Monday, December 23, 2024
Trang chủBiển nóngBản tin Biển Đông ngày 01/12

Bản tin Biển Đông ngày 01/12

Bản tin Biển Đông ngày 01/12/2016.

1) Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có lập trường cứng rắn về vấn đề Biển Đông

Ngày 30/11, tạp chí Nikkei đăng bài viết “Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có lập trường cứng rắn về vấn đề Biển Đông” của ông Anders Corr, nhà sáng lập Công ty Phân tích Rủi Ro Corr, trước đây từng là Cố vấn cho Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ và Tư lệnh Hoạt động Đặc biệt Thái Bình Dương của Mỹ:

Trong  bài viết, ông Anders Corr khẳng định, khi bắt tay giải quyết vấn đề Biển Đông, Tổng thống mới đắc cử của Mỹ Donald Trump sẽ bắt đầu với những gì đã có từ nhiệm kỳ chính quyền Tổng thống Barack Obama, đó là: chỉ trích hành động quân sự hóa của Trung Quốc ở khu vực và các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của nước này, đồng thời tiếp tục thực hiện các hoạt động tự do hàng hải của Hải quân Mỹ ở các vùng biển tranh chấp tại biển Đông. Đồng thời, ông Corr nhấn mạnh, Tổng thống Trump sẽ có lập trường rõ ràng về vấn đề Biển Đông bởi với chính ông Trump, hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông rõ ràng là một điều khiến ông khó chịu, do đó, tân Tổng thống cũng đã hé lộ thông tin rằng ông sẽ sử dụng thương mại làm lợi thế thương lượng để gây sức ép đối với Bắc Kinh, đồng thời nêu ra khả năng trừng phạt kinh tế hay các biện pháp trả đũa khác. Ông Trump cũng muốn tham vấn và tỏ kỳ vọng rằng Nhật Bản và các nước Châu Á có nền kinh tế dựa trên sự giao thương trên biển sẽ dựng thêm nhiều rào cản về quốc phòng hơn nữa đối với Trung Quốc. Tác giả cho rằng, tân Tổng thống sẽ không loại trừ khả năng sử dụng quân sự của Mỹ ở Biển Đông nhưng hiện ông Donald Trump vẫn chưa lên kế hoạch tuyên bố về chiến lược quân sự của mình.

Đề cập đến cách xử lý vấn đề Biển Đông của Tổng thống Donald Trump, tác giả nhận định ông Trump sẽ hành xử theo hai hướng: “một lãnh đạo cứng rắn” (với lập trường quyết đoán ở Biển Đông) và “một lãnh đạo thực dụng” (với lập trường mang tính thỏa hiệp, hợp tác nhiều hơn). Tuy nhiên cuối cùng, cách tiếp cận của Tổng thống Trump đối với vấn đề Biển Đông sẽ phải nằm trong bức tranh chung về xử lý các vấn đề liên quan đến Trung Quốc như Bắc Triều Tiên, Biển Hoa Đông, Đài Loan và Hồng Kông. Mặc dù vậy, tác giả bài viết vẫn bày tỏ tin tưởng rằng, một lập trường mới cứng rắn hơn của chính quyền tân Tổng thống Donald Trump có thể hạn chế được những “lợi thế” của Trung Quốc ở khu vực, khôi phục trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông và cải thiện tình hình ở Châu Á.

2) Đá Vành Khăn: FONOP (Chương trình Hoạt động Tự do Hàng hải) đầu tiên của Tổng thống Trump?

Ngày 30/11, trang mạng của Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á đăng bài viết “Đá Vành Khăn: FONOP (Chương trình Hoạt động Tự do Hàng hải) đầu tiên của Tổng thống Trump?” của Bonnie Glaser, Zack Cooper và Peter Dutton, các chuyên gia, học giả có tiếng về lĩnh vực luật pháp – an ninh biển ở Châu Á, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Chiến lược (CSIS) và Đại học Hải chiến Mỹ:

Trong bài viết, các chuyên gia khẳng định, chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ chịu áp lực từ chính quyền Tổng thống Obama về việc cần sớm khẳng định quyết tâm thể hiện cam kết của nước Mỹ đối với việc bảo vệ các nguyên tắc và luật lệ quốc tế tại các vùng biển ở Châu Á trong nhiệm kỳ của mình. Ba tác giả cho rằng, dù không thể đảo ngược toàn bộ quá trình bồi đắp, xây dựng và quân sự hoá của Trung Quốc ở Trường Sa nhưng việc chính quyền mới tiếp tục tiến hành những hoạt động này vẫn vô cùng cần thiết để khẳng định và duy trì quyền hàng hải của tất cả các quốc gia trên thế giới theo luật pháp quốc tế. Do đó, giới quan sát sẽ theo dõi sát sao từ chính quyền mới của Mỹ bất cứ động thái nào nhằm đáp trả cách hành xử hung hăng của Trung Quốc gần đây. Cụ thể, các chuyên gia sẽ nghiên cứu về địa điểm cũng như thời gian mà chính quyền mới sẽ thực hiện Hoạt động Tự do Hàng hải đầu tiên ở Châu Á.

Theo dự đoán của một số học giả về vị trí của FONOP sắp tới trên Biển Đông, nếu theo logic hoạt động luân phiên giữa Hoàng Sa và Trường Sa sau các cuộc FONOP từ trước đến nay, FONOP sắp tới sẽ được thực hiện ở Trường Sa, trong đó, nhiều khả năng chính quyền Mỹ sẽ lựa chọn phương án FONOP ở khu vực Đá Vành Khăn vì cấu trúc này được đánh giá là vị trí liên quan trực tiếp nhất đến Phán quyết Toà Trọng tài vụ kiện Philippines – Trung Quốc ngày 12/7. Hơn nữa, vì Mỹ không công nhận bất cứ quyền này trong vùng nước xung quanh Đá Vành Khăn, tàu Hải quân Mỹ sẽ thực hiện quyền đi qua vô hại ngoài phạm vi 12 hải lý của cấu trúc này. Về thời điểm, dựa trên các nguồn tin công khai, các tác giả cho rằng các FONOP của chính quyền Obama nhằm thách thức Trung Quốc có thường cách nhau 95, 101 và 164 ngày (trung bình là 120 ngày), do đó đưa ra dự đoán nhiều khả năng FONOP tiếp theo sẽ được thực hiện dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, 95 ngày kể từ hoạt động mới nhất là 21/10. Bài viết nhận định, việc lựa chọn phương án triển khai FONOP cũng như tính tới những rủi ro trên thực tế khi tiến hành ở khu vực Đá Vành Khăn cần được chính quyền mới quan tâm thực sự, để Mỹ có thể đối phó với ý đồ của Bắc Kinh nhằm gây gián đoạn FONOP hay tìm cách viện cớ này triển khai trái phép máy bay chiến đấu và hệ thống các loại vũ khí tới Trường Sa.

Các tác giả cũng nhấn mạnh, FONOP chỉ là một trong số rất nhiều hoạt động hải quân của Mỹ và tập trung chủ yếu vào luật pháp nhằm bảo vệ lợi ích duy trì quyền tự do hàng hải quốc tế và tuân thủ thượng tôn pháp luật quốc tế ở mọi lúc, mọi nơi, do đó, trong thời gian tới, Hải quân Mỹ cần thúc đẩy hoạt động bên trong và xung quanh Trường Sa theo luật pháp quốc tế nhằm khẳng định tính chất “thường kỳ” của hoạt động tự do hàng hải. Ngoài ra, với vai trò thách thức yêu sách pháp lý của các quốc gia ở khu vực, kể cả Trung Quốc, Mỹ có thể thực hiện FONOP nhằm thách thức hành động thái quá của Trung Quốc trên Biển Đông, bởi khác với trường hợp ở Trường Sa, các yêu sách phi lý của Trung Quốc đã được tuyên bố hết sức rõ ràng.

3) Cuộc chiến vì nguồn nước ở Châu Á

Ngày 1/12, hãng Gulf News đăng bài viết “Cuộc chiến vì nguồn nước ở Châu Á” của tác giả Brahma Chellaney, Giáo sư Nghiên cứu Chiến lược thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách tại Học viện Robert Bosch, Berlin, Đức:

Trong bài viết, ông Brahma Chellaney đã khẳng định Trung Quốc là “kẻ gây sự chính” trong tranh chấp Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng ở các vùng biển xảy ra ở khu vực Châu Á không chỉ xuất phát từ các yêu sách biển mâu thuẫn giữa các bên tranh chấp đe dọa đến an ninh các tuyến đường biển và tự do hàng hải làm ảnh hưởng đến các quốc gia ngoài khu vực. Nguyên nhân khiến căng thẳng ở Biển Đông ngày càng lên cao còn là do các nhánh cạnh tranh chiến lược đối với tài nguyên nước ngọt giữa các nước với nhau đang trở nên đáng lo ngại. Trên thực tế, việc Trung Quốc chiếm đoạt các phần lãnh thổ trên Biển Đông luôn đi kèm với việc nắm giữ một cách âm thầm các nguồn tài nguyên trên các lưu vực sông liên quốc gia, một phần tối quan trọng trong chiến lược của Bắc Kinh nhằm giành quyền kiểm soát và ảnh hưởng lớn hơn đối với khu vực Châu Á. Tác giả cho rằng, có thể thấy một điều rõ ràng là Trung Quốc đang ráo riết thúc đẩy triển khai chiến lược này. Cuộc chạy đua tìm kiếm các nguồn nước ở Châu Á đang gây căng thẳng cho nông nghiệp và ngư nghiệp, gây tổn hại cho hệ sinh thái và làm gia tăng các bất đồng cũng như sự mất lòng tin đáng quan ngại trên khắp khu vực.

Bài viết cũng cảnh báo, hậu quả của cuộc cạnh tranh nguồn nước ở khu vực Châu Á sẽ có tác động đến cả khu vực bên ngoài. Ông Chellaney đề xuất, các quốc gia Châu Á cần nghiên cứu những khó khăn chính trị về vấn đề nguồn nước thông qua các cơ chế giải quyết tranh chấp hữu hiệu và các thỏa thuận về chia sẻ nguồn nước một cách minh bạch. Tuy nhiên, tác giả không khỏi lo ngại rằng khó có khả năng Trung Quốc sẽ sẵn sàng hưởng ứng và cùng tham gia với các nước trong khu vực Châu Á để xây dựng cơ chế quản lý nguồn nước một cách hòa hợp và dựa trên các quy định của luật pháp.

4) Quan chức Đài Loan lớn tiếng bác bỏ sự phản đối của Việt Nam đối với cuộc tập trận cứu hộ, cứu nạn

Ngày 1/12, tạp chí The Taipei Times đưa tin:

Ngày 30/11, các quan chức Đài Loan đã một lần nữa tái khẳng định chủ quyền của Đài Loan đối với các đảo ở Biển Đông, trong đó có đảo Ba Bình nhằm bác bỏ tuyên bố của Việt Nam rằng cuộc diễn tập nhân đạo của Lực lượng Tuần duyên Đài Loan (CGA) đã vi phạm chủ quyền nước này. Tổng chỉ huy của CGA Lee Chung-wei khăng khăng cho rằng “Chủ quyền các đảo ở Biển Đông thuộc về Đài Loan, đây là một sự thật không thể chối cãi! Chính quyền Đài Loan sẽ không thay đổi lập trường, dù Chính phủ Việt Nam có phản đối như thế nào”. 

RELATED ARTICLES

Tin mới