BienDong.Net: Việc Trung Quốc thi hành chính sách cứng rắn trên vấn đề biển đảo, mở rộng và gia tăng các hoạt động gây hấn ở Biển Đông làm cho tình hình Biển Đông ngày càng phức tạp, căng thẳng.
Nỗ lực giảm bớt căng thẳng thông qua việc xây dựng Bộ qui tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa các quốc gia ASEAN và Trung Quốc đang diễn tiến một cách chậm chạp.
Cuộc đàm phán giữa các quan chức Trung Quốc và ASEAN được các chuyên gia quốc tế đánh giá là vẫn chẳng đi tới đâu. Trong bối cảnh đó, các nước ven Biển Đông phải gia tăng chi phí để củng cố lực lượng phòng thủ trên biển của mình.
Các nhà nghiên cứu quốc tế đều cho rằng chính các hành động của Trung Quốc đang đẩy các nước ven Biển Đông vào cuộc chạy đua vũ trang mới, tăng cường chi phí mua sắm vũ khí trang thiết bị và xây dựng các căn cứ quân sự mới để đối phó với những hành động gây hấn của Trung Quốc bảo vệ vùng biển của mình. Chỉ từ đầu tháng 10 tới nay, đã xuất hiện 2 căn cứ quân sự mới của Philippines và Malaysia ở khu vực gần quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.
Để đối phó với những hoạt động của Trung Quốc nhằm vào Philippines ở Biển Đông (Trung Quốc gây tình hình căng thẳng ở khu vực bãi cạn Scarborough và chuẩn bị cho việc xây dựng cấu trúc mới ở khu vực này; Trung Quốc khống chế khu vực bãi Cỏ Mây, ngăn cản Philippines tiếp tế cho lực lượng của Philippines ở khu vực này…), Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã công bố ngân sách 1,8 tỷ USD cho chương trình hiện đại hóa quân đội nước này và khôi phục kế hoạch xây dựng căn cứ không quân và hải quân mới ở vịnh Subic, nơi từng là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại Đông Nam Á trước khi bị đóng cửa vào năm 1992.
Mới đây nhất ngày 06/10/2013, báo Philippines Daily Inquirer đưa tin hải quân Philippines vừa xúc tiến kế hoạch phát triển căn cứ mới ở vịnh Oyster. Căn cứ này sẽ gồm một xưởng đóng tàu lớn và một cơ sở hải quân. Chính quyền Philippines đã giải ngân 500 triệu peso (hơn 2,1 tỷ USD) để hoàn thành các cơ sở hạ tầng chính, gồm một đoạn đường dài 12 km nối đến vịnh Oyster. Phát triển căn cứ ở Oyster nằm trong chương trình nâng cấp năng lực hải quân Philippines, bao gồm việc lắp đặt hệ thống radar tại các khu vực chiến lược từ bắc tới nam của tỉnh Palawan hướng ra Biển Đông. Hệ thống radar mới sẽ cho phép Philippines theo dõi các diễn biến ở Biển Đông, giữa lúc Philippines đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại vùng biển này.
Chỉ huy Lực lượng hải quân miền tây Philippines Thiếu tướng Joseph Rostum Pena cho biết, cơ sở mới sẽ là căn cứ lý tưởng để huấn luyện thủy quân lục chiến; căn cứ tương lai tại vịnh Oyster sẽ giúp mở rộng phạm vi đồn trú cho 2 tàu mới tậu của Hải quân Philippines, vốn được sửa sang từ các tàu tuần duyên của Cảnh sát biển Mỹ. Nó cũng mở đường cho việc Mỹ luân phiên đồn trú binh sĩ tại đây và tàu chiến, máy bay ra vào khu vực này.
Vịnh Oyster cách thủ đô Manila khoảng 550 km về phía tây nam, chỉ cách quần đảo Trường Sa khoảng 160 km (100 dặm). Theo kế hoạch, Philippines sẽ biến rạn san hô ngập mặn Oyster Bay trên đảo Palawan thành một căn cứ quân sự lớn mà giới quân sự Philippines gọi là “một vịnh Subic thu nhỏ”.
Đánh giá về việc làm của Philippines, ông Patrick Cronin, một chuyên gia Mỹ về an ninh Châu Á – Thái Bình Dương, nói: “Vịnh Oyster có thể là lựa chọn tốt nhất” để đối phó với một Trung Quốc ngày càng quyết đoán ở Biển Đông. Thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc cảnh báo rằng một “đòn phản công” đối với Philippines là không thể tránh khỏi, nếu Manila tiếp tục khiêu khích Bắc Kinh. Chính vì vậy việc xây dựng căn cứ quân sự ở vịnh Oyster được xem là động thái mới nhất của Philippines nhằm tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề an ninh biển.
Malaysia không đưa tin công khai về các hành động của Trung Quốc xâm lấn vùng biển của Malaysia vì sợ ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế với Trung Quốc, nhưng Malaysia đã âm thầm triển khai việc tăng cường sức mạnh cho lực lượng hải quân để đối phó với các hành động xâm lấn của Trung Quốc.
Ngày 20/10, BBC dẫn thông cáo từ Bộ Quốc phòng Malaysia cho hay Malaysia sẽ thành lập quân đoàn thủy quân lục chiến và xây dựng một căn cứ hải quân tại thị trấn Bintulu, nằm sát Biển Đông để bảo vệ vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền.
Căn cứ mới chỉ cách bãi ngầm James khoảng 110 km. Bãi ngầm James cách bờ biển bang Sarawak của Malaysia chừng 80 km, cách bờ biển phía nam Trung Quốc đến 1.800 km và là điểm tận cùng phía nam trong bản đồ “đường lưỡi bò” phi lý do Bắc Kinh đơn phương vạch ra trên Biển Đông. Hồi tháng 3, giới quan sát sửng sốt và nhiều quốc gia vô cùng quan ngại khi 4 tàu chiến của Trung Quốc kéo đến khu vực bãi ngầm James trong một đợt diễn tập. Malaysia từng khẳng định tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở nơi đây “hoàn toàn không có căn cứ và nhằm chiếm đoạt tài nguyên”.
Bên cạnh đó, hãng thông tấn Bernama dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Tun Hussein tuyên bố Malaysia sẽ đưa vào hoạt động 6 chiến hạm cận bờ (LCS) từ năm 2018 cũng như tăng cường mua sắm tàu đổ bộ và chiến đấu cơ. Theo ông, LCS sẽ trở thành đội tàu chủ lực của hải quân hoàng gia Malaysia với nhiệm vụ tuần tra các vùng biển có tiềm năng kinh tế cao.
Ngoài ra, Bộ trưởng Tun Hussein còn công bố kế hoạch thành lập quân đoàn thủy quân lục chiến với mô hình hoạt động tương tự lực lượng của Mỹ. Theo tuần báo IHS Jane’s Defence Weekly, Washington rất tán thành ý định của Kuala Lumpur. Hồi tháng 6.2013, trong cuộc tập trận CARAT giữa Mỹ với các nước ASEAN, hải quân Malaysia đã diễn tập đổ bộ với quân đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ.
Xét trong bối cảnh Trung Quốc liên tục có những hoạt động lấn chiếm trên thực địa ở Biển Đông như tập trận đổ bộ, thả cọc bê tông xuống bãi James; tàu Trung Quốc cản phá hoạt động khảo sát của tàu Malaysia trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, có thể thấy việc Malaysia thành lập căn cứ và lực lượng Hải quân mới, cũng như tăng cường lực lượng hải quân không hề ngẫu nhiên mà là để đối phó với Trung Quốc.
Đánh giá về việc thành lập căn cứ quân sự của Malaysia ở Biển Đông, ông Trần Công Trục, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Biên giới quốc gia nhận định: “Việc Malaysia thành lập căn cứ và lực lượng mới sẽ tác động tích cực vào tình hình Biển Đông. Trước đây, có những dư luận nói phản ứng của Malaysia trước sự hiện diện của Trung Quốc ở khu vực sát vùng đặc quyền kinh tế của nước này còn rất hạn chế, thậm chí làm ngơ. Kể cả khi Trung Quốc tổ chức tập trận ở bãi ngầm James, thuộc thềm lục địa Malaysia. Nhưng giờ đây, phải chăng đã đến lúc Malaysia không thể kiềm chế được nữa và đây là lời cảnh báo dành cho Trung Quốc, rằng nếu còn tiếp tục lấn tới, gây sức ép bằng các hoạt động trên thực tế sẽ gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ hơn”.
Như vậy, có thể thấy ngoại giao con thoi cấp cao của Trung Quốc qua các chuyến thăm của Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đến các nước ASEAN vừa qua không thể xoa dịu được mỗi lo ngại của các nước trước chính sách cứng rắn của nhà cầm quyền mới ở Bắc Kinh, nhất là các hành động gây hấn, hăm doạ của Trung Quốc đối với các nước láng giềng trên biển.
Việc Philippines và Malaysia cùng công bố thiết lập các căn cứ quân sự mới là việc làm chính đáng và cần thiết để đối phó với những hành động mới leo thang của Trung Quốc. Điều này càng cho thấy cho dù Bắc Kinh có ra sức dùng những lời “đường mật” để khuyếch trương cho cái gọi là “chính sách láng giềng hữu nghị” thì cũng không thể che đậy được những hành động ngang ngược của họ. Người ta thường nói “con giun xéo lắm cũng quằn”, do vậy mà Philippines đã phải kiện Trung Quốc ra Toà Trọng tài quốc tế, đồng thời tăng cường lực lượng hải quân của mình; Malaysia luôn được coi là giữ thái độ “im lặng” trước các việc làm của Trung Quốc ở Biển Đông cũng đã phải âm thầm tăng cường lực lượng hải quân và thiết lập căn cứ quân sự mới ở Biển Đông. Việt Nam cũng cần học hỏi Philippines và Malaysia trong việc sử dụng Cam Ranh, một vị trí rất đắc địa cho căn cứ quân sự để chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.
BDN