Thursday, December 26, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTQ ép gạo Việt ngậm trái đắng: Lại nhìn Campuchia

TQ ép gạo Việt ngậm trái đắng: Lại nhìn Campuchia

“Chỉ có chuyển sang kinh doanh cạnh tranh mới giảm lệ thuộc vào thị trường TQ, còn không vẫn cứ phải dựa vào các hợp đồng tập trung”.

Xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc

Chiêu bài ép giá không mới

PV:- Vừa qua, Trung Quốc đã ra Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với việc xuất khẩu gạo và cám gạo từ Việt Nam sang Trung Quốc theo đường chính ngạch, dưới sự giám sát của Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm và kiểm dịch Trung Quốc (AQSIQ).

Thế nhưng, theo thống kê mới đây của Bộ NNPTNT, 9 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc theo đường chính ngạch giảm 23% về khối lượng và giảm 13,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Những ngày qua, Trung Quốc đã bắt đầu mua gạo trở lại nhưng lại theo con đường tiểu ngạch.

Là một chuyên gia về lúa gạo, ông bình luận như thế nào về động thái trên? Có phải Trung Quốc đang cố tình ép VN rơi vào thế khó trong việc xuất khẩu lúa gạo sang thị trường này hay không?.

PGS.TS Nguyễn Văn Nam:- Chiêu bài này thực tế nhiều nước đã dùng, không riêng gì Trung Quốc. Nó còn do quan hệ chính trị hai nước tốt hay xấu, do chủ trương của họ nhập khẩu từ thị trường nào.

Trước đây, những năm 2008, khi Trung Quốc trải qua thời kỳ bão lũ triền miên, không có lương thực, họ thiếu nhiều nên mở cửa ồ ạt nhập khẩu gạo thị trường VN một cách thoải mái, không dựng hàng rào kỹ thuật. Gần đây, Trung Quốc muốn lôi kéo Thái Lan nên ký rất nhiều hợp đồng nhập khẩu gạo từ nước này hàng triệu tấn, lôi kéo Campuchia nên ký kết hỗ trợ nhập khẩu, sản xuất gạo cho nước này với số lượng cao.

Trong trường hợp, để có gạo của Thái Lan, Campuchia thì họ phải áp dụng chiến thuật với gạo VN, khi đó, VN chỉ có thể cạnh tranh tốt hơn các nước khác với dòng gạo giá rẻ, thậm chí bán gạo sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn nhưng giá vẫn rẻ.

Nói chung, theo tôi, đây là chiêu bài nằm trong đường lối, chính sách phát triển quan hệ ngoại thương với từng nước, thay đổi theo quan hệ ngoại giao. Cho nên, chuyện này sớm muộn cũng xảy ra, khi họ cần chúng ta thì họ mở cửa ồ ạt, thậm chí không yêu cầu kỹ thuật, còn khi họ muốn ưu ái cho các thị trường mới thì quay sang làm khó.

Vì thế muốn giải quyết phải có đàm phán giữa 2 Bộ, một bên Bộ NN-PTNT, một bên là Bộ Thương mại của Trung Quốc, để xem nếu như đúng quy định của WTO, trên tinh thần ký kết với nhau thì không sao, còn làm sai thì cần phải có điều chỉnh, chúng ta có quyền được đòi hỏi. Còn VN cứ phụ thuộc 1 chiều, trông chờ vào sự hữu hảo của Trung Quốc là không được.

Mặt khác, VN từ xưa đến nay xuất khẩu gạo ồ ạt, gạo chất lượng trung bình trở xuống, lẫn tạp chất, không sạch, thuốc bảo vệ thực vật. Cho nên, gạo không đi được sang các thị trường khó tính, chủ yếu chúng ta vẫn đang chỉ lòng vòng ở các nước châu Á như Philippines, Malaysia và một số nước châu Phi khó khăn.

Còn riêng việc bán gạo qua đường tiểu ngạch xưa nay vẫn có, thậm chí rất nhiều, chính ngạch thì chỉ mới làm vài năm nay, mà đúng ra chúng ta phải làm theo đường chính ngạch mới đảm bảo chất lượng, loại nào ra loại đó.

Sự o bế này thực tế là do cơ quan quản lý nhà nước, khi đi đàm phán phải làm chặt chẽ, nhưng hầu hết là làm cho có.

PV:- Hiện nay, người dân đã đầu tư khá nhiều theo đúng tiêu chuẩn để xuất khẩu gạo vào cho thị trường chính ngạch, thế nhưng, Trung Quốc chỉ thu mua ở con đường tiểu ngạch, nên có nhiều nguy cơ gạo Việt bị ép giá, đầu tư sản xuất chính ngạch mà lại chỉ bán giá tiểu ngạch, trái đắng này có phải lần đầu chúng ta gặp hay không?.

Theo ông nguyên nhân là vì đâu, có phải do lúa gạo VN đang quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc hay không?.

PGS.TS Nguyễn Văn Nam:- Hiện nay, các tỉnh nghèo vẫn đang mở đường tiểu ngạch, biên mậu nhiều hơn để hưởng lợi. Ngày xưa ở Lạng Sơn, con đường mở theo tiểu ngạch rất mạnh với tỉnh Quảng Tây, bây giờ quay lại sang tỉnh Vân Nam ở cửa khẩu Hà Khẩu – Lào Cai.

Nhưng trái đắng này không phải lần đầu gặp phải, trước đó Trung Quốc đã từng gây khó dễ cho chúng ta rất nhiều lần, với nhiều lý do khác nhau như bán phá giá, trợ cấp, không đạt tiêu chuẩn vệ sinh ATTP.

Nhưng chung quy, chính sách nước nào cũng vậy, không phải một lần là xong, lên xuống thay đổi, mở rồi khép. Từ xưa Malaysia cũng nhập khẩu gạo VN ào ào vì thiếu gạo, giờ không nhập nữa.

Vấn đề do cung cầu mỗi nước, chính sách đối ngoại của từng nước, họ hướng đến thị trường nào, quan hệ hữu hảo, hoặc lôi kéo nước nào thì phải mở rộng kinh tế với nước đó.

Trung Quốc vốn dĩ là một tay thương mại “lọc lõi”, không có mục đích cho VN giàu hơn, chúng ta biết mục đích của họ nhưng không làm gì, vì thị trường xuất khẩu gạo vẫn chủ yếu là Trung Quốc, nên không dám phản kháng. Mà lý do căn bản nhất chính là gạo của VN chưa khẳng định được thương hiệu riêng nên không tìm được thị trường mới, mãi bám vào các thị trường cũ.

Hơn nữa, khâu quản lý của chúng ta vô cùng kém. Đáng lẽ khi đi buôn bán quốc tế phải biết mưu mẹo, trong đàm phán phải dự phòng, thực hiện nghiêm túc, biết các mánh tránh né chỉ cho người sản xuất.

Nhưng người đi buôn gạo của VN là các DNNN, Tổng công ty lương thực, bản chất, đây không phải nhà buôn, không quan tâm đến chuyện xuất như vậy thì sang năm có xuất được nữa hay không, tìm được nhà nhập khẩu nào thì cứ xuất, miễn là có lời. Họ chỉ nghĩ đến chuyện xuất một mẻ dăm ba nghìn tấn lời được bao nhiêu tiền bỏ túi chứ không nghĩ đến tương lai lâu dài của hạt gạo Việt Nam.

Còn tư nhân đi làm thì họ phải bảo vệ đồng tiền, giữ uy tín, tìm được thương hiệu khẳng định trên thị trường. Nhìn ngay sang Campuchia mới chỉ xuất hiện vài năm nay, mà đã có thương hiệu gạo, thị trường khó tính cũng chen chân vào được, vì họ là DN tư nhân làm, chứ không phải quốc doanh.

VN cần chủ động hơn

PV:- Trước đây, có chuyên gia từng nhận định Trung Quốc vẫn là nước phụ thuộc vào việc nhập khẩu gạo từ VN, năm 2016, VN vẫn chiếm 35,4% thị phần nhập khẩu gạo của nước này. Đến nay tuy Trung Quốc đã mở rộng thị trường các nước nhập khẩu như Thái Lan, Campuchia, nhưng thực tế trên có thay đổi nhiều không thưa ông?.

Theo ông, vì sao là nước có nhiều ưu thế với thị trường trên, tại sao VN vẫn chưa tận dụng được cơ hội của mình?

PGS.TS Nguyễn Văn Nam:- Trung Quốc vẫn sẽ là nước thiếu gạo trong thời gian tới, nhưng họ nhập khẩu của ai đó là quyền của họ.

Nhưng cho dù có mở rộng thêm một số thị trường khác, thì họ vẫn sẽ lựa chọn VN vì có lợi nhiều như gần biên giới, thương nhân VN hám lợi trước mắt nên dễ lừa, không như thương nhân nước khác. Các nước khác họ lọc lõi trên thương trường, như Thái Lan làm rất tốt. Chỉ có VN, thuận lợi thì đắt rẻ đều bán, còn không thuận lợi thì bỏ. 

Chúng ta cần phải tổ chức lại, sản xuất kinh doanh gạo VN thành một thị trường gạo cạnh tranh tự do, xây dựng có thương hiệu rõ ràng, chứ không phải sản xuất nhỏ lẻ, không phải làm theo lệnh nhà nước, cho mua, cho bán định giá.

Chúng ta đang trên đường hội nhập vào thị trường thế giới, muốn các nước công nhận VN là kinh tế thị trường mà trong nước không làm theo hướng thị trường thì làm sao được.

Chúng ta chưa có các tập đoàn kinh doanh gạo thực thụ đúng nghĩa, chưa có những người chiến đấu trên thương trường thực sự, chỉ có một vài DN tư nhân thì quy mô nhỏ, không được hỗ trợ nên khó phát triển.

PV:- Với những sự cố như vừa qua, chúng ta phải rút ra những bài học như thế nào, thưa ông? Xin ông phân tích cụ thể?

PGS.TS Nguyễn Văn Nam:- Theo tôi, việc đầu tiên chúng ta cần làm là xóa bỏ cơ chế bao cấp, kế hoạch hóa, chuyển sang cơ chế thị trường một cách thực sự.

Sau đó, xây dựng DN tư nhân là chính, chứ không phải DNNN rồi thua lỗ, làm vì lợi ích cá nhân.

Phải xác định các thị trường xuất khẩu gạo hiện nay như Philippines, Malaysia, Trung Quốc, chủ yếu là các nước châu Á. Còn thị trường châu Phi đã có các đại gia khống chế nên không dễ gì vào được thị trường đó.

Cùng với đó, chủ động nâng cao chất lượng lúa gạo, theo đúng tiêu chuẩn, để không xuất khẩu thị trường này mà hướng đến thị trường khác. Muốn cạnh tranh thì yếu tố chất lượng, vệ sinh ATTP rất quan trong, phải quán triệt đến các nhà sản xuất.

Bây giờ Ấn Độ, Myanmar, Banglades, Campuchia, Lào, Pakistan cũng đã xuất khẩu gạo…thì con đường xuất khẩu gạo VN không hề đơn giản.

Và đặc biệt, chỉ có chuyển sang kinh doanh cạnh tranh mới giảm được lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Nếu không vẫn cứ phải cầu cạnh, dựa vào các hợp đồng tập trung, bán chính thức, có sự hỗ trợ của Chính phủ.

RELATED ARTICLES

Tin mới