Thursday, November 28, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiNgười Việt, Nhất và Bét (Kỳ I)

Người Việt, Nhất và Bét (Kỳ I)

Thói tham lam ngày nay thể hiện ở đủ mọi tầng lớp cư dân, từ người bình thường trở đi, từ người ít học đến người đầy bằng cấp.

Người Việt với nhiều thói hư tật xấu. 

Hồ Chủ tịch từng dạy “muốn xây dựng Chủ nghĩa xã hội, cần phải có con người xã hội chủ nghĩa”.

Theo cương lĩnh mới của Đảng, muốn xây dựng một đất nước “công bằng, dân chủ, văn minh” cần phải có một dân tộc “văn minh, công bằng, dân chủ”.

Cho đến hôm nay có một quan điểm vẫn được nhắc đến nhiều, rằng “người Việt thông minh, cần cù, tiết kiệm, ham học, thân thiện”.

Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng phát biểu: “họ (người Việt) có những tố chất đáng khâm phục”.

Gần như khác hoàn toàn với ông Lý Quang Diệu, Viện Nghiên Cứu Xã Hội Học Hoa Kỳ (American Institute for Social Research) sau khi nghiên cứu đã chỉ ra 10 đặc tính căn bản của người Việt. 

Đối lập với 5 đặc tính nêu trên, người Mỹ cho rằng:

“Người Việt cần cù lao động nhưng dễ thỏa mãn; Thông minh, sáng tạo khi phải đối phó với những khó khăn ngắn hạn, nhưng thiếu những khả năng suy tư dài hạn và linh hoạt;

Yêu thích kiến thức và hiểu biết nhanh, nhưng ít khi học sự việc từ đầu đến cuối, nên kiến thức không có hệ thống hay căn bản.

Ngoài ra, người Việt không học vì lợi ích của kiến thức (lúc nhỏ học vì gia đình, lớn lên học vì sĩ diện hay vì những công việc tốt);

Cởi mở và hiếu khách nhưng sự hiếu khách không kéo dài; Tiết kiệm, nhưng nhiều khi hoang phí vì những mục tiêu vô nghĩa (vì sĩ diện hay muốn phô trương)”.

Nếu cần bổ sung thì người viết muốn thêm một đặc tính của người Việt hiện đại, đó là thói tham lam, ích kỷ.

Thói tham lam ngày nay thể hiện ở đủ mọi tầng lớp cư dân, từ người bình thường trở đi, từ người ít học đến người đầy bằng cấp.

Có thể nhận xét này không phù hợp với suy nghĩ của không ít người, có thể cộng đồng mạng muốn một trận “mưa đá” rơi xuống nhưng xin bình tâm đọc hết bài viết sau đó muốn “ném đá” người viết xin sẵn sàng đón nhận. 

Cũng xin nói thêm trong khuôn khổ một bài báo, người viết chỉ có thể đưa ra những nét chấm phá điển hình, không phải là một nghiên cứu sâu rộng nên rất nhiều điều còn bỏ ngỏ.

Chuyện người Việt nhất và bét không phải là chuyện lạ.

Thứ nhất, nói về nông nghiệp và nông dân

Nông nghiệp Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu một số mặt hàng nông sản: gạo, cà phê, hồ tiêu, hạt điều, cá tra… nhưng cũng có nhiều vấn đề trong cung ứng thực phẩm cho dân chúng. 

Nền nông nghiệp Việt Nam vẫn là nền nông nghiệp lạc hậu, canh tác theo kinh nghiệm và phương pháp “rỉ tai – học mót”. So với các quốc gia khác như Nhật Bản, Do Thái, chúng ta chỉ là học trò.

Để thu được nhiều tiền, người trồng trọt trồng hai luống rau – như lời Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – luống rau sạch để nhà dùng, luống phun thuốc kích thích để bán ở chợ. 

Người bán thịt có nơi bơm nước vào gia súc; nông dân có người dùng chất tạo nạc cho lợn ăn dù chất đó bị cấm.

Tháng 10/2016, Mỹ trả lại Việt Nam 10.000 tấn gạo (412 container) do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.

Cũng trong tháng 10/2016, Liên minh châu Âu cảnh báo thuỷ sản Việt Nam nhiễm kim loai nặng.

Chuyện nông dân trồng rau ở nghĩa địa, rửa rau bằng nước cống trước khi mang bán đã được báo chí đề cập nhiều, cho đến nay liệu đã được khắc phục?

Theo số liệu của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, “Trong 5 năm gần đây, mỗi năm Việt Nam chi khoảng nửa tỷ USD để nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật, trong đó thuốc trừ cỏ chiếm 50%, thuốc trừ sâu khoảng 25%, thuốc trừ bệnh khoảng 20%.

Còn lại là các thuốc điều hòa, kích thích sinh trưởng như thuốc trừ chuột, trừ ốc, mối…”.

Cần nhớ rằng hầu hết thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu từ Trung Quốc đều là thuốc độc có tác dụng giết côn trùng, sâu bọ và vi khuẩn.

Nếu đặt câu hỏi tại sao nông dân lại “trồng hai luống rau”, câu trả lời sẽ tùy thuộc vị thế mỗi người.

Tuy nhiên, có một câu trả lời không thể không suy ngẫm, đó là “nông dân làm việc bằng hai, để cho cán bộ mua đài, mua xe” (Vietnamnet.vn 24/11/2016).

Lỗi chỉ của nông dân, hay nguyên nhân lỗi nằm ở đội ngũ cán bộ? 

Thứ hai, nói về công nghiệp công nhân

Giai cấp công nhân – như ngày xưa từng đề cập – là giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến nhất, là lực lượng có tổ chức nhất trong các nhóm cư dân, là lực lượng đi đầu trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng Chủ nghĩa xã hội.

Ngày nay lực lượng này có tới 12,3 triệu người nhưng gần 83% làm việc trong doanh nghiệp tư nhân. 

Chất lượng chuyên môn và chính trị của giai cấp công nhân Việt Nam như nhận định trên báo điện tử Dangcongsan.vn ngày 30/9/2015: “Giác ngộ giai cấp và bản lĩnh chính trị của công nhân không đồng đều; sự hiểu biết về chính sách, pháp luật còn nhiều hạn chế”. 

Trình độ chuyên môn nghề nghiệp đã được đánh giá trên Tạp chí Lyluanchinhtri.vn: “so với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và so với trình độ công nhân ở các nước trong khu vực và thế giới thì trình độ học vấn của công nhân nước ta còn thấp”.

Nền công nghiệp của Việt Nam ngày nay không chỉ mang lại những khoản thua lỗ nhiều nghìn tỷ qua 5 dự án đã được nêu tại diễn đàn Quốc hội (xơ sợi Đình Vũ; nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất; gang thép Thái Nguyên; đạm Ninh Bình; bột giấy Phương Nam). 

Nhiều dự án khác hiện đang trong giai đoạn thanh tra, chưa công bố kết quả.

Chính nền công nghiệp mà chúng ta xây dựng mấy chục năm qua đã đóng góp nhiều nhất trong việc làm trầm trọng thảm họa môi trường mà dự án thép Formosa chỉ là một ví dụ. 

Các cơ sở công nghiệp với dây chuyền thiết bị lạc hậu đang biến đất nước thành bãi rác công nghiệp của thế giới, đang hàng ngày đầu độc khí quyển, nguồn nước, đất nông nghiệp và sức khỏe con người. 

Tỷ lệ ung thư của người Việt thuộc loại cao nhất thế giới.

Xuất khẩu của Việt Nam năm 2015 

Năm 2016 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nước ta ước tính đạt 327,76 tỷ USD, riêng xuất khẩu tính lũy kế đến 15/11/2016 đạt khoảng 150 tỷ USD. 

Ba nhóm hàng xuất khẩu điện thoại, dệt may và máy vi tính chiếm khoảng 65 tỷ USD tức là gần 1/2 tổng kim ngạch xuất khẩu. 

Công nghiệp điện tử nước ta gọi là chế tạo nhưng đa phần là lắp ráp, công nghiệp dệt may, gần 100% thiết bị nhập khẩu và phần lớn nguyên liệu, phụ kiện cũng nhập khẩu, các nhà máy thuộc sở hữu của người Việt chưa sản xuất được ốc vít cho các thiết bị điện tử chứ không nói đến các linh kiện đòi hỏi công nghệ cao.

Ngành công nghiệp nặng của Việt Nam sản xuất được bao nhiêu phần trăm thiết bị cho nhà máy thủy điện và nhiệt điện, chưa nói điện gió và điện mặt trời?

Chủ trương công nghiệp hóa đất nước đã được hình thành từ Đại hội III (tháng 9-1960), đại hội VI xuất hiện bước ngoặt có tính lịch sử quan trọng, đột phá về đổi mới tư duy của Đảng về việc tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…

Mục tiêu đưa nước ta thành một nước công nghiệp vào năm 2020, nghĩa là sau 60 năm (tính từ đại hội III) đã không thể thực hiện như tinh thần Nghị quyết Đại hội 12 đề cập.

Thứ ba, nói về trí thức và giáo dục

Việt Nam có đội ngũ phó giáo sư, giáo sư, tiến sĩ hùng hậu vào loại nhất Đông Nam Á.

Một thống kê của tác giả Nguyễn Văn Tuấn năm 2010 cho thấy tỷ lệ quan chức Việt Nam có học hàm, học vị cao hơn cả Hoa Kỳ, Nhật Bản. [4]

Với đội ngũ (gọi là) trí thức hùng hậu thuộc loại hàng đầu nhưng Việt Nam lại đứng “đội sổ” về cống hiến cho nhân loại. 

Với đội ngũ quan chức học vị cao hơn cả Hoa Kỳ, Nhật Bản, Việt Nam lại là quốc gia lạc hậu, phát triển chậm hơn nhiều chục năm so với Đông Nam Á chứ chưa so với các nước tiên tiến.

Nền giáo dục Việt Nam cho đến nay vẫn loay hoay với câu hỏi “triết lý giáo dục của Việt Nam là gì?”. 

Giáo dục để mở mang dân trí hay giáo dục để chứng tỏ việc gì khác? 

Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông luôn đạt gần 100% là mục tiêu của giáo dục hay là định hướng phải thực hiện bằng mọi giá?

Báo Anninhthudo.vn trong bài “Gần 300.000 cử nhân đang thất nghiệp” đăng ngày 21/7/2015 viết: “Thống kê cho thấy trong hơn 1.159.800 lao động đang thất nghiệp, có đến gần 300.000 người tốt nghiệp đại học, trên đại học và cao đẳng chuyên nghiệp”. 

Nếu không tính cử nhân cao đẳng thì con số cử nhân đại học và trên đại học thất nghiệp vào khoảng 225.000 người

Theo Thứ trường Bộ Giáo dục & Đào tạo Bùi Văn Ga, năm 2016 tổng chỉ tiêu tuyển sinh mà các trường đăng ký với Bộ là khoảng 420.000 người, số lượng thí sinh đạt điểm sàn vào khoảng 400.000.

Như vậy, đầu vào toàn quốc năm 2016 không vượt quá con số 400.000 người. 

Như vậy số cử nhân thất nghiệp chiếm hơn 50% tổng số sinh viên đầu vào của một năm học. 

Và điều đáng nói nhất, vì sao hơn nửa thế kỳ qua, đội ngũ giáo viên lại được tuyển chọn chủ yếu từ hàng ngũ những người “chuột chạy cùng sào”?

Giáo dục Việt Nam rất giỏi đào tạo người đi thi (trong nước và quốc tế) song lại rất kém trong việc đào tạo người phát minh, sáng chế.

Giáo dục đứng đầu trong Quốc sách nhưng những nhà giáo chân chính lại đứng cuối trong bậc thang thu nhập. 

Hệ số lương thấp nhất của thiếu úy quân đội, công an là 4,2 trong khi của giảng viên đại học là 2,34, chỉ bằng già nửa bậc thấp nhất của sĩ quan lực lượng vũ trang. 

Những con số tốt nghiệp trung học phổ thông cao vào hàng nhất thế giới và đội ngũ cử nhân thất nghiệp cũng cao không kém đương nhiên không phải là mục tiêu của giáo dục và không hoàn toàn là lỗi của giáo dục.

Nó chỉ phản chiếu một thực tế là đoàn tàu giáo dục Việt Nam đang “bò” trên hai thanh ray cũ với một ga đến được xác định bằng ý chỉ chủ quan chứ không phải biện chứng khoa học.

Còn tiếp

RELATED ARTICLES

Tin mới