Sunday, December 22, 2024
Trang chủĐiểm tinNhật kỳ vọng Nga sẽ trả lại đảo

Nhật kỳ vọng Nga sẽ trả lại đảo

Hiệp ước hòa bình là cơ sở để Nga-Nhật Bản có các hợp tác chiến lược tại Viễn Đông và đẩy nhanh đàm phán tranh chấp đảo giữa 2 nước.

Quần đảo Kuril tranh chấp giữa Nga và Nhật Bản

Thủ tướng Abe kỳ vọng

Ngày 19/11, phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố, việc ký hiệp ước hòa bình giữa 2 nước đang trong tầm mắt.

Ông Abe cũng kỳ vọng những đàm phán giữa Tokyo và Moskva liên quan đến các tranh chấp lãnh thổ sẽ được giải quyết trong thời gian tới.

“Hơn 70 năm qua chúng tôi đã không thể có được một hiệp ước hòa bình. Điều này không phải là một nhiệm vụ đơn giản”, ông Abe nhấn mạnh.

Tuy nhiên thủ tướng Nhật Bản cũng nhận đinh, tiến độ đàm phán hòa bình giữa hai nước sẽ không có những bước nhảy vọt trong thời gian tới.

“Việc ký kết một hiệp ước hòa bình đã được nhìn thấy trong tầm mắt… Nhưng chúng ta cần thực hiện mọi thứ từng bước một. Điều này không dễ để có thể có những bước tiến lớn trong thời gian tới”, ông Abe nói thêm.

Cuộc gặp gỡ giữa ông Putin với ông Abe tại hội nghị APEC kéo dài tới 70 phút. 2 bên đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến tranh chấp lãnh thổ và một số vấn đề nhạy cảm khác. Tuy nhiên thông tin chi tiết không được tiết lộ.

Trước đó, hồi đầu tháng 9 năm nay, thủ tướng Abe đã có cuộc tiếp xúc với tổng thống Putin bên lề một diễn đàn kinh tế diễn ra tại thành phố Vladivostok (Nga).

Trong cuộc gặp đó, hai lãnh đạo đã nhất trí tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước và thúc đẩy đàm phán để có thể ký hiệp ước hòa bình trước khi ông Putin thăm Nhật Bản vào tháng 12.

Cơ sở hợp tác và trả đảo cho Nhật Bản?

Hơn 70 năm sau khi Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện, Moskva và Tokyo vẫn không có hiệp ước hòa bình do tranh chấp về chủ quyền trên quần đảo Nam Kuril do Nga kiểm soát. Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này và gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc.

Thời gian gần đây, trước những thay đổi của tình hình quốc tế, cả Nhật Bản và Nga đang có những động thái thúc đẩy nhanh tiến độ đàm phán, giải quyết các tranh chấp về chủ quyền.

Thủ tướng Shinzo Abe đang đặt nhiều hy vọng vào mối quan hệ gần gũi của ông với Tổng thống Putin và sự đầu tư từ các công ty Nhật Bản có thể tạo ra tiến triển mới trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ.

Hồi đầu tháng này, các Bộ trưởng năng lượng và kinh tế của 2 nước đã đồng ý thúc đẩy với hàng chục dự án, trong đó có sự phát triển chung của các mỏ dầu và khí đốt ở vùng Viễn Đông Nga, trong lĩnh vực năng lượng và hợp tác trong việc ngừng hoạt động của nhà máy hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản.

Một dự án khác được kỳ vọng là việc lắp đặt cáp ngầm hơn 50 km qua eo biển Soya từ Hokkaido đến Sakhalin để cung cấp năng lượng từ các nhà máy nhiệt điện Nga. Các chi phí của dự án đã được ước tính hơn 5,7 tỷ USD.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng đang kêu gọi các công ty trong nước trong một loạt các lĩnh vực khác – bao gồm cả công nghệ y tế và du lịch – để xem xét khả năng của các dự án của Nga.

“Rõ ràng, Nga không muốn phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc trong khi Nhật Bản cũng không muốn Nga bị lôi kéo vào khu vực ảnh hưởng của Trung Quốc. Vì vậy việc hợp tác kinh tế và phát triển giữa 2 nước là lợi ích chiến lược lẫn nhau”, Jun Okumura, một học giả tại Viện những Vấn đề Toàn cầu Meiji nói.

Về phía Nga, phát biểu trong cuộc họp báo tại tại Tokyo 1/11, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga, bà Valentina Matviyenko tuyên bố, Nga sẽ không từ bỏ chủ quyền đối với các hòn đảo tranh chấp nhưng sẵn sàng cùng Nhật Bản đưa ra một kế hoạch phát triển kinh tế chung trên các hòn đảo này…

Tiếp đến ngày 3/11, bà Matviyenko tiếp tục có chuyến thăm đến thành phố Nagasaki của Nhật Bản.

“Chúng tôi hy vọng Nhật Bản sẽ xem xét dỡ bỏ các hạn chế… bởi những biện pháp này tác động tiêu cực tới quá trình hợp tác kinh tế của chúng ta và cản trở việc tăng cường các hoạt động thương mại giữa hai bên”- bà Matviyenko nói.

Dù vẫn còn nhiều bất đồng chưa được giải quyết giữa 2 nước nhưng hiệp ước hòa bình đang là động lực thúc đẩy Nga và Nhật Bản đẩy mạnh các dự án hợp tác kinh tế lớn tại khu vực Viễn Đông cũng như từng bước xóa bỏ các tranh chấp về chủ quyền.

RELATED ARTICLES

Tin mới