Bản tin Biển Đông ngày 21/11/2016.
1)Tướng Trung Quốc nêu vấn đề tranh chấp lãnh thổ trong cuộc gặp với các quan chức Quốc phòng Úc
Ngày 18/11, hãng ABC News đưa tin:
Trong các cuộc gặp và thảo luận của Tướng Wang Jiaocheng thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Úc Dennis Richardson cùng nhiều quan chức quân sự cao cấp của Úc tại Caberra, hai bên đã trao đổi về sự bành trướng quân sự nhanh chóng của Trung Quốc ở Biển Đông, điều Úc vô cùng lo ngại. Ông Euan Graham, chuyên gia an ninh thuộc Viện Nghiên cứu Lowy, cho rằng nhiều khả năng giữa hai bên đã có “một cuộc trao đổi gay gắt” về vấn đề Biển Đông và dự đoán “Trung Quốc sẽ có một phản ứng dễ đoán là khẳng định vấn đề Biển Đông “là một mối lo ngại của Trung Quốc””. Trước đó, hồi tháng 2, ông này cũng đã cảnh báo rằng Trung Quốc có đủ khả năng để chiến đấu bảo vệ chủ quyền của nước này trên biển, tuyên bố “quân đội nước này có đủ sức mạnh để đối phó với bất kỳ nguy cơ an ninh nào” và cảnh cáo “không nước nào được phép dùng bất cứ cớ gì hay hành động gì để đe doạ chủ quyền và an ninh của Trung Quốc”. Hiện Bộ Quốc phòng Trung Quốc vẫn chưa trả lời một số thắc mắc của hãng ABC News về vấn đề này.
2) Học giả Nhật Bản cảnh báo Philippines về bốn tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc triển khai trên Biển Đông
Ngày 19/11, tờ The Standard đưa tin:
Trong bài trình bày tại Diễn đàn Các thách thức trên biển của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, tổ chức tại thành phố Makati, Philippines, ông Tetsuo Kotani, quan chức cấp cao thuộc Viện Các vấn đề quốc tế Nhật Bản cảnh báo Philippines về việc Trung Quốc đang âm thầm triển khai bốn tàu ngầm hạt nhân ở Biển Đông nhằm tiến hành các cuộc tuần tra phòng thủ hạt nhân trong năm nay. Cụ thể, ông Kotani nhấn mạnh: “Nhật Bản lo ngại về chương trình tàu ngầm của Trung Quốc ở Biển Đông, cụ thể là chương trình tàu ngầm tên lửa đạn đạo chiến lược hướng vào Hải Nam”. Ông cho biết, “nếu Trung Quốc triển khai thành công phòng thủ hạt nhân trên biển ở Biển Đông, điều này có thể ảnh hưởng đến uy tín của “chiếc ô phòng thủ hạt nhân do Mỹ thiết lập nên”, khiến Mỹ không thể bảo vệ Philippines – đồng minh lâu năm của Mỹ ở khu vực bởi “nếu tàu ngầm có thể tấn công trực tiếp Mỹ ở dưới nước, Mỹ sẽ phải cân nhắc kỹ càng ơn trước khi đưa ra quyết định can thiệp”. Bên cạnh đó, ông cho rằng, “không thể bỏ qua nguy cơ quân sự hoá ở Biển Đông” bởi “không có quy định quốc tế nào đặt ra đối với các hoạt động của tàu ngầm trên biển vì tàu này hoạt động hoàn toàn bí mật”.
3) Chủ tịch Tập Cận Bình khăng khăng yêu cầu Philippines, Việt Nam duy trì vấn đề Biển Đông ở phạm vi song phương
Ngày 20/11, hãng Reuters đưa tin:
Ngày 20/11, trong các cuộc gặp riêng với hai nhà lãnh đạo Philippines và Việt Nam, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục đưa ra yêu cầu giải quyết song phương tranh chấp Biển Đông, ngụ ý phản đối sự can dự của các quốc gia khác hay các tổ chức quốc tế trong tranh chấp lãnh thổ trên biển. Liên quan đến phát biểu này, các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc dường như vẫn không từ bỏ chiến thuật “chia để trị” nhằm ngăn các nước “đối đầu” đoàn kết lại với nhau. Không chỉ thế, “lợi dụng” cơ hội này, Bắc Kinh còn không ngừng đưa ra nhữg cáo buộc vô cớ, cho rằng Mỹ là “kẻ gây rối” ở Biển Đông và phản đối kịch liệt Phán quyết của Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông hồi tháng 7.
4) Cục Cảnh sát biển Đài Loan khẳng định: không có vai trò của Mỹ trong cuộc tập trận cứu trợ nhân đạo của nước này ở Biển Đông
Ngày 20/11, trang Focus Taiwan đưa tin:
Tối ngày 20/11, trong một thông cáo báo chí, Cục Cảnh sát biển Đài Loan (Coast Guard Administration – CGA) đã bác bỏ thông tin cho rằng Mỹ sẽ đưa các quan sát viên tham gia vào cuộc tập trận của nước này nhằm thực hiện các nhiệm vụ cứu trợ nhân đạo dự kiến sẽ được tổ chức ở Biển Đông cuối tháng 11, đồng thời cho biết Mỹ sẽ không có vai trò gì trong cuộc tập trận này. Ngoài ra, CGA cho biết thêm, cuộc tập trận chung giữa CGA và Hải quân Đài Loan là nhằm thể hiện “sự tiến bộ trong quá trình Đài Loan nỗ lực biến Ba Bình thành một trung tâm cứu trợ nhân đạo”, đồng thời “thực hiện các hoạt động chung nhằm bảo vệ các tàu cá của Đài Loan và cải thiện khả năng chống khung bố trên biển nhằm bảo vệ sự an toàn của các ngư dân Đài Loan.
5) Trung Quốc “hoan nghênh” kế hoạch của Philippines nhằm biến bãi cạn Scarborough thành một khu bảo vệ biển
Ngày 21/11, hãng GMA News đưa tin:
Ngày 20/10, trong chương trình “Unang Balita” của hãng GMA News, các quan chức Chính phủ Philippines đã tiết lộ rằng Trung Quốc đã “phản ứng tích cực” với kế hoạch của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte về việc công nhận bãi cạn Scarborough là một khu bảo vệ biển. Cụ thể, trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương tại Peru, Tổng thống Duterte đã thông báo về ý tưởng biến bãi cạn thành một địa điểm bảo tồn để áp đặt lệnh cấm toàn bộ các hoạt động đánh bắt cá bên trong bãi cạn. Ông Martin Andanar, Phát ngôn viên Truyền thông của Tổng thống, cho biết Chủ tịch Tập tỏ ra “hoan nghênh” đề nghị của Tổng thống Duterte, theo đó, “Philippines sẽ huy động các lực lượng của chính phủ nhằm thúc đẩy xây dựng các thoả thuận của hai nước, đẩy nhanh quá trình hướng dẫn nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi”. Trong khi đó, ông Hermogenes Esperon, cố vấn An ninh quốc gia giải thích, việc biến bãi cạn thành một điểm bảo tồn là một biện pháp hữu hiệu để giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, bởi đó cũng là “một giải pháp đôi bên cùng có lợi”. Liên quan đến sự kiện này, theo thông tin từ tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, ông Tập Cận Bình cũng đã cam kết rằng ngư dân Philippines sẽ được tiếp tục tiếp cận với bãi cạn, nhưng cùng với đó là tuyên bố thúc giục ông Duterte “chủ động tiến hành nhanh chóng hợp tác và thúc đẩy tương tác tích cực trên biển”.