Friday, November 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBÀN VỀ KHẢ NĂNG HỢP TÁC CÙNG PHÁT TRIỂN Ở BIỂN ĐÔNG

BÀN VỀ KHẢ NĂNG HỢP TÁC CÙNG PHÁT TRIỂN Ở BIỂN ĐÔNG

BienDong.Net: Gần đây, cùng với việc Lãnh đạo Trung Quốc (ông Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường) đi các nước Đông Nam Á để vận động cho việc triển khai “cùng khai thác” ở Biển Đông, truyền thông Trung Quốc tuyên truyền rầm rộ về chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác”, cho rằng đây là “lựa chọn duy nhất” để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.

Nhưng cái gọi là “cùng khai thác” theo cách của Trung Quốc không phải là ở những khu vực biển chồng lấn được xác định theo quy định của luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 mà Trung Quốc đòi khai thác chung trong vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa của các nước láng giềng. Điều này thì không có một quốc gia nào có thể chấp nhận được.

Chẳng hạn như vào tháng 6/2012, Trung Quốc công bố mời thầu quốc tế 9 lô dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam nhằm biến khu vực không tranh chấp hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam để rồi đòi “cùng khai thác”. Cộng đồng quốc tế đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc làm này của Trung Quốc; các tập đoàn dầu khí quốc tế hết sức bất bình và tẩy chay lời mời thầu bất hợp pháp của Trung Quốc.

“Khai thác chung” không phải là vấn đề gì mới, việc các bên liên quan đến tranh chấp có thể tiến hành “khai thác chung” ở những vùng biển chồng lần như một dàn xếp tạm thời mang tính thực tiễn đã được khuyến nghị trong Điều 74 và Điều 83 của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Trong thực tiễn quốc tế đã có nhiều khu vực được các nước tiến hành “khai thác chung” trên các lĩnh vực khai thác dầu khí, hợp tác về nghề cá. Tuy nhiên, các khu vực “khai thác chung” giữa các nước đều nằm ở các khu vực biển chồng lấn được xác định theo các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Ngay ở Biển Đông cũng đã có những tiền lệ về “khai thác chung” giữa Việt Nam và Malaysia ở khu vực biển chồng lấn giữa 2 nước và được triển khai khá hiệu quả. Như vậy, có thể thấy nếu khai thác chung được tiến hành phù hợp với các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 thì nó có thể giúp các bên liên quan xây dựng lòng tin, tạo cơ sở cho việc giải quyết hoà bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Do vậy, để có thể tiến hành “khai thác chung” giữa Trung Quốc và các nước láng giềng ven Biển Đông, trước hết Trung Quốc cần phải có cách tiếp cận mới, tư duy mới theo hướng tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 mà Trung Quốc là một thành viên. Trung Quốc cần từ bỏ yêu sách “đường lưỡi bò ở Biển Đông. Nếu không có cách tiếp cận thực tế đối với vấn đề “cùng khai thác” ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhà cầm quyền Bắc Kinh không những không đạt được việc “cùng khai thác” với các nước láng giềng ven Biển Đông mà còn làm gia tăng sự nghi kỵ, lo ngại đối với Trung Quốc trên các vấn đề liên quan ở Biển Đông. Việc Philippines khởi kiện Trung Quốc ra Toà Trọng tài quốc tế là sự thể hiện rõ nhất sự bất bình mạnh mẽ nhất đối với chính sách cứng rắn của Trung Quốc ở Biển Đông và phản ứng mới đây nhất của Malaysia trong việc thiết lập căn cứ quân sự mới gần bãi Tăng Mẫu là một ví dụ khác về sự lo ngại của các nước ven Biển Đông trước những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian qua. Nếu theo dõi kỹ chuyến thăm Malaysia của Thủ tướng Lý Khắc Cường tháng 10 vừa qua thì thấy rõ chủ trương “cùng khai thác” hoàn toàn không được nước này chấp nhận.

Đối với Việt Nam, Tuyên bố chung nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Lý Khắc Cường có đề cập việc thành lập Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển (theo cách gọi của Trung Quốc là “cùng khai thác”) ở Biển Đông trong khuôn khổ đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam – Trung Quốc. Bài viết này phân tích về khả năng “cùng khai thác” giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Sau khi ký kết Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ năm 2000, giữa Việt Nam và Trung Quốc còn có vùng biển chồng lấn ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ tính từ bờ biển miền Trung Việt Nam và bờ biển đảo Hải Nam Trung Quốc. Việt Nam và Trung Quốc đang có diễn đàn đàm phán về khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, theo thông tin từ Hà Nội hai bên đã tiến hành được 4 vòng đàm phán về phân định khu vực Ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và bàn về hợp tác cùng phát triển. Nếu Trung Quốc tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 và vận dụng một cách nghiêm túc các thực tiễn quốc tế trong phân định và hợp tác cùng phát triển ở khu vực chồng lấn thì hai bên hoàn toàn có thể tìm ra một vùng biển chồng lấn ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ để hợp tác cùng phát triển.

Thứ hai là khu vực quần đảo Hoàng Sa, giữa Việt Nam và Trung Quốc có bất đồng về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa do Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo này năm 1974. Thời gian gần đây, Trung Quốc liên tiếp tiến hành trấn áp, truy đuổi các tàu cá và ngư dân Việt Nam ở khu vực này. Nếu thực sự có thiện chí hợp tác, Trung Quốc cần trao đổi với Việt Nam về việc có thể “gác tranh chấp, cùng khai thác” tại khu vực quần đảo Hoàng Sa. Trước hết, hai bên có thể bàn bạc về hợp tác trong xử lý vấn đề tàu cá ngư dân hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa; tiếp theo hai bên có thể bàn về hợp tác khai thác nguồn tài nguyên dầu khí, năng lượng ở khu vực này. Do đang chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa nên Trung Quốc coi Hoàng Sa là của Trung Quốc, không chấp nhận đàm phán về Hoàng Sa. Tuy nhiên, Việt Nam cần tận dụng Nhóm công tác bàn về hợp tác cùng phát triển kiên trì yêu cầu Trung Quốc bàn bạc về khả năng hợp tác cùng phát triển ở khu vực này.

Thứ ba là khu vực quần đảo Trường Sa có tranh chấp giữa 5 nước 6 bên (Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan), trong lúc những bất đồng về chủ quyền chưa được giải quyết, các bên có thể bàn bạc tìm kiếm giải pháp tạm thời về hợp tác cùng phát triển ở khu vực này. Khu vực này là một tranh chấp đa phương, do vậy Việt Nam và Trung Quốc không thể tiến hành “cùng khai thác” song phương mà chỉ có thể tiến hành hợp tác cùng phát triển đa phương giữa các bên liên quan thì mới tạo ra được sự hợp tác cùng phát triển công bằng phù hợp luật pháp quốc tế.

Ngoài ra, giữa Việt Nam và Trung Quốc không còn khu vực tranh chấp nào để có thể hợp tác cùng phát triển. Thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam được xác định theo các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, hoàn toàn không có sự chồng lấn hay tranh chấp với thềm lục địa của Trung Quốc nên không thể “cùng khai thác” với Trung Quốc. Trong đàm phán của Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển Việt Nam – Trung Quốc cần làm rõ vấn đề này.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới