BienDong.Net: Báo Hàn Quốc Chosun Ilbo ngày 21/10 dẫn nguồn báo Yomiuri Shimbun của Nhật Bản tiết lộ: Bắc Kinh vừa yêu cầu Seoul không bán máy bay chiến đấu cho Manila.
Theo tờ báo, yêu cầu này đã được Trung Quốc nêu lên trước cuộc họp Thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc với đồng nhiệm Philippines hồi giữa tháng 10 tại Seoul, tuy nhiên, đòi hỏi của Bắc Kinh đã bị bác bỏ.Máy bay chiến đấu FA – 50 của Hàn Quốc (Ảnh: Korean Aerospace Industries)
Quan điểm dứt khoát của Seoul đối với yêu cầu của Bắc Kinh đã được chính nữ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye nêu bật trong cuộc họp Thượng đỉnh với đồng nhiệm Philippines Benigno Aquino ngày 17.10.2013.
Theo nhật báo Chosun Ilbo, trong cuộc họp, Tổng thống Park Geun Hye không những đã cám ơn Tổng thống Aquino về quyết định đặt mua loại phi cơ FA – 50 của Hàn Quốc, mà còn yêu cầu đẩy nhanh tiến trình ký kết hợp đồng.
Còn tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản cho biết, Hàn Quốc đã thẳng thừng bác bỏ yêu cầu của Trung Quốc và nói rằng Seoul không thể chấp nhận “sự can thiệp” vào hồ sơ xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc, một vấn đề mang lợi ích quốc gia.
Nhân chuyến công du Hàn Quốc của Tổng thống Philippines, hai nước đã đạt được thỏa thuận về tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, trong đó có công nghiệp quốc phòng, bao gồm cả hợp đồng mua 12 máy bay chiến đấu FA – 50 do Hàn Quốc chế tạo.
Mặc dù về mặt chính thức, Hàn Quốc đã bác bỏ thông tin trên tờ Yomiuri Shimbun về sức ép của Trung Quốc nhưng khi phát biểu không chính thức, nhiều quan chức chính quyền Seoul xác nhận rằng đã có áp lực trong vấn đề này.
Một nguồn tin chính phủ Hàn Quốc cho biết: “Mỗi lần truyền thông Hàn Quốc hay Philippines đưa tin về hợp đồng mua bán máy bay FA – 50, Trung Quốc đều đã có phản ứng nhạy cảm và tìm cách xác minh các thông tin đó qua các kênh ngoại giao”.
Quan chức chính phủ này khẳng định rằng thương vụ bán chiến đấu cơ cho Philippines sẽ tiếp tục được xúc tiến.
Giải thích về nguyên nhân Bắc Kinh gây sức ép với Seoul về thương vụ kể trên, một quan chức chính quyền Hàn Quốc khác nhận xét: “Philippines đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông. Đó là lý do tại sao Bắc Kinh nhiều lần phản đối (việc Hàn Quốc bán vũ khí cho Philippines) thông qua đại sứ quán Trung Quốc và các kênh khác”.
Ngoài hợp đồng mua FA – 50, báo chí Hàn Quốc cho biết Manila cũng đang đàm phán với Seoul về hợp đồng trị giá khoảng 650 triệu đô la để mua tàu hộ tống do Hàn Quốc chế tạo.
Kỵ binh bay Mỹ được triển khai tới Hàn Quốc
Trong khi đó, theo Washington Post, Hàn Quốc và Mỹ sẽ chi 11 tỷ USD để hiện đại hóa và bố trí lại các căn cứ quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc, trong đó có một căn cứ lớn nhất Châu Á trong dự án quân sự lớn nhất của Mỹ kể từ khi kênh đào Panama được hoàn tất.
Theo kế hoạch này, khoảng 100 cơ sở quân sự rải rác ở Hàn Quốc sẽ được quy hoạch lại thành 50 căn cứ với hai trung tâm lớn. Phần lớn trong số 28.500 lính Mỹ đang đóng tại Hàn Quốc sẽ di chuyển đến trại Humphreys, cách trung tâm thủ đô Seoul hơn 60 km về phía nam. Một khi hoàn thành, Humphreys sẽ trở thành nơi đồn trú của 44.000 binh sĩ, nhân viên dân sự và các thành viên gia đình họ, biến Humphreys trở thành doanh trại lớn nhất của Mỹ ở Châu Á vào năm 2016.
Một báo cáo của Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ cho hay, trong số 11 tỷ USD chi cho dự án này, Lầu Năm Góc đóng góp 3,2 tỷ USD, còn lại do phía Hàn Quốc bỏ ra. Năm ngoái, Lầu Năm Góc đã chi 3,1 tỷ USD để hỗ trợ lực lượng quân sự của mình tại Hàn Quốc. Chính phủ Mỹ đang cố gắng dành sự quan tâm chiến lược đối với Châu Á bằng cách tăng cường viện trợ cho các đồng minh và hiện diện quân sự nhiều hơn trong khu vực này.
Trong khi đó, các nguồn tin thông tấn cho biết một phi đội trực thăng vũ trang tấn công của Mỹ vừa được triển khai ở Hàn Quốc sau khi hoàn thành các sứ mệnh ở Iraq nhằm tăng cường khả năng phòng thủ trên bán đảo Triều Tiên trong chiến lược xoay trục sang Châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ.
Thông báo của sư đoàn bộ binh số 2 của Mỹ ở Hàn Quốc cho biết đơn vị chủ lực thuộc Phi đội 4, trung đoàn Kỵ binh bay 6 của Không quân Mỹ đã được triển khai từ căn cứ liên hợp Lewis – McChord ở Mỹ tới trại Humphreys ở Pyeongtaek, phía nam thủ đô Seoul.
Đây là đơn vị trên bộ luân chuyển đầu tiên của Mỹ được triển khai ở Hàn Quốc, với lực lượng bao gồm 380 binh sĩ và 30 trực thăng vũ trang OH – 58D Kiowa Warrior.
Việc triển khai đơn vị Kỵ binh bay tinh nhuệ này là một phần trong kế hoạch tăng cường cho lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc, đồng thời thể hiện cam kết của Lầu Năm Góc trong việc tái cân bằng chiến lược ở Châu Á – Thái Bình Dương.
BDN (nguồn RFI và GDVN)