Friday, January 10, 2025
Trang chủĐàm luậnBiển Đông và châu Á-Thái Bình dương dưới “vương triều Trump” (Phần...

Biển Đông và châu Á-Thái Bình dương dưới “vương triều Trump” (Phần 1)

Không chỉ người dân và giới truyền thông Mỹ ngạc nhiên, mà nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới cũng thực sự lo lắng, bồn chồn sau khi ông Donald Trump trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Bởi trong cương lĩnh tranh cử, cũng như những tuyên bố sau đắc cử của nhà tỷ phú này cho thấy, ông Donald Trump sẽ có những quyết sách mang tính bất ngờ và khó lường.Vì ông Donald Trump là nhà kinh doanh, từng đệ đơn phá sản tới 4 lần và khẩu hiệu vận động tranh cử của tân Tổng thống là “Make America Great Again” – Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại. Do đó, tình hình Biển Đông cũng như châu Á-Thái Bình dương trong thời gian tới ra sao là mối quan tâm của nhiều người.

 

 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Kỳ I: Những tuyên bố của ông Donald Trump

Ngày 10-11, USNI – cổng thông tin điện tử của Viện Hải quân Mỹ đã tập hợp những phát biểu của ông Donald Trump để tìm hiểu quan điểm của tân Tổng thống về vấn đề quốc phòng-an ninh. Ông Donald Trump từng tuyên bố, lịch sử cho thấy, khi nào Mỹ không được chuẩn bị là khi đó nguy hiểm nhất. Và tôi muốn ngăn chặn, tránh và ngăn ngừa xung đột thông qua sức mạnh quân sự của Mỹ. Heritage Foundation dẫn lời ông Donald Trump cho biết, Mỹ sẽ tăng lực lượng thủy quân lục chiến từ 24 tiểu đoàn lên 36 tiểu đoàn; và hải quân Mỹ có 350 tàu chiến hiện đại so với mức 308 chiếc. Hải quân Mỹ còn phải được tăng cường lực lượng phòng thủ tên lửa đạn đạo, hiện đại hóa 22 tàu tuần dương giữ vai trò nền tảng phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu, châu Á và Trung Đông. Ngoài ra, ông Donald Trump còn muốn mua tàu khu trục hiện đại để bổ sung cho hải quân.

Hạ nghị sĩ Randy Forbes, Chủ tịch Tiểu ban Sức mạnh và quyền lực biển trong Ủy ban Các vấn đề quân sự Hạ viện Mỹ từ năm 2012, là ứng cử viên hàng đầu có thể trở thành nhà lãnh đạo lực lượng Hải quân sắp tới. Do đó, quan điểm của ông Randy Forbes được giới chuyên môn quan tâm. Ông Randy Forbes từng rằng, quân đội Mỹ phải có một tư thế tích cực hơn ở Biển Đông và bày tỏ sự quan tâm sâu sắc tới sự phát triển của hải quân và năng lực quân sự Mỹ ở Biển Đông. Năm ngoái, Hạ nghị sĩ Randy Forbes và gần 30 thành viên của Hạ viện đã ký một lá thư gửi Tổng thống và Bộ trưởng Quốc phòng, kêu gọi họ thể hiện lập trường mạnh mẽ hơn ở Biển Đông. Theo ông Randy Forbes, Bắc Kinh đang đòi gần như toàn bộ Biển Đông và lực lượng quân sự và bán quân sự của Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chiến dịch gây hấn, tăng cường sự hiện diện và hoạt động của họ trong khu vực nhằm kiểm soát khu vực quan trọng này. Ngoài ra, ông Randy Forbes còn cảnh báo, ông Tập Cận Bình có thể coi mấy tháng cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama là cơ hội để thiết lập ADIZ ở Biển Đông, bồi đắp đảo nhân tạo ở bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Ông Randy Forbes cũng kêu gọi, Mỹ cần tăng số lượng tàu chiến, tàu ngầm và tàu đổ bộ, nâng cấp hệ thống vũ khí và bổ sung các thiết bị không người lái. Đồng thời thúc đẩy thông qua khoản ngân sách cho 10 tàu chiến mới thay vì 7 tàu theo đề xuất của chính quyền Obama trong năm tài chính 2017.

Một nhà báo ghi lại hình ảnh ông Donald trong cuộc tranh luận với bà Hillary Clinton

Nhiều người cho rằng, chiến thắng của ông Donald Trump có thể làm đảo lộn trật tự thế giới. Và chi tiêu quân sự của Mỹ có thể đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2017 bởi ông Donald Trump từng cam kết, tăng cường an ninh quốc phòng. Quan điểm của ông Donald Trump khá giống với cố Tổng thống Ronald Reagan – dùng chi tiêu quốc phòng để kích thích nền kinh tế. Ủy ban Khảo cứu Quốc hội Mỹ (CRS) cho rằng, Mỹ sẽ cần thêm 11 tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Virginia với tổng trị giá hơn 22 tỷ USD. Và những nghị sỹ diều hâu trong Quốc hội sẽ gây áp lực để ông Donald Trump ủng hộ vấn đề này. Theo nhận định của Forbes, ngân sách quốc phòng của Mỹ sẽ chứng kiến mức tăng đột biến trong những năm tới, có thể đạt 1.000 tỷ USD/năm, so với mức 597 tỷ của năm 2016.

“Trung Quốc không phải bạn, họ coi ta như kẻ thù. Tốt hơn là Washington nên tỉnh ra thật nhanh, vì Trung Quốc đang cướp công ăn việc làm, phá hủy ngành công nghiệp chế tạo, ăn trộm công nghệ và năng lực quân sự của Mỹ với tốc độ âm thanh. Nếu Mỹ không sớm khôn lên, tổn thất sẽ không thể vãn hồi”, ông Donald Trump tuyên bố khi tranh cử. Trong cuốn “Donald Trump – Đã đến lúc phải cứng rắn”, tân Tổng thống từng cảnh báo, Mỹ phải đối mặt với 3 mối đe dọa lớn từ Trung Quốc – thao túng tiền tệ; nỗ lực phá hủy nền tảng sản xuất một cách có hệ thống; gián điệp công nghiệp và chiến tranh mạng. Từ năm 2001 đến năm 2008, Mỹ đã mất 2,4 triệu việc làm vào tay Trung Quốc. Chỉ tính riêng sự mất cân bằng thương mại, cứ 3 năm Trung Quốc lại gửi ngân hàng gần 1.000 tỷ USD của Mỹ. Trung Quốc có hơn 3.000 tỷ USD ở ngân hàng dự trữ nước ngoài, số tiền đủ để Bắc Kinh mua cổ phần chi phối mọi công ty lớn nằm trong danh sách chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones (như Alcoa, Caterpillar, Exxon Mobil, hay Walmart) và vẫn dư hàng tỷ USD trong ngân hàng. Dự kiến, đến năm 2027, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Mặc dù ăn nói bốc đồng, khinh miệt mọi giới, sàm sỡ phụ nữ, bỗ bã tấn công các đối thủ cùng đảng Cộng hòa hay bất cứ ai có quan điểm chống lại, nhưng ông Donald Trump vẫn đánh bại 16 ứng cử viên của đảng Cộng hòa. Tuy hàng trăm lãnh đạo cao cấp của đảng Cộng hòa tuyên bố sẽ bỏ phiếu cho bà Hillary Clinton, như cựu Ngoại trưởng Colin Powell, thậm chí hơn 360 nhà kinh tế, tài chính danh tiếng kêu gọi cử tri không bỏ phiếu cho ông Donald Trump, nhưng nhà tỷ phú này vẫn giành chiến thắng cách biệt so với nữ cựu Ngoại trưởng. Điều đáng nói là chi phí cho mỗi phiếu bầu của ông Donald Trump là 4,57 USD, bằng gần một nửa so với bà Hillary Clinton, và chỉ hơn 40% của Tổng thống Barack Obama hồi năm 2012. Điều quan trọng nhất là đa số cử tri muốn thay đổi nước Mỹ và đó là mong muốn của những cử tri được coi là “đa số thầm lặng”

(Còn tiếp)

RELATED ARTICLES

Tin mới