BienDong.Net: Ngày 17.11, tại xã Hàm Ninh, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã tổ chức khởi công tuyến cáp ngầm xuyên biển đầu tiên đưa điện từ thị xã Hà Tiên ra đảo Phú Quốc, hòn đảo lớn nhất Việt Nam đang được chọn để xây thành một đặc khu kinh tế quan trọng của cả nước.
Đây là dự án cáp ngầm xuyên biển đầu tiên tại Việt Nam và cũng là dự án cáp ngầm xuyên biển dài nhất Đông Nam Á, sẽ được thực hiện tại vùng biển xã Hàm Ninh (Phú Quốc), sau đó kéo vào bờ biển Hà Tiên, tại xã Thuận Yên. Toàn bộ chiều dài của tuyến cáp là 58 km và dự kiến, ngày 11.1.2014, hoàn thành công tác lắp đặt cáp.Vị trí kéo cáp điện từ biển vào đất liền tại xã Hàm Ninh, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang
Được biết, tổng mức đầu tư toàn bộ dự án là 2.336 tỷ đồng, sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới, kết hợp với vốn đối ứng của trong nước của Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC). Cáp ngầm 110kV loại cáp một sợi 3 lõi, dài 57,33 km, tiết diện 3×630 mm2, khả năng tải tối đa 131MVA.
Về kỹ thuật để rải cáp điện dưới đáy biển, nhà thầu thống nhất chọn phương pháp rải và chôn cáp đồng thời. Phương pháp này có ưu điểm là giảm thiểu hư hỏng cáp ngầm, tuy nhiên chi phí đầu tư cao do công nghệ phức tạp.
Phú Quốc hiện vẫn phải sử dụng nguồn điện diesel sản xuất trên đảo với giá thành cao gấp từ 3 đến 16 lần so với giá điện trên đất liền.
Ngoài việc cung cấp điện cho các nhu cầu hiện tại, dự án này còn cấp mới cho các phụ tải quan trọng như: Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, cảng biển quốc tế An Thới, cảng nội địa Dương Đông, cấp điện cho nhân dân các xã Gành Dầu, Bãi Thơm và nhiều khu vực khác chưa có điện, cũng như phục vụ sản xuất, kinh doanh và dịch vụ du lịch.
Dự án này là tiền đề quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế – xã hội, tạo cú hích để Phú Quốc nhanh chóng trở thành một đặc khu kinh tế quan trọng và là khu du lịch sinh thái chất lượng cao của cả nước.
Bờ biển Phú Quốc năm 2013 còn mang vẻ đẹp hoang sơ (Ảnh BienDong.Net)
Công ty Prysmian Powerlink của Italy là nhà thầu chính thi công tuyến cáp ngầm này với phương pháp rải và chôn cáp đồng thời.
Theo kế hoạch, nhà thầu Prysmian sẽ hoàn tất thi công lắp đặt cáp ngầm vào ngày 11.1.2014 và có thể đóng điện đưa dự án vào vận hành trước Tết Giáp Ngọ 2014, vượt 6 tháng so với kế hoạch.
Năm 2020 Phú Quốc Sẽ trở thành đặc khu hành chính – kinh tế trực thuộc trung ương?
Thời gian gần đây tỉnh Kiên Giang đang triển khai song song đề án nâng cấp Phú Quốc lên đô thị loại 2 để thành lập TP Phú Quốc trực thuộc tỉnh Kiên Giang vào năm 2015 và đề án thành lập đặc khu hành chính – kinh tế Phú Quốc trực thuộc trung ương năm 2020 với các cơ chế, chính sách đặc thù phải “vượt lên” hệ thống cơ chế, chính sách của cả nước.
Phú Quốc là huyện đảo lớn nhất Việt Nam, có diện tích 593 km2, dân số 103.000 người, có khí hậu thuận lợi, thiên nhiên đa dạng, thích hợp cho việc phát triển kinh tế biển, nhất là phát triển loại hình du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng. Ngoài ra hòn đảo có diện tích xấp xỉ Singapore này còn có lợi thế cửa ngõ hàng hải quốc tế quan trọng để giao thương với khu vực và thế giới.
Mục tiêu, theo các nhà hoạch định dự án là xây dựng Phú Quốc “trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, trung tâm công nghệ, tài chính thương mại, trung tâm giải trí, giao thương quốc tế lớn và hiện đại của khu vực và quốc tế”.
Điểm nổi bật của Đề án này là thiết lập mô hình tổ chức chính quyền năng động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm và được áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù trong xây dựng, đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế, du lịch, giáo dục…
Theo Đề án, Đặc khu Phú Quốc có 2 cấp hành chính là cấp đặc khu (có HĐND và UBND) và cấp phường (chỉ có Ủy ban hành chính). Đồng thời đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển nguồn nhân lực, xuất nhập cảnh, cư trú, đầu tư, quản lý sử dụng đất, thuế, giữ lại 100% số thu ngân sách trên địa bàn để đầu tư kết cấu hạ tầng.
Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng những cơ chế, chính sách mà Đề án đề cập là ở mức cao nhất hiện đang áp dụng cho các địa bàn trên cả nước.
Tuy nhiên, để tạo “sức bật” cho Phú Quốc, các chuyên gia cho rằng các cơ chế, chính sách đặc thù phải “vượt lên” hệ thống cơ chế, chính sách của cả nước.
Cụ thể, Trung ương tạm ứng cho Phú Quốc một khoản vốn nhất định để trưng mua đất nông nghiệp của người dân, sau đó công khai đấu giá từng lô đất khi đã có quy hoạch sử dụng đất. Từ đó phần thu về cho ngân sách Đặc khu được tính toán theo cơ chế 3 bên (Đặc khu, người dân và doanh nghiệp) cùng có lợi.
Ngoài ra cần áp dụng thể chế “sở hữu bất động sản có thời hạn” ở Đặc khu, không phân biệt kiến trúc trên đất và đất. Cơ chế này sẽ xác lập quyền tài sản cho nhà đầu tư có thể thế chấp vay vốn và tạo thanh khoản cho thị trường bất động sản.
Cho phép Đặc khu Phú Quốc mở casino
TS. Lê Xuân Bá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng Phú Quốc có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nên ngoài đề xuất cơ chế, chính sách liên quan thu hút đầu tư thì phải có thêm các chính sách thu hút khách du lịch, đang dạng hóa các sản phẩm du lịch.
Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Nguyễn Văn Thành đề nghị cần cho phép đặc khu Phú Quốc được kinh doanh dịch vụ casino gắn với du lịch, nghỉ dưỡng để thu hút khách du lịch.
Về tổ chức chính quyền, TS. Nguyễn Minh Phương (Viện Khoa học tổ chức Nhà nước, Bộ Nội vụ) cho rằng cần thực hiện thí điểm chế độ Thủ trưởng hành chính nhằm nâng cao trách nhiệm người đứng đầu và giải quyết kịp thời các công việc phát sinh trên địa bàn.
Tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Đặc khu được TS. Trần Du Lịch gợi ý cần làm rõ ở một số nội dung: Thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, thẩm quyền tài chính công (thu, chi ngân sách Trung ương theo cơ chế ủy nhiệm, chịu sự giám sát của Trung ương; ngân sách địa phương thì tự chủ – tự chi và tự chịu trách nhiệm), thẩm quyền tự chủ bộ máy tổ chức và nhân sự…
BDN (tổng hợp theo các báo quốc nội)