Tuesday, December 24, 2024
Trang chủBiển nóngBản tin Biển Đông ngày 17/11

Bản tin Biển Đông ngày 17/11

Bản tin Biển Đông ngày 17/11/2016.

1) Uỷ ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ – Trung Quốc: Cần tiến hành thăm dò khả năng Trung Quốc tìm cách dùng quân sự để kìm hãm Mỹ

Ngày 16/11, hãng ReutersSputnik News đưa tin:

Ngày 16/11, Uỷ ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ – Trung Quốc đã đưa ra báo cáo thường niên chỉ ra nguy cơ ngày càng lớn từ hoạt động do thám của Trung Quốc đối với an ninh quốc gia của Mỹ, cảnh báo tiềm lực quân sự đang gia tăng của Trung Quốc có thể thúc đẩy khả năng nước này sẽ sử dụng vũ lực để theo đuổi các lợi ích của mình. Đồng thời, Uỷ ban cũng kêu gọi chính phủ tiến hành thăm dò những cách thức mà Trung Quốc sử dụng để làm suy yếu ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ. Theo báo cáo đánh giá, những kế hoạch gần đây trên các đảo nhân tạo được bồi đắp trái phép của Trung Quốc sẽ cải thiện khả năng xác định và theo dõi các lực lượng trên biển cũng như tàu đánh cá của các quốc gia khác đi qua Biển Đông. Báo cáo cũng lưu ý việc Trung Quốc ráo riết tiến hành thử nghiệm các phương tiện phóng lên không trung mới cùng nhiều loại thiết bị tình báo, thiết bị theo dõi, trinh thám và tên lửa định vị năm 2016. Báo cáo cho biết: “Với tiềm lực chiến lược ngày càng được nâng cao, các lực lượng tác chiến đặc biệt được triển khai mạnh mẽ, nâng cấp các tàu nổi và máy bay và nhiều cuộc tập trận quy mô ở nước ngoài cho thấy Trung Quốc có chiều hướng sẽ “dùng vũ lực” để bảo vệ lợi ích của mình”. Báo cáo của Uỷ ban cũng hối thúc Quốc hội Mỹ ủng hộ các hoạt động tự do hàng hải của Hải quân Mỹ ở Biển Đông do lo ngại những cuộc cải tổ gần đây của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sẽ “tiếp thêm sức mạnh” cho Bắc Kinh và đặc biệt lưu ý đến việc nước này sắp hoàn thành tàu sân bay khu vực đầu tiên của mình.

2) “Trung Quốc có thể thoả hiệp về vấn đề Biển Đông”

Ngày 16/11, tờ Washington Post đăng bài viết “Liệu Trung Quốc có sẵn sàng thoả hiệp vấn đề Biển Đông? Bài viết sẽ giải thích tại sao khả năng thoả hiệp là hoàn toàn có thể” của Eric Hyer, Phó Giáo sư chuyên ngành khoa học chính trị, cộng tác viên chương trình nghiên cứu Châu Á, ĐH Brigham Young University:

PGS. Eric Hyer khẳng định, trong bối cảnh Philippines và Mỹ có những thay đổi lớn về bộ máy chính trị, dường như Trung Quốc có thể sẽ thay đổi lập trường và chính sách của mình ở Biển Đông, thậm chí, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ sẵn sàng thoả hiệp về vấn đề này. Ông cho biết cho đến nay, việc Trung Quốc đưa ra đề xuất thoả hiệp, nhất là trong các tranh chấp trên các đảo, đá ở Biển Đông, thực sự là điều hiếm hoi.

Tác giả cho rằng, sau khi Mỹ “xoay trục về Châu Á” từ năm 2012 và bắt đầu thúc đẩy quan hệ đồng minh quân sự và thiết lập quan hệ đối tác trong khu vực, Trung Quốc dường như đang cố gắng cho thấy một cách hành xử linh hoạt và thiện chí trong đàm phán về tranh chấp lãnh thổ. Ông nhận định, Trung Quốc đã nhận thấy việc nhượng bộ một số yêu sách lãnh thổ “không mấy quan trọng” có thể phục vụ cho những mục tiêu chiến lược lớn hơn của Bắc Kinh, chẳng hạn như “làm lành” với các nước láng giềng như Philippines, Malaysia… Trung Quốc đã khôn khéo tìm cách “tự tái cân bằng” bằng động thái mở ra cánh cửa “đàm phán song phương” với phía Philippines và “trao thưởng” cho ngư dân nước này được tiếp cận với bãi Scarborough sau khi Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông được đưa ra ngày 12/7 nhằm lôi kéo Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chống lại Mỹ. Việc ông Donald Trump trở thành Tổng thống đắc cử của Mỹ cũng là một nhân tố mới mà Trung Quốc cần cân nhắc tới bởi theo một số nhà phân tích dự đoán, ông Trump sẽ không thách thức Trung Quốc trong các vấn đề trên biển bởi điều ông quan tâm hơn sẽ là hợp tác kinh tế với Bắc Kinh. Tuy nhiên, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Mỹ (CIA) James Woolsey khẳng định “Mỹ vẫn là “người nắm đằng chuôi” trong cán cân quyền lực ở Châu Á và vẫn có thể tiếp tục kiên định bảo vệ các đồng minh của mình chống lại sự bành trướng của Trung Quốc”.

3) Phó Đại sứ Mỹ tại Malaysia: “Malaysia có thể bảo vệ chủ quyền của mình trước mọi sự xâm lược”

Ngày 17/11, trang The Borneo Post đưa tin:

Ngày 16/11, trả lời phỏng vấn của báo The Borneo Post, Phó Đại sứ Mỹ tại Malaysia Edgard D. Kegan đã khẳng định Malaysia có đủ khả năng để bảo vệ chủ quyền của nước này, bao gồm các yêu sách trên Biển Đông, trước mọi sự xâm lược và nhấn mạnh việc Malaysia có thể tự giải quyết các vấn đề của mình là điều vô cùng quan trọng, “không ai có thể bảo vệ các lợi ích của Malaysia tốt hơn chính người dân của nước này”. Ông cũng cho biết do không phải là một bên trong tranh chấp Biển Đông, “quan điểm của Mỹ là, vấn đề chủ quyền ở Biển Đông cần được giải quyết một cách hoà bình, các quốc gia không nên sử dụng vũ lực để cố giải quyết vấn đề này”. Ông nêu rõ, Mỹ sẽ không can thiệp vào các tranh chấp nhưng có lợi ích trong việc bảo vệ tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông, nơi có nhiều tuyến thương mại quốc tế đi qua. Ông Kegan tái khẳng định rằng Mỹ sẽ tiếp tục “hỗ trợ Malaysia và các nước khác khu vực”, đồng thời cho biết “không muốn các nước cảm thấy bị o ép, phải làm điều họ không muốn”.

RELATED ARTICLES

Tin mới