Tuesday, December 24, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnEU vẫn cam kết ủng hộ Ukraine

EU vẫn cam kết ủng hộ Ukraine

Các nhà lãnh đạo EU ngày 24/11 đã tái khẳng định cam kết ủng hộ Ukraine và thực hiện thỏa thuận năm 2014 về việc củng cố quan hệ song phương.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu –Ukraine lần này, hai bên tập trung thảo luận các vấn đề hỗ trợ cải cách ở Ukraine cũng như cơ chế miễn thị thực cho người dân nước này tới Liên minh châu Âu.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau Hội nghị Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đánh giá cao các nỗ lực của giới chức Ukraine, trong đó có Tổng thống Petro Poroshenko nhằm thúc đẩy những cải cách quy mô lớn trong điều kiện hết sức khó khăn. Ông Tusk khẳng định, thành công của Ukraine sẽ là thành công của cả châu Âu.

Theo các thỏa thuận ký tại Hội nghị, Liên minh châu Âu sẽ dành 170 triệu Euro để hỗ trợ công tác điều hành hiệu quả ở Ukraine. Cụ thể, Liên minh châu Âu sẽ cấp cho Ukraine 15 triệu Euro để chống tham nhũng, 104 triệu Euro để tiến hành cải cách hành chính công và 52,5 triệu Euro để thúc đẩy nền pháp quyền.

Các khoản tài trợ này là một phần của gói hỗ trợ có tổng giá trị hơn 300 triệu Euro nhằm giúp Ukraine tăng cường công tác điều hành minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình.

Ngoài việc hỗ trợ Ukraine cải cách, Liên minh châu Âu cũng xác nhận sẽ áp dụng quy chế miễn thị thực đối với người Ukraine trước cuối năm nay. Liên minh châu Âu đánh giá Ukraine đã đáp ứng tất cả các điều kiện được đặt ra cho mục tiêu này và nay Liên minh châu Âu sẽ thực hiện cam kết miễn thị thực.

Trước đó, thỏa thuận này vấp phải sự phản đối của Hà Lan khi bị cử tri nước này bác bỏ trong cuộc trưng cầu ý dân hồi đầu năm. Hiện thỏa thuận vẫn được triển khai một phần nhưng Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte hy vọng có thể đàm phán để bổ sung những đảm bảo pháp lý như việc các nước Liên minh châu Âu không có nghĩa vụ phải hỗ trợ tài chính cho Ukraine hay cấp giấy phép lao động cho công dân Ukraine.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Tusk khẳng định sẽ cân bằng lợi ích giữa các bên Ukraine, Hà Lan và phần còn lại của Liên minh châu Âu: “Mục tiêu của tôi rất rõ ràng, đó là hoàn tất tiến trình thông qua Thỏa thuận liên minh. Thỏa thuận này không chỉ phục vụ lợi ích kinh tế chung mà quan trọng hơn là ý nghĩa địa chính trị lớn lao.

Tôi đã nói chuyện với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Tổng thống Ukraine Poroshenko. Tôi có thể khẳng định rằng chúng tôi đang nỗ lực hết sức để tìm một giải pháp cho phép Hà Lan thông qua thỏa thuận này bằng cách giải quyết những quan ngại của họ trong khi tôn trọng lợi ích của Ukraine và đảm bảo rằng 27 nước thành viên còn lại của Liên minh châu Âu không cần phải thông qua thỏa thuận một lần nữa”.

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo châu Âu cũng bày tỏ mong muốn ông Poroshenko phải làm nhiều hơn nữa để thực sự chữa tận gốc căn bệnh tham nhũng trong bộ máy chính phủ cũng như củng cố luật pháp và tự do hóa nền kinh tế.

Đối với Ukraine, tiến trình xích lại gần hơn với phương Tây cũng khiến nước này phải trả một cái giá khá cao. Tại hộ nghị này, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko hối thúc Liên minh châu Âu duy trì áp lực của các lệnh trừng phạt đối với Nga.

Một bộ phận dư luận Ukraine cho rằng Liên minh châu Âu chưa thể hiện đủ sự ủng hộ đối với nước này trong cuộc đối đầu với Nga, đồng thời lo ngại rằng việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump hàn gắn quan hệ với Nga sẽ khiến cái giá mà họ phải trả khi “bỏ Đông, thân Tây” lại càng đắt đỏ hơn

RELATED ARTICLES

Tin mới