BienDong.Net: Căng thẳng trong quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc đang có dấu hiệu leo thang trở lại kể từ tháng 9/2013.
Trong những tuần gần đây, các cuộc khẩu chiến giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã đột ngột gia tăng cả về cấp độ lẫn cường độ làm cho tình hình biển Hoa Đông thêm căng thẳng.Ngày 10/9/2013, Trung Quốc tuyên bố sẽ không dung thứ cho bất kỳ hành động khiêu khích nào, trong khi chính phủ Nhật Bản cho biết có thể sẽ đưa các nhân viên chính phủ tới làm việc tại quần đảo tranh chấp nhằm bảo vệ chủ quyền của mình; cùng ngày Trung Quốc đã đưa 7 tàu tuần tra tiến vào vùng biển mà phía Nhật Bản cho rằng đó là lãnh hải của mình (kể từ khi Tokyo tuyên bố quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tháng 9 năm 2012, Bắc Kinh liên tục triển khai tàu chiến, tuần tra cũng như hải giám tới khu vực này). Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã triệu đại sứ Trung Quốc tại Tokyo tới để phản đối trước sự hiện diện của tàu Trung Quốc tại vùng lãnh hải của Nhật Bản. Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga tuyên bố nước này lấy làm tiếc khi các tàu của Trung Quốc tiếp tục ra vào tại vùng lãnh hải của Nhật Bản và chính phủ Nhật Bản đang tiến hành các phản ứng kiên quyết, song bình tĩnh nhằm bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải và không phận của nước này. Ông Suga khẳng định Nhật Bản sẽ không bao giờ nhượng bộ về vấn đề chủ quyền, thậm chí có thể đưa các nhân viên chính phủ đến làm việc trên các đảo tranh chấp. Đáp lại, ông Hồng Lỗi tuyên bố: “Trung Quốc quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia của mình và cam kết đối thoại nhằm giải quyết các vấn đề liên quan. Các tàu tuần tra của Trung Quốc tại vùng biển thuộc đảo Điếu Ngư là một hoạt động tuần tra thường xuyên nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia của chúng tôi”.
Ngày 01/10/2013, phát biểu tại cuộc họp báo công bố danh sách nội các mới, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda một lần nữa khẳng định không có tranh chấp ở quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông.
Ngày 23/10/2013, bốn tàu hải giám của Trung Quốc tiếp tục xuất hiện tại vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết, tàu Trung Quốc đi vào vùng biển tiếp giáp đảo Uotsuri, đảo lớn nhất trong chuỗi đảo Senkaku/Điếu Ngư và lưu lại khu vực này trong khoảng 15 phút. Đây là ngày thứ tư liên tiếp tàu Trung Quốc xuất hiện tại khu vực này.
Đặc biệt, trong 2 ngày 25 và 26/10/2013, 4 máy bay Trung Quốc, gồm hai máy bay cảnh báo sớm Y8 và hai máy bay ném bom H6 bay lượn lờ trên vùng trời giữa đảo chính Okinawa. Ngay sau khi phát hiện, Nhật Bản điều các chiến đấu cơ đến khu vực này để giám sát và ngăn chặn máy bay của Trung Quốc. Phản pháo lại động thái của Tokyo, Bắc Kinh tiếp tục điều 4 tàu cảnh sát biển của Trung Quốc đến khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết, họ phát hiện đội tàu đang trên đường tiếp cận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư lúc 10h sáng 28/10/2013.
Đài NHK của Nhật dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nhật Bản khẳng định nếu máy bay không người lái của quân đội Trung Quốc “xâm phạm không phận Nhật Bản”, tạo tình thế uy hiếp an ninh quốc gia của nước này, phía Nhật Bản sẽ cân nhắc việc bắn rơi máy bay không người lái của Trung Quốc. Theo hãng tin AFP của Pháp, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bật đèn xanh cho kế hoạch bắn hạ bất cứ máy bay không người lái nào không tuân theo các cảnh báo phải rời khỏi không phận Nhật Bản.
Ngay lập tức, Trung Quốc đã phản ứng rất quyết liệt. Hôm 26/10/2013, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh đã lớn tiếng đe doạ: “Chúng tôi nhấn mạnh với các bên liên quan rằng không nên đánh giá thấp quyết tâm mạnh mẽ của quân đội Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Nếu Nhật Bản có các hành động mang tính áp đặt như bắn hạ máy bay như những gì họ đã nói, (chúng tôi sẽ coi) đó là hành vi khiêu khích nghiêm trọng, một hành động có thể châm ngòi chiến tranh, và Trung Quốc sẽ đáp trả quyết liệt. Bên khiêu chiến sẽ phải chịu mọi hệ lụy của hành vi này”. Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh nhằm phản ứng với thông tin cho rằng Nhật Bản đã soạn thảo kế hoạch bắn hạ máy bay không người lái nước ngoài xâm phạm không phận nước mình nếu các máy bay này phớt lờ cảnh báo của Nhật Bản.
Phản ứng trước lời đe dọa của Bắc Kinh, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cảnh báo Bắc Kinh không nên sử dụng vũ lực để thay đổi cán cân quyền lực khu vực. Giữa lúc căng thẳng Trung – Nhật xung quanh vấn đề biển đảo gia tăng, ngày 27/10/2013 cuộc diễu binh thường niên của quân đội Nhật đã diễn ra tại trại huấn luyện Asaka, ngoại ô thủ đô Tokyo, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Gần 4.000 binh sĩ và hơn 50 máy bay tham gia sự kiện, vốn được tổ chức trong bối cảnh căng thẳng leo thang trong khu vực vì một số nhóm đảo tranh chấp. Phát biểu tại cuộc diễu binh, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh tình hình an ninh quốc gia đang ngày càng nghiêm trọng do những đe dọa đối với chủ quyền Nhật Bản, đồng thời tuyên bố Nhật Bản sẽ không tha thứ cho việc sử dụng vũ lực để thay đổi hiện trạng khu vực. “Thay đổi hiện trạng” là một thuật ngữ mà các nhà chính trị và các chuyên gia an ninh Nhật Bản thường dùng để ám chỉ gián tiếp đến những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông và biển Hoa Đông. Ông Abe nói: “Chúng ta thể hiện rõ quan điểm rằng chúng ta là một quốc gia không chấp nhận thay đổi trật tự thế giới thông qua vũ lực. Chúng ta sẽ sử dụng tất cả các biện pháp như do thám và tình báo để phục vụ quan điểm đó”.
Trước đó, ngày 26/10/2013, trong một cuộc phỏng vấn với tờ Wall Street Journal Thủ tướng Shinzo Abe hùng hồn tuyên bố: “Nhật Bản sẵn sàng ứng chiến với Trung Quốc trong trường hợp phải viện đến vũ lực để theo đuổi các lợi ích địa chính trị. Tôi nhận ra rằng, Nhật Bản sẽ phát huy vai trò lãnh đạo không chỉ trên mặt trận kinh tế, mà còn trong các lĩnh vực an ninh tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”. Thủ tướng Nhật cho rằng, Nhật Bản đã quá hướng nội trong suốt 15 năm qua nhưng khi khôi phục được sức mạnh kinh tế “Nhật Bản muốn đóng góp nhiều hơn nữa để góp phần xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”. Theo Wall Street Journal, Thủ tướng Abe cảnh báo: “Có nhiều quan ngại cho rằng, Trung Quốc đang cố thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, chứ không phải bằng pháp chế. Nếu Bắc Kinh quyết chọn lấy con đường đó, họ sẽ không thể phát triển yên ổn”; đồng thời, khẳng định: Nhật Bản sẽ “góp sức” trong việc chống lại Trung Quốc ở Châu Á”.
Ngày 29/10/2013, phát biểu với phóng viên, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera tuyên bố các hành vi của Trung Quốc đang huỷ hoại hoà bình khu vực. Ông nói: “Tôi tin những vụ xâm phạm của Trung Quốc vào vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư rơi vào vùng xám giữa thời bình và tình trạng khẩn cấp”.
Một số chuyên gia cho rằng, thời gian gần đây Trung Quốc đang ra sức ve vãn các nước Đông Nam Á, vận động các nước này ủng hộ chủ trương của Trung Quốc ở Biển Đông và tình hình Biển Đông có lắng dịu hơn. Tuy nhiên, ở khu vực biển Hoa Đông, Trung Quốc lại triển khai nhiều hoạt động gây hấn vừa để răn đe Nhật vừa để thử phản ứng của Mỹ trong quan hệ đồng minh với Nhật Bản. Mặt khác, Nhật Bản được coi là vật cản lớn nhất để Trung Quốc bành trướng ra hướng Đông. Để thực hiện mục tiêu xây dựng “cường quốc biển” mà Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra, Trung Quốc cần khống chế biển Hoa Đông, tạo bàn đạp cho Trung Quốc vươn ra biển xa.
Mặc dù các cuộc khẩu chiến giữa Nhật Bản và Trung Quốc đang diễn ra hết sức căng thẳng và nguy cơ xảy ra xung đột quân sự giữa hai nước đang gia tăng nhưng theo các chuyên gia phân tích, cả Tokyo và Bắc Kinh đều chưa sẵn sàng lao vào một cuộc chiến tổng lực do lo ngại về hậu quả của một cuộc chiến như vậy đối với nền kinh tế. Hơn thế nữa, Nhật Bản là đồng minh của Mỹ, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trong phạm vi Hiệp ước an ninh Mỹ – Nhật và Mỹ có trách nhiệm bảo vệ nếu xung đột quân sự xảy ra. Trong cuộc thảo luận 2+2 tại Tokyo giữa Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida và Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera cùng những người đồng cấp Mỹ John Kerry và Chuck Hagel đầu tháng 10/2013, Nhật Bản và Mỹ đã đạt được thoả thuận về việc 2 nước sẽ phối hợp triển khai máy bay giám sát nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư từ đầu năm tới.
BDN