Ông Tập Cận Bình lên án hiện trạng “âm mưu đen tối” và “lòng tham quyền lực” trong nội bộ lãnh đạo cấp cao của đảng Cộng sản Trung Quốc – tờ The Guardian (Anh) cho hay.
(Ảnh: AFP)
Chỉ ít ngày sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình được xác lập vị thế “lãnh đạo hạt nhân” của đảng Cộng sản Trung Quốc, tờ báo đảng Nhân dân Nhật báo đã đăng bài xã luận do ông viết, công kích “một số quan chức cấp cao theo đuổi lợi ích cá nhân”.
Ông Tập nhắm vào “các âm mưu” trong nội bộ Trung Nam Hải thông qua bài xã luận trên. Ông nói nạn tham nhũng và gian lận phiếu bầu đã hủy hoại chính quyền nhà nước, vì vậy các vị trí lãnh đạo cần phải nắm vững tư tưởng trong sạch, đây là điều cần thiết.
Tuyên bố mạnh mẽ của Tập Cận Bình trên báo đảng được đưa ra vài ngày sau khi kết thúc Hội nghị trung ương 6 khóa XVIII của ĐCSTQ, mà ông được thừa nhận là “lãnh đạo hạt nhân” và tuyên bố sẽ cải cách “các quy tắc trong đời sống chính trị”.
Kể từ khi nắm quyền vào cuối năm 2012, ông Tập đã phát động chiến dịch chống tham nhũng mạnh mẽ.
Nhân dân Nhật báo ngày 2/11 cũng đăng hai văn kiện về các quyết định đưa ra tại hội nghị trung ương kéo dài 4 ngày vừa qua (24-27/10), cùng với bài xã luận của ông Tập.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc chỉ trích: “Một số quan chức cấp cao bị khuất phục bởi lòng tham chính trị và ham muốn quyền lực, đã thực hiện các âm mưu chính trị bằng cách tỏ ra phục tùng bề ngoài, nhưng ngầm thành lập nhóm để theo đuổi lợi ích ích kỷ.”
“Hiện tượng gia đình trị và gian lận bầu cử đã kéo dài,” ông nói, “lạm quyền, tham nhũng cũng như tình trạng vi phạm kỷ luật của đảng và vi phạm pháp luật đã lan rộng”.
Trong bình luận của mình, ông đặc biệt đề cập đến những “hổ béo” bị Bắc Kinh xử lý trong cuộc chiến chống tham nhũng như cựu Ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc, Bí thư Ủy ban chính pháp trung ương Chu Vĩnh Khang.
Chu được truyền thông Trung Quốc cáo buộc là có âm mưu “thách thức ban lãnh đạo đất nước”, một cách diễn giải có thể hiểu là ý đồ đảo chính giành quyền lực.
“Hành vi của họ không chỉ bộc lộ các vấn đề kinh tế trầm trọng, mà cả các vấn đề chính trị nghiêm trọng,” ông Tập cho hay.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc thống kê, chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của Tập Cận Bình đã trừng phạt hơn 1.000.000 quan chức từ các cấp phổ thông, trùng bình đến cấp cao như Bộ trưởng, Chủ tịch, Bí thư các tỉnh thành… bao gồm hai cựu Phó chủ tịch Quân ủy trung ương là Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng.
Theo The Guardian, bên cạnh vai trò làm trong sạch bộ máy chính quyền, hành động chống tham nhũng cũng được giới quan sát cho là cách thức để ông Tập củng cố quyền lực của mình trước các đối thủ, trong bối cảnh chỉ còn không đầy 1 năm trước kỳ chuyển giao ở Đại hội khóa XIX của ĐCSTQ.
“Giống hệ sinh thái tự nhiên, môi trường chính tị cũng dễ bị tổn thương bởi sự ô nhiễm,” Tập Cận Bình viết trên Nhân dân Nhật báo. “Khi các vấn đề trở phát sinh thì chúng ta phải trả giá đắt để đưa nó về tình trạng ban đầu.”
Các quy định mới của Trung Nam Hải sau Hội nghị trung ương 6 đã siết chặt kiểm soát về tư tưởng và kêu gọi các đảng viên ĐCSTQ không hành động hoặc phát ngôn ngược lại với ban lãnh đạo.
“Các đảng viên không nên thực hiện, tham gia vào các tuyên bố đi ngược lại lý luận, đường lối, nguyên tắc, chính sách và các quyết định của đảng,” truyền thông nhà nước Trung Quốc nói.
Tuy vậy, The Guardian cho hay, các quy định mới cũng chưa đáp lại yêu cầu về sự minh bạch như công khai tài sản của các lãnh đạo Trung Quốc.