BienDong.Net: Ngày 23/11/2013, Trung Quốc công bố thành lập khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) trên bầu trời biển Hoa Đông. Đây là một hành động leo thang mới của Trung Quốc ở khu vực Hoa Đông. Động thái mới này của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nước trong và ngoài khu vực bởi lẽ việc lập vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng đến an toàn cho các chuyến bay quốc tế trên bầu trời vùng biển Hoa Đông mà nó còn tạo ra những hệ luỵ nguy hiểm đối với sự leo thang các tranh chấp trên biển ở khu vực, ảnh hưởng tiêu cực đến hoà bình, ổn định ở khu vực.
Trước hết nói về lĩnh vực hàng không, phạm vi khu vực mà Trung Quốc tuyên bố thành lập ADIZ chồng lấn lên các khu vực ADIZ mà Nhật Bản và Hàn Quốc đã công bố thành lập. Đặc biệt, trong Tuyên bố về ADIZ do Trung Quốc ban hành yêu cầu tất cả các máy bay đi qua khu vực này phải tuân thủ các quy định của Trung Quốc, tức phía Trung Quốc có quyền buộc các hãng hàng không phải thông báo kế hoạch bay cho phía Trung Quốc, buộc các máy bay nước ngoài phải mở liên tục phương tiện liên lạc 2 chiều trong quá trình bay qua ADIZ do Trung Quốc lập ra ở Hoa Đông. Điều này có thể dẫn đến việc rối loạn trong việc kiểm soát, điều hành các đường bay, ảnh hưởng đến an toàn cho các chuyến bay qua vùng biển Hoa Đông; va chạm và rủi ro hàng không rất dễ. Va chạm và rủi ro hàng không sẽ để lại hậu quả nặng nề hơn nhiều so với những va chạm và rủi ro xảy ra trên biển. Ở đây có 2 sự ngang ngược của Trung Quốc: một là, Trung Quốc không trao đổi bàn bạc với các nước liên quan đã có các ADIZ từ trước ở khu vực này là Nhật Bản và Hàn Quốc; hai là, Trung Quốc đơn phương áp đặt ra luật lệ, quy định cho các hoạt động hàng không ở khu vực nằm ngoài không phận, lãnh thổ, lãnh hải của Trung Quốc. Những biện pháp cưỡng chế hàng không này đã vượt quá phạm vi quyền hạn của Trung Quốc và thông lệ quốc tế. Việc kiểm soát đảm bảo an ninh hàng không, điều hành điều phối các chuyến bay quốc tế do tổ chức hàng không quốc tế phụ trách. Như vậy, tuyên bố về thành lập ADIZ của Trung Quốc đã đe dọa đến quyền tự do hàng không hợp pháp của các nước khác trên không phận quốc tế ở vùng trời trên biển Hoa Đông.
Một hệ quả nghiêm trọng hơn mà ADIZ của Trung Quốc tạo ra liên quan đến tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và các vùng biển ở biển Hoa Đông. Phạm vi ADIZ tự nhận của Trung Quốc bao trùm lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện đang do Nhật Bản kiểm soát. Ý đồ thâm độc của Trung Quốc là muốn dùng việc làm này để buộc Nhật phải thừa nhận Senkaku/Điếu Ngư có tranh chấp. Căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nổi lên từ tháng 9/2012. Trong hơn 1 năm qua, Trung Quốc đã dùng nhiều biện pháp gây sức ép trên thực địa như đưa tàu chiến, các tàu chấp pháp (hải giám, ngư chính…) và tàu cá xâm nhập sâu vào vùng biển của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, thậm chí tàu chiến của Trung Quốc còn chĩa ra đa vào tàu tuần duyên của Nhật Bản; đồng thời cho máy bay trinh sát xâm nhập vùng trời của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hòng buộc Nhật Bản thừa nhận có tranh chấp về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tuy nhiên, Nhật Bản kiên quyết coi Senkaku/Điếu Ngư là của Nhật Bản và hoàn toàn không có tranh chấp; Mỹ nhiều lần tuyên bố quần đảo Senkaku nằm trong phạm vi Hiệp ước An ninh Mỹ – Nhật và Mỹ có trách nhiệm bảo vệ nếu Senkaku bị tấn công. Căng thẳng ở biển Hoa Đông kéo dài hơn một năm qua và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt.
Các nhà phân tích quốc tế cho rằng động cơ của việc Trung Quốc tuyên bố thành lập ADIZ là nhằm giành lấy thế chủ động đòi yêu sách chủ quyền, tìm kiếm sự công nhận mặc nhiên hoặc trên thực tế của các quốc gia khác về quyền quản lý của Trung Quốc đối với khu vực này. Trong tuyên bố thành lập ADIZ, Trung Quốc khẳng định sẽ áp dụng biện pháp phòng thủ khẩn cấp nếu các máy bay nước ngoài không tuân thủ quy tắc Trung Quốc đưa ra. Nếu chấp nhận “xin phép, báo cáo” Trung Quốc khi đi qua không phận quốc tế có nghĩa là mặc nhiên thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc, đó mới là âm mưu, thủ đoạn thâm hiểm của Trung Quốc. Trong bối cảnh, Nhật kiên quyết không chấp nhận quần đảo Senkaku có tranh chấp và Mỹ đứng về phía Nhật Bản thì động thái mới này của Trung Quốc nhằm mục tiêu tạo sự việc đã rồi, từng bước biến quần đảo Senkaku thành khu vực có tranh chấp. Nhật Bản hiểu rõ ý đồ này của Trung Quốc nên đã kiên quyết phản đối việc Trung Quốc thành lập ADIZ qua đường ngoại giao và trên dư luận; đồng thời điều máy bay chiến đấu bay vào khu vực ADIZ mà Trung Quốc mới tuyên bố thành lập nhằm vô hiệu hoá những ý đồ sâu xa của Trung Quốc. Phía Nhật Bản cho biết máy bay của lực lượng phòng vệ nước này đã “hoạt động tuần tra” thường lệ qua vùng biển Hoa Đông.
Chính việc Trung Quốc thành lập ADIZ đã tạo cơ hội cho Mỹ tăng cường can dự vào khu vực để triển khai chính sách “tái cân bằng chiến lược ở Châu Á – Thái Bình Dương”. Một mặt, Mỹ lên tiếng công khai chỉ trích mạnh mẽ việc Trung Quốc lập ADIZ; mặt khác, Mỹ chớp lấy thời cơ này để tăng cường sự hiện diện ở khu vực. Chỉ 2 ngày sau khi Trung Quốc công bố thành lập ADIZ ở Đông Hải, ngày 25/11/2013, Mỹ đã cho hai máy bay ném bom B – 52 bay ngang vùng nhận dạng phòng không mới mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố; tiếp theo đó, ngày 28/11/2013, Hải quân Mỹ điều nhóm tác chiến tàu sân bay USS George Washington (CVN – 73) tới Nhật Bản kết hợp với Lực lượng phòng vệ Nhật Bản tiến hành cuộc tập trận thường niên AnnualEx 13 tại khu vực. Tàu sân bay USS George Washington (CVN 73) chở theo hơn 70 chiến đấu cơ và 5.000 thủy thủ kết hợp với hơn 20 tàu chiến khác trong đó có tàu tuần dương tên lửa dẫn đường lớp Ticonderoga USS Antietam (CG 54), tàu khu trục tên lửa lớp Arleigh Burke – USS Curtis Wilbur (DDG 54), USS Lassen (DDG 82), USS McCampbell (DDG 85), USS Mustin (DDG 89) cùng một tàu tuần tra, một máy bay trinh sát và một tàu ngầm.
Việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố vùng nhận diện phòng không ở Đông Á đã thúc đẩy Mỹ sát cánh với Nhật Bản, thắt chặt hơn quan hệ đồng minh Mỹ – Nhật trong kiềm chế Trung Quốc, trước mắt là vô hiệu hoá ADIZ mà Trung Quốc lập ra. Một số nhà bình luận đã cho rằng hành động thành lập ADIZ của Trung Quốc ở Hoa Đông đã lợi bất cập hại cho bản thân Trung Quốc. Phản ứng trước việc Mỹ, Nhật đưa máy bay vào khu vực nhận dạng phòng không mới, Trung Quốc đang nỗ lực một cách yếu ớt bằng cách đưa máy bay vào ADIZ để không bị quốc tế chế nhạo; để giữ thể diện, rất có thể Bắc Kinh sẽ gia tăng thêm nhiều cuộc tuần tra trong vùng này. Điều đó sẽ dẫn đến nguy cơ bùng nổ xung đột vũ trang, đe doạ hoà bình ổn định trong khu vực.
Hệ luỵ lớn nhất là việc lập vùng nhận dạng phòng không ở Hoa Đông sẽ tạo ra tiền lệ xấu đối với khu vực Biển Đông. Sau khi thành công trong việc thiết lập khu vực nhận dạng phòng không ở Hoa Đông, Trung Quốc sẽ tiếp tục lấn tới đơn phương thiết lập ADIZ trên bầu trời Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương và người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân đã ngang nhiên đề cập đến khả năng này. Ngày 27/11/2013, khi được hỏi “Trung Quốc có kế hoạch lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông hay không?” Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ngang ngược nói rằng “Trung Quốc sẽ công bố vào thời gian thích hợp sau khi hoàn thành các công việc chuẩn bị liên quan”. Như vậy, âm mưu của Trung Quốc trong việc thành lập ADIZ ở Biển Đông để phục vụ cho các yêu sách về chủ quyền và các vùng biển ở Biển Đông đã được phía Trung Quốc lên kế hoạch và triển khai công việc chuẩn bị. Nếu điều này xảy ra sẽ làm càng làm cho tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng. Biển Đông là tuyến hàng hải huyết mạch và bầu trời Biển Đông là tuyến đường hàng không hết sức quan trọng, hàng ngày có hàng trăm chuyến bay dân dụng qua lại bầu trời Biển Đông. Nếu Trung Quốc thiết lập ADIZ ở Biển Đông sẽ đe doạ nghiêm trọng an toàn hàng không quốc tế.
Trong thập kỷ 80 và 90 của Thế kỷ 20, Trung Quốc đã từng mưu toan giành lấy Vùng thông báo bay (tiếng anh viết tắt là FIR) trên không phận quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và các vùng biển ở Biển Đông. Họ đòi chia lại FIR ở khu vực Hoàng Sa và Biển Đông vốn đã được Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) phân cho Việt Nam tưởng chừng chỉ thuần túy về mặt kỹ thuật, nhưng ý đồ của Trung Quốc là muốn thông qua việc giành quyền điều hành, quản lý và các dịch vụ liên quan đến hàng không trên vùng trời của quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển ở Biển Đông để khẳng định cái gọi là “chủ quyền”của họ đối với Hoàng Sa và các yêu sách của họ ở Biển Đông. Nếu Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế và các nước liên quan như Việt Nam thừa nhận yêu cầu đó thì đã gián tiếp thừa nhận “chủ quyền” Trung Quốc ở Hoàng Sa và các yêu sách của họ ở Biển Đông. Tuy nhiên, ICAO quyết định vẫn duy trì Vùng thông báo bay đã công nhận của Việt Nam ở Hoàng Sa và các vùng biển khác nên Trung Quốc chưa thể thực hiện được âm mưu của họ. Liệu Trung Quốc có thực hiện được việc thiết lập ADIZ ở Biển Đông hay không? Điều này còn phụ thuộc vào các diễn biến tiếp theo liên quan đến ADIZ của họ ở Hoa Đông.
BDN