Saturday, December 28, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiVì sao Nhật Bản muốn sở hữu hàng trăm hòn đảo không...

Vì sao Nhật Bản muốn sở hữu hàng trăm hòn đảo không người ở?

Trong tháng này, chính phủ Nhật Bản sẽ hoàn thành cuộc khảo sát hàng trăm hòn đảo hoang vu không người ở để biến những khu vực này thành lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế quốc gia.

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông là khu vực tranh chấp chủ quyền giữa Tokyo và Bắc Kinh.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), Nhật Bản hiện có 431 hòn đảo không người ở với 277 hòn đảo vẫn chưa có chủ sở hữu. Do đó, chính phủ Nhật Bản dự định biến những hòn đảo vô chủ thành tài sản quốc gia. Theo các nhà phân tích, hành động của chính phủ Nhật Bản là nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền và gửi tín hiệu tới các nước trong khu vực muốn xâm phạm chủ quyền của Tokyo mà cụ thể là cuộc chiến giành chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông giữa Tokyo và Bắc Kinh. 

“Bằng cách thực thi luật pháp quốc tế, Tokyo đang thúc đẩy tuyên bố chủ quyền đối với các hòn đảo mà nói rộng ra là cả quần đảo Senkaku. Nhật Bản muốn chứng minh mình tuân thủ luật pháp quốc tế còn Trung Quốc thì không”, ông Stephen Nagy, phó giáo sư chuyên ngành chính trị tại Đại học International Christian ở Tokyo chia sẻ. 

Bên cạnh 277 hòn đảo được xác định không có chủ sở hữu sẽ trở thành tài sản quốc gia, 147 hòn đảo khác tại Nhật Bản đã thuộc quyền sở hữu của các cá nhân. Trong đó 7 hòn đảo có núi lửa vẫn đang hoạt động mà không có người sinh sống như Nishinoshima ở chuỗi đảo Ogasawara sẽ đương nhiên nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Nhật Bản. 

Hiện tại, chính phủ Nhật Bản cũng đang lên kế hoạch bảo vệ các hòn đảo xa xôi mà không có người sinh sống bằng cách đưa người dân tới những khu vực này và chính phủ viện trợ tài chính cũng như nguyên liệu đầy đủ. Kế hoạch này sẵn sàng được triển khai ngay đầu năm 2017.  

Theo ông Nagy, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã thay đổi cách thức hiện thực hóa tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà trước đây Bắc Kinh từng dựa vào những bằng chứng lịch sử là  “tấm bản đồ cổ của ngư dân”. 

Cũng theo ông Nagy, cả Trung Quốc và Nhật Bản đều cho rằng tuyên bố chủ quyền của họ đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là phù hợp với luật pháp quốc tế song chính căng thẳng tranh chấp chủ quyền lại khiến mối quan hệ ngoại giao hai nước tụt dốc nặng nề trong 2 năm qua. 

“Tokyo và Bắc Kinh đang cố giải quyết tranh chấp chủ quyền bằng cách khơi dậy chủ nghĩa dân tộc tại mỗi nước và đưa vấn đề này trở thành chủ đề ngoại giao quốc tế”, ông Nagy nhấn mạnh tranh chấp giữa hai nước sẽ chưa thể được giải quyết trong 20 – 25 năm tới. 
RELATED ARTICLES

Tin mới