Sunday, December 22, 2024
Trang chủĐiểm tinChuyên gia Mỹ: 'Chúng tôi đã đánh giá thấp người phản đối...

Chuyên gia Mỹ: ‘Chúng tôi đã đánh giá thấp người phản đối Obama’

Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Mỹ năm nay cho thấy nhóm da trắng thất vọng với chính quyền Barack Obama đã trỗi dậy.

Người Mỹ bầu cho Donald Trump vì muốn Mỹ có thay đổi lớn. Ảnh: BBC

Trái với hầu hết các cuộc thăm dò và dự đoán của giới quan sát Mỹ, tỷ phú Trump hôm qua đã giành chiến thắng áp đảo trước đối thủ Hillary Clinton, trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ.

“Tôi cho rằng chúng ta đã đánh giá thấp mức độ người Mỹ không hài lòng với Tổng thống đương nhiệm Obama, khi ông là hiện thân của mối đe dọa với đặc quyền của người da trắng trong xã hội”, Phó giáo sư Dan Cassino, Đại học Fairleigh Dickinson, Mỹ, chia sẻ với VnExpress về kết quả bầu cử.

Theo chuyên gia Cassino, những người bỏ phiếu cho ông Trump cảm thấy bị hăm dọa bởi sự chuyển động của xã hội khỏi điều mà người da trắng đang chiếm ưu thế. Do đó, họ đã đi bỏ phiếu với số lượng mà không ai lường trước.Và Trump là kết quả của việc đó.

Kết quả bầu cử có thể được xem là một phản ứng với Tổng thống Obama. Ông Obama đại diện cho mối đe dọa lớn lao với ưu thế của người da trắng ở Mỹ. Phụ nữ đang được trọng vọng hơn, người gốc Latinh cũng có nhiều cơ hội hơn, thậm chí cả những người đồng tính cũng bắt đầu có những quyền lợi ngang bằng và có chỗ đứng trong xã hội. Thực tế là việc Mỹ bầu một tổng thống da màu là mối đe dọa lớn hơn với vị trí thống trị của người da trắng.

“Những gì xảy ra vào ngày bầu cử 8/11 là dấu hiệu của một sự phản ứng dữ dội của người da trắng với những thay đổi này trong xã hội Mỹ. Nó từng được coi là cơn thở hắt ra cuối cùng, trước những thay đổi về nhân khẩu học khiến cuộc chạy đua của Trump khó thành hiện thực. Tuy nhiên kết quả lại cho thấy họ vẫn là một lực lượng có vai trò đáng kể”, ông Cassino nhận định.

Phân tích thêm về nhóm bỏ phiếu cho ông Trump, ông Cassino cho biết phần lớn họ là người da trắng, đặc biệt là những người không tốt nghiệp đại học. Đây là nhóm bị chính quyền của cả hai đảng phớt lờ trong nhiều năm. Vấn đề nhập cư và thương mại mang lại lợi ích cho xã hội và nền kinh tế nói chung, nhưng luôn có những người chiến thắng và kẻ thất bại. Xã hội thực sự đã tốt đẹp lên nhờ các thỏa thuận thương mại tự do hoặc nhờ những đóng góp của người nhập cư, nhưng nó không tạo nên sự thay đổi cho các cá nhân bị mất việc làm hoặc mất địa vị của họ trong xã hội, là hệ quả của những thay đổi đó. 

Theo ông Cassino, trong vài thập kỷ qua, cả đảng Cộng hòa và Dân chủ đều tập trung vào thực tế là các chính sách như vậy (hỗ trợ nhập cư và thương mại tự do) đều đem lại lợi ích cho xã hội, nhưng không giải quyết mối bất bình của các cá nhân bị tổn thương bởi hai chính sách đó. 

“Trump, hơn bất kỳ ứng viên nào trong lịch sử tranh cử gần đây, đã nói về những quan ngại này. Dù không thực sự có một kế hoạch nào để giải quyết các vấn đề mà người ủng hộ quan tâm, ông lại đang nghiêm túc xem xét những vấn đề này. Những người bị tổn thương, trước đây thường không đi bầu với số lượng lớn, đã xuất hiện trong kỳ bầu cử này”, ông Cassino nói.

Lý giải thêm về những người ủng hộ ông Trump, Tiến sĩ Tim Chambless, chuyên gia chính trị tại Đại học Utah, cho hay phần lớn trong số này muốn thay đổi cả về kinh tế và chính phủ. Trong khi đó, cựu ngoại trưởng Clinton lại được coi là một ứng viên “giữ nguyên trạng”, người không truyền cảm hứng cho cử tri nhiều như ông Trump.

Phó giáo sư Derek Muller, Đại học Pepperdine, cho rằng kết quả bầu cử thể hiện một “lời kêu gọi về thay đổi mạnh mẽ từ một kẻ ngoại đạo”, đó là ông Trump.

Chưa rõ trông đợi gì

Giáo sư Judd Thornton, chuyên gia tại Đại học bang Georgia, cho biết việc ông Trump giành chiến thắng ở nhiều bang chủ chốt, khác hẳn với các khảo sát trước đó, cần có thời gian để tìm hiểu chính xác nguyên nhân.

“Liệu khảo sát có sai? Có một đợt tăng đột ngột phiếu ủng hộ ông vào sát giờ kiểm phiếu? Hoặc điều gì đó hoàn toàn khác. Vẫn còn quá sớm để kết luận”, ông Thornton nói.

Phó giáo sư Cassino cho rằng việc dự đoán sai chứng tỏ có sự thất bại mang tính hệ thống với khu vực làm khảo sát của Mỹ. Việc thực hiện khảo sát đang trở nên khó khăn hơn rất nhiều, có ít người Mỹ sẵn sàng nhấc điện thoại lên để trả lời câu hỏi, nhưng không có ai nghĩ rằng khảo sát lại “thảm bại” đến mức này.

“Rất nhiều người Mỹ, giống như người dân trên khắp thế giới, đã bị toàn cầu hóa bỏ lại phía sau, theo cách mà xã hội đã chuyển động”, ông Cassino nói

Trả lời câu hỏi “trông đợi gì từ tân tổng thống”, Giáo sư Thornton cho biết khó mà biết điều có thể trông đợi từ ông Trump vì tân tổng thống chưa từng tham gia hoạt động chính trị. “Liệu mọi người có thể tin ông ấy thực hiện các chính sách như ông đã nêu ra trong chiến dịch tranh cử? Liệu các thành viên đảng Cộng hòa ở Quốc hội sẽ đồng tình với các chính sách này? Liệu ông ấy có nỗ lực đoàn kết người dân?”, Giáo sư cho rằng đây là những câu hỏi chưa có lời giải đáp. 

Chuyên gia này lưu ý tỷ phú Trump giành chiến thắng nhờ phiếu đại cử tri, có thể ông không giành được nhiều phiếu phổ thông hoặc chỉ giành được với tỷ lệ chênh lệch nhỏ so với lượng ủng hộ đối thủ Hillary Clinton, ám chỉ ông Trump không được nhiều người Mỹ yêu thích.

“Nghi vấn lớn nhất là ngôn ngữ ‘kinh khủng’ của Trump tác động đối với các nhóm người chiếm đa số ở Mỹ, với người nhập cư và những nhóm khác. Chúng ta không biết nó có ý nghĩa gì khi một người nói ra những lời đó trở thành tổng thống, vì điều đó chưa bao giờ xảy ra”, ông Thornton nói.

Về quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh trên khắp thế giới, Giáo sư Thornton vẫn chưa rõ ông Trump có xem xét lại một cách nghiêm túc các mối quan hệ. Thông thường các tổng tống Mỹ cố gắng giữ lời hứa của mình nhưng lời hứa chỉ là lời hứa.

Trong khi ông Chambless tỏ ra khá bi quan về việc tân tổng thống Trump có thể thay đổi chính sách so với những gì ông nói và cách hành xử trong chiến dịch tranh cử, ông Muller lại đưa ra một “tia sáng” khác, đó là sự can thiệp của Quốc hội Mỹ vào các quyết sách của tổng thống.

“Tất nhiên tôi trông đợi ông Trump sẽ vận hành chính phủ khác với những gì ông tuyên bố, nhưng ông đã nhiều lần nhấn mạnh ông không ràng buộc với những lợi ích ảnh hưởng tới việc quản trị Washington hoặc các đảng phái chính trị. Điều đó có nghĩa là ông sẽ phải làm việc với Quốc hội để hoàn thành chương trình nghị sự của mình, việc theo dõi ông chọn các thành viên Quốc hội để hợp tác trong những tuần tới là điều rất thú vị”, ông Muller nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới