Tuesday, November 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTrung Quốc nỗ lực cải thiện quan hệ với láng giềng

Trung Quốc nỗ lực cải thiện quan hệ với láng giềng

BienDong.Net: Trung Quốc đang đẩy mạnh ngoại giao láng giềng. Từ trước tới nay, Trung Quốc luôn đặt ngoại giao với nước lớn lên trên hết, trong đó xem quan hệ với Mỹ là ưu tiên số một.

Khi lên cầm quyền, ông Tập Cận Bình đẩy mạnh cái gọi là “ngoại giao nước lớn kiểu mới”, thực chất là với Mỹ, vì quan hệ với Nga nằm trong phạm vi nước lớn láng giềng. Với Ấn Độ cũng vậy.

Mấy tháng sau khi trở thành Chủ tịch nước Trung Quốc, ông Tập đã đi thăm Mỹ, tiến hành gặp gỡ với Tổng thống Barack Obama tại tại Sunnylands, tiểu bang California. Cuộc gặp này do phía Trung Quốc chủ động thúc đẩy, mục đích là nhằm xây dựng mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng thắng”. Thực tế, Trung Quốc vẫn coi Mỹ là nước lãnh đạo Châu Á – Thái Bình Dương, nhưng không còn là lãnh đạo độc tôn; Mỹ cần tôn trọng vị thế mới của Trung Quốc, chia sẻ quyền lãnh đạo khu vực với Trung Quốc phù hợp với tương quan lực lượng mới, từ đó công nhận các “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc.

Nhưng Báo cáo thường niên của Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ – Trung thuộc Quốc hội Mỹ đưa ra gần đây đã nói toạc ra rằng Trung Quốc tăng cường chi tiêu quân sự và hiện đại hóa Quân Giải phóng Nhân dân đang làm thay đổi cán cân an ninh ở Châu Á – Thái Bình Dương, thách thức nhiều thập kỷ thống trị về quân sự của Mỹ tại khu vực này.

Người Trung Quốc cũng có những đánh giá tương tự. Theo Bào Thành Cương – chuyên gia nghiên cứu các vấn đề toàn cầu và dân chủ hoá quan hệ quốc tế thuộc Tập đoàn Nước ngoài Canada – viết trên trang tin “Tháng Tư” của Trung Quốc, thì sự trỗi dậy của Trung Quốc trở thành mối đe doạ đối với Mỹ, cho nên Mỹ phải kiềm chế Trung Quốc, một lần nữa đẩy Trung Quốc ra khỏi hệ thống thế giới, hoặc xây dựng một hệ thống mới mà Trung Quốc là kẻ đứng ngoài cuộc. Theo tính toán của Trung Quốc, nếu quan hệ không tốt với Mỹ, xung quanh Trung Quốc sẽ vĩnh viễn không có an ninh, vì đằng sau mâu thuẫn và xung đột giữa Trung Quốc với các nước xung quanh đều có bóng dáng của Mỹ, cho nên Trung Quốc vẫn cần hợp tác với Mỹ.

Nhưng có vẻ như cuộc gặp California hồi tháng 6 không đem lại kết quả. Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc đang phải chịu những tác động bên ngoài. Tăng trưởng GDP của Trung Quốc bắt đầu phát triển chậm lại, một phần do thị trường Tây Âu – Mỹ bị thu hẹp. Điều này phản ánh nguyên lý cân bằng cung cầu: Có nhu cầu của thị trường mới có tăng trưởng. Hơn 30 năm nay do có nhu cầu của thị trường quốc tế nên mới tạo ra cung ứng xuất khẩu cho thị trường Trung Quốc Đại lục lớn đến mức như vậy.

Bên cạnh đó, còn gặp thêm khó khăn do những vấn đề cấu trúc nội tại của nền kinh tế. Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến cải cách kinh tế gian nan, trong đó mục tiêu là “hạ cánh mềm”, và làm sao vượt được bức Trường Thành của các tập đoàn lợi ích.

Sự thu hẹp thị trường xuất khẩu và chủ trương của Mỹ kiềm chế Trung Quốc tạo ra những thách thức trong ngoài, thúc đẩy ban lãnh đạo Trung Quốc xây dựng các khu vực ảnh hưởng kinh tế riêng và một hệ thống quan hệ an ninh làm phên dậu cho Trung Quốc. Mô hình đã có sẵn trong lịch sử, từng được xây dựng thành hệ thống theo kiểu Trung Quốc: các hoàng đế Trung Hoa đã xây dựng hệ thống chư hầu phiên thuộc triều cống. Ngày nay, Trung Quốc có dư tiền bạc để thực hiện các dự án lớn với các nước láng giềng. Trong lĩnh vực này, không nước lớn nào khác có thể cạnh tranh được với Trung Quốc vì các nước tư bản phát triển đang lâm vào tình trạng khủng hoảng và suy yếu đáng kể mấy năm gần đây.

Trung Quốc không phải thiếu các lựa chọn chiến lược để trở thành nền kinh tế số một thế giới. Ngày 21/11, Trung Quốc và Liên minh Châu Âu (EU) đã bắt đầu các cuộc đàm phán về một thỏa thuận đầu tư lịch sử, một động thái tích cực hiếm hoi trong bối cảnh sau một thời gian dài căng thẳng thương mại giữa hai bên. Hiện EU là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, còn Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 2 của EU. Trong năm 2012, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 546 tỷ USD với thặng dư nghiêng mạnh về phía Trung Quốc. Hai bên cam kết sẽ nâng thương mại song phương lên 1.000 tỷ USD vào năm 2020. Trong khí đó, năm 2012, kim ngạch thương mại song phương Trung – Mỹ đạt 536,2 tỉ USD.

Nhưng các nền kinh tế láng giềng nhỏ và vừa ở phương Nam của Trung Quốc vẫn có thể mang lại sự bổ sung màu nhiệm: Theo dự báo của Bắc Kinh, năm 2015, kim ngạch buôn bán hai chiều Trung Quốc – ASEAN phấn đấu đạt 500 tỷ USD, nghĩa là tương đương quan hệ thương mại Trung – Mỹ. Đến năm 2020, quan hệ đó có thể đạt 1.000 tỷ USD, nghĩa là tương đương mục tiêu quan hệ Trung Quốc – EU.

Tuy nhiên, các tranh chấp mà Trung Quốc tiến hành trên 3 hướng – với Ấn Độ trên đỉnh Himalayas, với Nhật Bản trên biển Hoa Đông và với các nước láng giềng giáp Biển Đông – đã xói mòn hình ảnh “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc và làm tăng thêm sự ngờ vực về các ý đồ thực sự của Trung Quốc, cản trở việc triển khai chính sách mới.

Với tầm quan trọng kép của láng giềng đối với giai đoạn phát triển mới của Trung Quốc, ngày 24 – 25/10, các ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường đã chủ trì cuộc họp các ban nghành liên quan của Trung Quốc để thông qua chủ trương “ngoại giao láng giềng” và các biện pháp nhằm làm cho các cơ quan chức năng Trung Quốc “cùng nhìn về một hướng” khi triển khai chính sách này.

Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Việc duy trì một môi trường hòa bình và ổn định với các nước láng giềng sẽ là mục tiêu ngoại giao của chúng ta. Việc duy trì quan hệ với các nước láng giềng là chìa khóa cho sự phục hưng của dân tộc Trung Hoa, và việc hợp tác trong cả hai lĩnh vực kinh tế cũng như an ninh sẽ được tăng cường với các quốc gia này.

Hai nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đã tiến hành hàng loạt hoạt động ngoại giao cấp cao, tranh thủ và xoa dịu các nước nước láng giềng. Tháng 9, ông Tập Cận Bình thăm Trung Á, ký một loạt thỏa thuận cho vay tín dụng, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Đồng thời Chủ tịch Trung Quốc phát động “Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa” nối Tân Cương với Trung Á, xuyên qua Tây Á, Trung Đông, tới tận Địa Trung Hải.

Với Ấn Độ, Trung Quốc đề xuất xây dựng cơ sở hạ tầng cho hành lang kinh tế 4 nước Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ và Myanma (BCIM) và tìm cách mở rộng hơn nữa cánh cửa thị trường của hơn một tỷ dân nước này, dù hiện nay thương mại đã mất cân đối khá nghiêm trọng nghiêng về phía có lợi cho Trung Quốc. Hàng hóa giá rẻ Trung Quốc đã bóp chết nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng của Ấn Độ.

Để xoa dịu Ấn Độ, Trung Quốc đã chủ động đề xuất và nhân dịp Thủ tướng Ấn Độ thăm Bắc Kinh vừa qua, hai bên đã ký Hiệp định Hợp tác Quốc phòng Biên giới (BDCA) và tập trận chung dọc biên giới.

Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Lý Khắc Cường hồi tháng 10, hai bên đã nêu ra một số thỏa thuận kinh tế xuyên biên giới, như thúc đẩy thực hiện tốt “Bản ghi nhớ về việc xây dựng các khu hợp tác kinh tế qua biên giới”, tích cực nghiên cứu đàm phán ký kết “Hiệp định thương mại biên giới Việt – Trung”, mở rộng cặp cửa khẩu Hoành Mô – Động Trung, tạo thuận lợi cho phát triển các khu vực biên giới và nội địa Việt Nam, như Khu công nghiệp Long Giang và An Dương…

Về Biển Đông, hai bên đồng ý thành lập Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển. Báo chí Trung Quốc nhận xét rằng thỏa thuận này có thể trở thành điểm đột phá trong việc giải quyết vấn đề biển đảo giữa hai nước. Nhưng một số nhà quan sát thành thạo thận trọng về thực chất của thỏa thuận này, cho rằng đừng để nó trở thành bánh vẽ phục vụ cho những kế hoạch ngoại giao trước mắt của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Đồng thời cũng lưu ý rằng, Trung Quốc vẫn tiếp tục thực hiện ngoại giao “câu giờ” trong đàm phán với ASEAN về một bộ quy tắc ứng xử về Biển Đông COC; tìm cách dùng vấn đề kinh tế để trì hoãn giải vấn đề Biển Đông, Dư luận cũng lưu ý rằng trong khi vẫn “chia để trị”, Bắc Kinh tìm cách cô lập hai nước láng giềng khác là Nhật Bản và Philippines. Mục tiêu cuối cùng của Bắc Kinh có thể vẫn là đưa hai nước này trở lại quỹ đạo thân thiện với Trung Quốc và cô lập Mỹ hơn nữa tại Đông Á.

Tại cuộc gặp cấp cao ASEAN – Trung Quốc tại Brunei ngày 9/10 vừa qua, Thủ tướng Lý Khắc Cường có một tuyên bố đáng khích lệ: Một Biển Hoa Nam (Biển Đông) hòa bình là hạnh phúc của tất cả mọi người. Chúng ta cần hợp tác để Biển Hoa Nam trở thành một vùng biển hòa bình, thân thiện và hợp tác.

Dư luận Đông Nam Á hy vọng rằng cùng với quá trình đổi mới tư duy và điều chỉnh chính sách với các nước láng giềng, trong đó có Đông Nam Á, Trung Quốc sẽ thành thực giải quyết một trong những vướng mắc nổi cộm là Biển Đông. Vì, sẽ là phi lý nếu ký kết “Điều ước hợp tác láng giềng hữu nghị giữa các nước ASEAN và Trung Quốc” như lãnh đạo Bắc Kinh đề nghị mà lại chưa giải quyết vấn đề Biển Đông có liên quan mật thiết đến hòa bình và an ninh khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới