Bắc Kinh cũng cam kết sẽ cung cấp viện trợ kinh tế mà không đòi gắn với điều kiện chính trị, nhân quyền hay môi trường.
Ông Tập Cận Bình và phu nhân thăm chính thức Ecuador, ảnh: telesurtv.net.
South China Morning Post ngày 26/11 bình luận, Trung Quốc đã đưa ra một lộ trình mới cho mối quan hệ với các nước Mỹ Latinh và vùng Caribbean, nhằm thúc đẩy chiến lược mở rộng ảnh hưởng của mình ở sân sau của Mỹ bằng chuyến thăm của ông Tập Cận Bình.
Tuy nhiên Bắc Kinh nói rằng, mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước khu vực này chỉ nhằm mục đích bảo vệ trật tự quốc tế hiện nay, không nhắm mục tiêu vào bất kỳ nước nào, ám chỉ Hoa Kỳ vốn có truyền thống đóng vai trò chi phối trong các vấn đề của châu lục.
Ông Tập Cận Bình đã thăm chính thức Ecuador, Peru và Chile từ ngày 17 đến ngày 23/11, tham dự hội nghị thượng đỉnh APEC tại Lima, Peru ngày 19, 20/11.
Lĩnh vực hợp tác giữa Trung Quốc với các nước này được thúc đẩy khá rộng, từ chính trị, ngoại giao, quân sự, an ninh tới kinh tế, thương mại, đầu tư, chống biến đổi khí hậu và internet toàn cầu.
Một số nhà phân tích tin rằng, chuyến công du của ông Tập Cận Bình là một nỗ lực cạnh tranh và kiểm tra ảnh hưởng của Mỹ.
Tính toán này dựa trên bối cảnh Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ và từng cam kết, sẽ hủy bỏ thỏa thuận thương mại khu vực, xây dựng bức tường trên biên giới với Mexico và trục xuất người nhập cư bất hợp pháp.
Tất cả điều này có thể làm suy yếu quan hệ giữa Washington với châu Mỹ – Latinh.
Cũng có quan điểm cho rằng, bước tiến ngoại giao của Bắc Kinh tới khu vực này còn có thể nhắm mục tiêu cô lập Đài Loan khi chỉ còn 22 quốc gia công nhận chính thức đảo này.
Tháng 3 năm nay Bắc Kinh đã chinh phục được đồng minh của Đài Loan, Gambia, kết thúc một cuộc chiến ngoại giao chính thức trong cả thập kỷ.
Trong năm 2008, Trung Quốc đã vạch ra tầm nhìn hợp tác với các nước châu Mỹ Latinh và vùng Caribbean. Tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc với khu vực này đã tăng 22 lần năm 2013 so với thời điểm năm 2000.
Mặc dù nó đã giảm 23% trong hai năm qua kể từ khi đạt đỉnh vào năm 2013, Trung Quốc vẫn vượt qua Liên minh châu Âu để trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 trong khu vực sau Mỹ, trong năm 2014.
Bắc Kinh cũng cam kết sẽ cung cấp viện trợ kinh tế mà không đòi gắn với điều kiện chính trị, nhân quyền hay môi trường.
Trung Quốc sẽ thúc đẩy các hiệp định tự do thương mại với khu vực này trong khi Trump tuyên bố sẽ hủy bỏ các hiệp ước tương tự.