BienDong.Net: Hôm 17.12, Nội các Nhật Bản đã công bố kế hoạch tăng 5% chi tiêu quân sự trong 5 năm tới cùng với chiến lược an ninh quốc gia được thiết lập nhằm đối phó với những thách thức từ Trung Quốc.
Theo kế hoạch này, trong 5 năm tới, Nhật Bản sẽ chi thêm 24.700 tỷ yên (trên 230 tỷ đô la Mỹ) cho mục đích quân sự.
Nhật có kế hoạch tăng cường sức mạnh quân sự để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc Ảnh: AP
Tokyo cho biết sẽ mua thêm 3 máy bay do thám, 52 xe lội nước, 17 trực thăng Osprey, 5 tàu ngầm nhằm đẩy mạnh khả năng giám sát biển và bảo vệ các hòn đảo. Ngoài ra, nước này cũng sẽ mua 2 tàu khu trục trang bị hệ thống chống tên lửa Aegis và 28 máy bay chiến đấu F-35 mới.
Theo RFI, điều nổi bật trong sách lược mới này là Nhật tập trung vào khu vực phía Tây Nam quần đảo trực diện với Trung Quốc, thay vì dồn lực lượng về miền Bắc đối diện với Nga.
Ngoài ra, Nhật còn có kế hoạch thành lập một lực lượng đổ bộ, có thể chiến đấu cả trên biển và trên đất liền có nhiệm vụ giành lại các đảo xa nếu các đảo này bị tấn công.
Chiến lược an ninh mới cũng nhấn mạnh đến việc gia tăng khả năng của Lực lượng phòng vệ để đối đầu với các nguy cơ từ Trung Quốc.
“Trung Quốc đang nỗ lực thay đổi hiện trạng bằng việc tăng cường cả lực lượng không quân và hải quân trên Biển Đông và biển Hoa Đông cũng như nhiều khu vực khác… Các chính sách an ninh quốc gia và quân sự của Trung Quốc thiếu tính minh bạch, khiến Nhật Bản và cộng đồng quốc tế vô cùng lo ngại và buộc phải tăng cường giám sát chặt chẽ hơn”, một trong ba chiến lược an ninh quốc gia được Nhật Bản thông qua hôm 17.12 viết.
Theo chiến lược trên, các hướng dẫn mới cho việc phát triển và sản xuất vũ khí sẽ được đưa ra, đánh dấu một sự quyết đoán hơn so với thời kì năm 2011, khi Tokyo bãi bỏ một lệnh cấm xuất khẩu vũ khí nhưng vẫn tỏ ra thận trọng trong việc tăng cường công nghiệp quốc phòng.
Đây là chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên của Nhật Bản kể từ khi nước này thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia theo kiểu của Hoa kỳ, và đây cũng là lần thứ hai kể từ khi lên cầm quyền hồi cuối năm 2012 Thủ tướng Shinzo Abe thông báo tăng ngân sách quốc phòng.
Bênh vực cho chính sách gia tăng quân sự của mình, Thủ tướng Shinzo Abe nói Sách lược An ninh Quốc gia cho nhân dân Nhật Bản cũng như cộng đồng quốc tế thấy chính sách ngoại giao và an ninh của Nhật Bản rõ ràng và minh bạch. Theo ông, qua sự hợp tác quốc tế và chính sách hòa bình “tích cực” của mình, Nhật Bản sẽ tiếp tục các nỗ lực đóng góp nhiều hơn vào nền hòa bình và ổn định quốc tế.
Thông tấn xã Kyodo của Nhật Bản cho biết: Theo chính sách an ninh mới, Tokyo sẽ tăng cường quan hệ quốc phòng với Hoa Kỳ và tìm một vai trò tích cực hơn cho Lực lượng phòng vệ của mình ở nước ngoài.
Trong 20 năm tính đến năm 2012, mức chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản vẫn xếp vị trí số 6 trên thế giới. Trái lại, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc lại bùng nổ nhanh chóng và tăng gấp 5 lần, đưa quốc gia này từ vị trí số 7 nhảy lên vị trí số 2 trong danh sách các cường quốc chi tiêu quốc phòng.
Tuy nhiên, kế hoạch gia tăng chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh tuyên bố rằng chính sách của Nhật Bản về an ninh quân sự tác động đến môi trường an ninh của toàn khu vực. Bà nói các nước Á châu, kể cả Trung Quốc, đang hết sức chú ý đến các xu hướng tiêu cực này và đề cao cảnh giác.
Trong quá khứ, chiểu theo Hiến pháp thời hậu chiến, chính phủ Nhật Bản thường giới hạn hoạt động quân sự, đồng thời công bố Tokyo sẽ không có quân đội và hải quân. Tuy nhiên, Thủ tướng Abe đã tiến một bước xa hơn khi gỡ bỏ cả lệnh cấm đưa quân ra nước ngoài chiến đấu và liên kết với các đồng minh trong trường hợp bị tấn công.
Thật vậy, chiến lược an ninh quốc gia của Thủ tướng Abe không chỉ nâng tầm hợp tác với Mỹ mà còn tăng cường mối quan hệ với các đối tác chiến lược như Australia, các quốc gia Đông Nam Á và Ấn Độ.
Trong cuộc họp thượng đỉnh tại Tokyo vào tuần trước, Thủ tướng Abe cùng lãnh đạo của các quốc gia Đông Nam Á đã kêu gọi sự tự do hàng hải và hàng không, nhằm ám chỉ tới Trung Quốc – quốc gia đang tranh chấp chủ quyền biển đảo với một số nước thuộc khối ASEAN.
BDN (Nguồn VOA, RFI và Infonet)