của nó là vấn đề tranh chấp chủ quyền, do Trung Quốc chủ ý khởi xướng và theo đuổi, đối với hai quần đảo và các vùng biển thuộc các quần đảo ấy, Mấu chốt cũng là yêu sách quá đáng và tham lam của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam và các nước khác trên Biển Đông.

Khi phát biểu tại Hội chợ Trung Quốc – ASEAN lần thứ 10 ở thành phố Nam Ninh, Ông Lý Khắc Cường đã hạ thấp các tranh chấp và lặp lại lời kêu gọi đối thoại, “Chúng tôi cũng nhận thấy rằng hiện đang có một số yếu tố ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển trong khu vực, nhưng chúng không phải là chủ đạo” và “ Trung Quốc cho rằng các tranh chấp ở Biển Đông không phải là một vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN, nó không nên và sẽ không ảnh hưởng đến sự hợp tác Trung Quốc – ASEAN”.

Nếu đúng như ông Thủ tướng nói, Bắc Kinh phải làm trước tiên những việc sau đây:

Một là, Bắc Kinh phải từ bỏ yêu sách phi lý đường lưỡi bò chiếm gần trọn Biển Đông, bởi yêu sách này không hề có một chút cơ sở pháp lý hay lịch sử nào để Trung Quốc dựa vào. Yêu sách này đã bị cả thế giới lên án, bác bỏ vì không phù hợp với luật pháp quốc tế, vi phạm trắng trơn các lợi ích của các nước khác ven Biển Đông. Chính yêu sách này đã làm mất đi hình ảnh một nước Trung Quốc trỗi dậy hòa bình, thay vào đó là một Trung Quốc hung hăng và ngang ngược. Và vì vậy, Trung Quốc không thể tạo được sự tin cậy của các nước, trong đó có Việt Nam.

Hai là, Bắc Kinh cần nhìn thẳng vào lịch sử để thấy rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông đã do người Việt Nam phát hiện và thực thi chủ quyền từ đầu thế kỷ 17. Người Trung Quốc mới nhảy vào tranh chấp chủ quyền với Việt Nam gần ba thế kỷ sau đó. Hoàng Sa là vấn đề song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc, và Trung Quốc phải tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng lịch sử mà trả Hoàng Sa cho Việt Nam.

Ba là, Bắc Kinh phải xuất phát từ vị thế một nước lớn, có trách nhiệm và vai trò trong cộng đồng quốc tế, với thành ý về một khu vực Đông Nam Á phát triển hòa bình, thịnh vượng, ngồi vào cùng bàn với các nước ASEAN về bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC, tạo khung pháp lý và chuẩn mực cho những hoạt động trên Biển Đông, chứ không phải như hiện nay Bắc Kinh đang cố tình làm chậm, thậm chí gây khó dễ cho tiến trình này.

Bốn là, Bắc kinh phải từ bỏ quan điểm luôn bám riết lâu nay là chỉ chấp nhận đàm phán song phương về vấn đề Biển Đông, không muốn cộng đồng quốc tế quan tâm, can dự dù ở bất cứ góc độ, mức độ nào hay nói theo ngôn ngữ của Bắc Kinh là không muốn quốc tế hóa Biển Đông. Bởi vì Biển Đông tự thân là vùng biển liên quan đến quyền và lợi ích của nhiều nước xung quanh nó, được luật pháp quốc tế thừa nhận. Biển Đông là nơi có nhiều tuyến đường hàng hải quốc tế trọng yếu đi qua. Biển Đông không chỉ liên quan đến các nước trong khu vực mà còn liên quan đến lợi ích của các nước khác như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ. Khi bàn về Biển Đông không thể không quốc tế hóa bởi các nước khác không thể đứng ngoài cuộc nhìn lơi ích kinh tế, thương mại… của mình bị ảnh hưởng khi Biển Đông có tranh chấp, xung đột.

Năm là, Bắc Kinh phải từ bỏ chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” bởi trong suốt 30 năm qua kể từ khi Đặng Tiểu Bình đề cập đến chủ trương này, nó đã không được hoan nghênh vì Bắc Kinh vẫn bám giữ với “chủ quyền thuộc Trung Quốc” thì làm sao các nước khác có thể chấp nhận mà không nghi ngại Bắc Kinh sẽ thông qua chủ trương này mà từng bước xâm lấn các vùng biển thuộc chủ quyền (vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa) của nước khác, hiện thực hóađường lưỡi bò”.

Trước thềm chuyến thăm chính thức Việt Nam của Lý Khắc Cường, xin có mấy lời để nói với nhà lãnh đạo Trung Quốc, và cũng để rộng đường dư luận khu vực và quốc tế kiểm chứng những gì Bắc Kinh nói và làm.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới