Saturday, December 21, 2024
Trang chủĐàm luậnBiển Đông - Sự “mất niềm tin” giữa các quốc gia

Biển Đông – Sự “mất niềm tin” giữa các quốc gia

Ngày 19/11/2016, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gặp gỡ rộng rãi các lãnh đạo APEC tại Peru. Trong cuộc hội đàm bên lề APEC, hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc cho rằng, bối cảnh tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp, hai nước cần thường xuyên trao đổi chiến lược, giải quyết ổn thỏa bất đồng.

 

 

Tàu ngầm TQ được trang bị vũ khí hạt nhân bí mật hoạt động trong vùng tranh chấp.“““

Theo tin của Tân Hoa Xã, tại cuộc hội đàm, Chủ tịch Trung Quốc nói, hai bên nên “giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và tham vấn song phương, tuân theo hướng hợp tácgác lại các khác biệt để tham gia phát triển chungvà xử lý phù hợp các vấn đề nhằm duy trì hòa bình và bình yên trong khu vực”. Ngoài Việt Nam, Trung Quốc còn kêu gọi “bên thắng kiện” Philippines kiên trì chủ trương giải quyết song phương vấn đề Biển Đông.

Thông tin có vẻ rất khách quan nhưng Tân Hoa Xã đã lờ tịt việc Chủ tịch Việt Nam có nhắc tới Biển Đông trong cuộc gặp với ông Tập hay không. Trang web Bộ Ngoại giao Việt Nam khi đưa tin về cuộc gặp giữa hai chủ tịch, cũng không đả động gì tới lời kêu gọi giải quyết song phương về Biển Đông của ông Tập. Thế nhưng trước đó, ngày 14/11 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã khẳng định khong chấp nhận giải quyết song phương vấn đề Trường Sa.

Còn khi được hỏi phản ứng của Việt Nam về tin Trung Quốc đưa chiến đấu cơ Shenyang J-11 đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, phát ngôn viên Lê Hải Bình tuyên bố hành động này của Bắc Kinh vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định của khu vực.

Trước thái độ lạnh như băng của ông Tập, giới phân tích quốc tế lo ngại sắp tới Trung Quốc có thể sẽ hành động liều lĩnh hơn trên Biển Đông. Theo Reuters, tuyên bố của ông Tập là cách tiếp tục phản đối các nước khác tham gia xử lý tranh chấp Biển Đông. Bắc Kinh áp dụng chiến thuật “chia để trị” thay vì để các bên đòi chủ quyền hợp lực lại với nhau.

Người ta còn mối lo khác, rằng tới đây chính quyền thời Trump sẽ từ bỏ Hiệp định Đối tác xuyên TBD (TPP) và cam kết “xoay trục” của Mỹ sẽ không còn giữ được tầm mức như trước đây. Thiếu các cam kết mới của một “đối tác chiến lược” nặng ký, cục diện tương lai có thể gây nên những cám dỗ nguy hiểm đối với Trung Quốc. Vậy thì quan hệ từng bên giữa Trung Quốc với các bên liên quan đâu dễ được chấp thuận.

Dư luận thế giới trong những ngày cuối tháng 11/2016 rất lo ngại khi các đội tàu ngầm Trung Quốc được trang bị vũ khí hạt nhân đã được bí mật đưa đến vùng tranh chấp. Các tàu ngầm Trung Quốc này sẽ tham gia tuần tra “răn đe” bảo vệ chủ quyền vào những tuần lễ tới ở Biển Đông và Hoa Đông. Nếu trắng trợn thực hiện việc tuần tra, Bắc Kinh sẽ làm tổn hại uy tín chiếc ô hạt nhân của Hoa Kỳ trong khu vực. Đồng thời sẽ gây khó khăn cho Nhật Bản và các đồng minh khác của Mỹ, kể cả Philippines. Theo chuyên gia Nhật, với tên lửa nguyên tử có thể bắn tới Hoa Kỳ, hạm đội tàu ngầm Trung Quốc sẽ làm cho Mỹ điên đầu, buộc họ phải “suy nghĩ hai lần” trước khi ra tay đáp trả để bảo vệ các đồng minh sát nách Trung Quốc.

Chiến lược sắp tới của ông Trump về Biển Đông chắc sẽ nằm trong khuôn khổ chiến lược chung của Mỹ đối với châu Á – Thái Bình Dương. Về nội trị, với khả năng bổ nhiệm một số thẩm phán Tối Cao Pháp Viện có khuynh hướng bảo thủ của tân tổng thống, nước Mỹ sẽ đi vào khuynh hướng chính trị bảo thủ trong nhiều năm tới. Về đối ngoại, vì chưa biết các cố vấn của Trump sẽ là ai cho nên khó đoán định hơn, nhưng căn cứ vào tuyên bố của Trump và một số tướng lĩnh ủng hộ ông, các nhà quan sát dự đoán, chính sách đối ngoại mới sẽ có tính cách “diều hâu” và cứng rắn hơn.

Chính sách mới của ông Trump có thể làm hài lòng những người chỉ trích thái độ “nhu nhược” của chính quyền Obama, nhưng cũng có thể đưa Hoa Kỳ vào những cuộc chiến tốn kém. Một vấn đề đặt ra: Liệu ông Trump có đạt được một thỏa thuận với Nga nhằm làm yên vấn đề ở Trung Âu và Trung Đông? Được vậy thì sẽ rảnh tay đối phó với Trung Quốc ở Á châu. Nước Mỹ dù mạnh đến mấy cũng không có khả năng trí lực, tài lực và nhân lực để hành động đơn phương.

Đã hơn 20 ngày sau khi thắng cử, ông Trump vẫn chưa một lần nhắc đến Biển Đông. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, có thể sẽ có nhiều bất ngờ trong thời gian tới. Trump có thể sẽ thực hiện một vài động thái cho Trung Quốc thấy “sức mạnh Mỹ” trên Biển Đông, trước khi ông ta quay trở lại bàn đàm phán với Bắc Kinh về vấn đề kinh tế. Ông Trump cũng có thể sẽ nhanh chóng triển khai lực lượng quân đội Mỹ tới Biển Đông trong thời gian tới. Chương trình có thể là những cuộc tuần tra hàng hải trên toàn bộ diện tích 3,5 triệu km2 của Biển Đông. Theo ông Sean King, Phó Chủ tịch Công ty Tư vấn Park Strategies tại New York, một động thái quân sự như vậy là đủ mạnh để con voi Trung Quốc co vòi.

Hiện tại, Quốc hội do phe Cộng hòa kiểm soát nhiều lần chỉ trích cách tiếp cận quá mềm mỏng của ông Obama tại Biển Đông. Những cuộc tuần tra của tàu chiến Mỹ gần các đảo nhân tạo của Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông trong thời gian qua phần lớn xuất phát từ mong muốn của Quốc hội Mỹ, thay vì từ Nhà Trắng. Vì vậy, Trump cần phải rắn hơn để chứng tỏ mình ở khu vực mà Obama đã thất bại”.

Mới đây khi được yêu cầu bình luận về chính sách tương lai của chính quyền mới ở Mỹ, Đại sứ Phạm Quang Vinh nói: “Tôi không dám phán xét về những gì chưa xảy ra”. Tuy nhiên, ông lạc quan cho rằng, mối quan hệ Mỹ – Việt cũng như quan hệ giữa Mỹ với khu vực sẽ không thay đổi quá nhiều. Theo ông Vinh, châu Á có ý nghĩa quan trọng cả về kinh tế lẫn chiến lược đối với Hoa Kỳ. Châu Á hiện là khu vực phát triển năng động hàng đầu trên thế giới, với những nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, đóng góp 60% GDP toàn cầu cùng một thị trường chiếm tới một nửa dân số thế giới. Chính quyền kế nhiệm tại Hoa Kỳ cần tiếp tục duy trì những cam kết của mình đối với châu Á. Điều này không chỉ xuất phát từ lợi ích của châu Á mà còn từ chính lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ.

Theo nhóm các nhà nghiên cứu đến từ bảy quốc gia trong “Chương trình các nhà lãnh đạo trẻ” (YLP), một trong những khó khăn về việc giải quyết xung đột trên Biển Đông là sự “mất niềm tin” giữa các quốc gia khi xử lý các yêu sách và tranh chấp. Đây là ý kiến được nêu trong Hội thảo Quốc tế lần thứ 8 về Biển Đông tại Nha Trang trong hai ngày 14 và 15/11 mới đây

Về những diễn biến gần đây, các học giả chia sẻ nhận định tình hình có vẻ hòa dịu hơn sau phán quyết, song mâu thuẫn trên thực địa vẫn không thay đổi về bản chất. Trung Quốc có thể đạt được thỏa thuận trước mắt với một số nước Đông Nam Á để làm dịu các tranh chấp, song thực tế vẫn duy trì, thậm chí tăng cường sự hiện diện và kiểm soát trên Biển Đông, gồm cả khu vực bãi cạn Scarborough và quần đảo Trường Sa.

Các hoạt động xây dựng và lắp đặt trang thiết bị phục vụ mục đích quân sự và do thám ở các điểm đảo Chữ Thập, Vành Khăn và Subi không hề giảm tốc độ. Ngang nhiên và ngang ngược là chuyện thế giới không lạ gì với chú voi Trung Quốc.

Chảo lửa trong khu vực chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Dù có vờ vĩnh ngả vào con voi này cho yên thân, thì trên thực tế các nước vẫn lo ngại về các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông, nhất là vào lúc này tương lai chính sách Châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ còn chưa rõ.

Có thể chính Tổng thống Mỹ mới đắc cử cũng chưa biêt nên bắt đầu từ đâu và bắt đầu ra sao?!

RELATED ARTICLES

Tin mới