Trong cuộc họp cuối năm hôm 6.12 ở Brussels của các Ngoại trưởng NATO, vấn đề lớn nhất lại không nằm trong chương trình nghị sự chính thức: Ông Trump sẽ vạch ra con đường nào cho NATO khi ông trở thành tổng thống Mỹ?
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg không trực tiếp trả lời câu hỏi này tại cuộc họp báo hôm 5.12, mà chỉ nói ông “mong được làm việc” với ông Trump và đội ngũ của ông.
Ông Stoltenberg bày tỏ tin tưởng rằng cam kết của Washington đối với liên minh sẽ không thay đổi, bất chấp tuyên bố của ông Trump khi vận động tranh cử là Hoa Kỳ không nhất thiết phải bảo vệ những thành viên NATO nào không đóng góp để được Mỹ bảo vệ.
Andrew Dorman, một chuyên gia về NATO tại Viện chính sách Chatham House ở London, nói: “Phía Châu Âu sẽ nhấn mạnh cam kết của họ trong việc bảo vệ an ninh cho Châu Âu và duy trì quan hệ gắn bó của Mỹ đối với NATO và Điều khoản 5 về phòng vệ chung.”
Cuộc họp tuần này cũng là cuộc họp quan trọng cuối cùng của NATO khi ông Obama còn tại chức, và là cuộc họp để chia tay Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Ông Dorman nói: “Người Châu Âu đang cố gắng hình dung xem chính quyền của ông Trump sẽ như thế nào. Không rõ ông Kerry có thông tin gì nhiều về vấn đề này hay không. Có thể ông ấy cũng chỉ đoán mò như mọi người thôi”.
Cuộc họp tuần này diễn ra vài ngày sau khi Liên minh Châu Âu công bố một kế hoạch đầy tham vọng mới về ngân quỹ quốc phòng và nghiên cứu, bao gồm một quỹ đầu tư trị giá 5,36 tỷ USD hàng năm.
Trong khi Washington kêu gọi Châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng từ bấy lâu nay, nhưng theo các nhà phân tích, những lời lẽ cứng rắn của ông Trump dường như mới buộc họ phải chú ý.
Người Mỹ đóng góp khoảng 70% ngân sách hoạt động của NATO. Chỉ có 4 thành viên NATO là Anh, Estonia, Hy Lạp và Ba Lan đã làm đúng các cam kết đối với liên minh, là dành riêng ít nhất 2% GDP cho lĩnh vực quốc phòng.