BienDong.Net: Sau siêu bão Haiyan cướp đi sinh mạng trên 5.200 người và gây tổn thất hàng tỉ USD vật chất, Chính quyền Philippines đã công bố kế hoạch trồng thêm đước ở các khu vực bờ biển với hy vọng những rừng đước ngập mặn ven bờ sẽ giúp giảm thiểu hậu quả nặng nề do bão gây ra.
“Chúng tôi sẽ sớm trồng thêm cây đước tại các khu vực bờ biển bởi vì loại cây này phải mất 5 – 7 năm để trưởng thành”, Bộ trưởng Môi trường Philippines, ông Ramon Paje nói.
Chính quyền Philippines cũng lên kế hoạch bảo tồn các khu vực có nhiều cây đước không chỉ để ngăn sóng gió do bão gây ra mà còn tránh xói mòn bờ biển.
Bộ Môi trường Philippines cho biết nhiều rừng đước ngập mặn đã biến mất ở Philippines do tình trạng khai thác bừa bãi.
Philippines thường xuyên đối mặt với những cơn bão, động đất, phun trào núi lửa và những thảm họa thiên nhiên khác, theo AFP. Mỗi năm nước này phải hứng chịu trung bình hơn hai chục trận bão.
Với số người thiệt mạng lên đến hơn 5.200 người, siêu bão Haiyan được xem là một trong những thảm họa thiên nhiên tàn khốc nhất lịch sử Philippines. Người ta ước tính nước này cần tới 2 tỉ USD và nhiều năm để phục hồi hậu quả của cơn bão khủng khiếp này.
Cây đước có chiều cao trung bình 20 – 25m, là loài cây chủ lực của hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển Việt Nam và Philippines.
Cây đước có tuổi thọ cao, có bộ rễ chằng chịt và mạnh mẽ, có thể hút được tất cả chất bổ dưỡng vốn rất nghèo trong đất ngập mặn.
Bộ rễ cây đước có hình nơm, có hệ thống rễ phụ rất lớn mà người ta hay gọi là chan đước, cắm xuống đất bùn tìm sự sống, tạo nên thành lũy giúp cây bám chặt vào đất bùn bảo vệ đất bồi, lấn biển mà không bị sóng bão xô ngã.
Đước nở hoa cho quả hình trái lê ngược, quả chín hạt sẽ nảy mầm trong quả, mầm hình trụ tròn dài 20 – 40cm. Khi phôi thành thục sẽ rời ra khỏi cây mẹ và rơi xuống bùn, mọc rễ và thành cây non. Những mầm non không đâm rễ trong bùn sẽ trôi theo nước biển đến định cư ở nơi khác, nhờ thế đước không ngừng sinh sôi nảy nở trên bãi lầy tạo ra những vùng rừng đước rộng lớn.
Được coi là hiệp sĩ bảo vệ bờ biển, đước còn có thể giữ được chất lắng đọng của nước biển, cùng với lá rụng và phân chim, lâu ngày sẽ thành đảo mới hoặc đất liền. Rừng đước là nơi cư trú của nhiều loại chim, tôm, cá, cua, làm phong phú hệ sinh thái bờ biển.
BDN (tổng hợp)