Wednesday, January 15, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTránh mơ hồ với chiêu nghi binh của TQ ở Biển Đông

Tránh mơ hồ với chiêu nghi binh của TQ ở Biển Đông

Các bên liên quan, trong đó có Việt Nam không thể lơ là phòng bị vì những “phân tích, bình luận chim mồi” kiểu này.

Chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam chắc tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, ảnh: Reuters.

Ngày 8/12 The Straits Times đăng bài bình luận của tác giả Tan Kok Tim nhận định: các mối đe dọa ở Biển Đông không thể trở thành hiện thực. 

Tác giả Tan Kok Tim đã đưa ra những lý lẽ thiếu thuyết phục để bênh vực những hành động vi phạm luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 mà Trung Quốc thực hiện ở Biển Đông, đặc biệt là việc bồi đắp, quân sự hóa 7 đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin quay trở lại vấn đề mục đích của bình luận giá trị quân sự các đảo nhân tạo mà tác giả Tan Kok Tim đưa ra, rằng: không có gì chắc chắn đảm bảo Trung Quốc sẽ sử dụng các đường băng này vào việc không kích các nước ASEAN.

Tan Kok Tim đang phụ họa cho chiêu tung hỏa mù, nghi binh của Trung Quốc ở Biển Đông

Sở dĩ nói Trung Quốc đang tung hỏa mù để nghi binh ở Biển Đông là vì, giá trị quân sự của 7 đảo nhân tạo họ xây bất hợp pháp ở Trường Sa không nên xem xét dưới góc độ những căn cứ, pháo đài độc lập.

Ngay cả khi xem xét chúng một cách độc lập, thì giá trị uy hiếp của nó với các nước trong khu vực, đặc biệt là các điểm đóng quân của các bên liên quan ở Trường Sa là khá rõ ràng, không thể phủ nhận.

Khi bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo, đường băng quân sự phi pháp ở Trường Sa, Trung Quốc đã tính đến thế chân vạc vững chắc cùng với 2 điểm còn lại là căn cứ quân sự phi pháp ở Phú Lâm, Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam) và khả năng Scarborough trong tương lai.

3 điểm “chân vạc” này ban đầu còn có mục tiêu hiện thực hóa yêu sách đường lưỡi bò bằng cách, vạch ra yêu sách 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế thông qua thủ đoạn bóp méo các quy định UNCLOS 1982. 

Nhưng âm mưu này đã sớm đổ bể vì Phán quyết Trọng tài 12/7 của Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982, trong đó có nội dung làm rất rõ quy chế pháp lý của các cấu trúc ở Trường Sa và Scarbrough. 

Các cấu trúc địa lý ở Hoàng Sa cũng có thể sử dụng nội dung phán quyết này làm tham chiếu để xác định, thậm chí có thể tiếp tục nhờ cơ quan tài phán quốc tế minh định rõ theo quy chế của UNCLOS 1982.

Tuy nhiên, khi các pháo đài quân sự bất hợp pháp mọc lên ở Hoàng Sa, 7 đảo nhân tạo ngoài Trường Sa, và nếu có thời cơ cũng như một cái cớ phù hợp, sẽ có thêm đảo nhân tạo Scarborough nữa, Trung Quốc hoàn toàn có thể khống chế Biển Đông trên thực tế.

Tạp chí The Week ngày 21/5 năm ngoái bình luận: USS Michigan, một tàu ngầm tên lửa lớp Ohio trong biên chế Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hải quân Hoa Kỳ có khả năng phá hủy “căn cứ không quân” Trung Quốc trên đảo nhân tạo Chữ Thập chỉ trong vài phút.

Một đợt tấn công với 10 tên lửa hành trình Tomahawk-D sẽ tạo ra “cơn mưa” 1660 quả bom bi trên đảo nhân tạo, phá hủy máy bay, radar, tháp điều khiển, kho chứa nhiên liệu, xe bảo dưỡng và kho đạn dược. USS Michigan mang tổng cộng 154 tên lửa Tomahawk.

Điều khá ngạc nhiên là những thông tin trái chiều với Trung Quốc lại được chính Bắc Kinh “xì” ra trong tạp chí Tàu thủy Hiện đại của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Trung Quốc, số tháng 6/2016.

Cũng trên tinh thần bài viết trước, chúng tôi không bàn về nội dung đánh giá giá trị quân sự của 7 đảo nhân tạo nói chung, Chữ Thập nói riêng.

Điều khiến chúng tôi đặc biệt chú ý là Trung Quốc “xì” những đánh giá tưởng chừng bất lợi cho họ nhằm mục đích gì?

Phải chăng họ đang áp dụng kế nghi binh, để các bên liên quan mơ hồ mất cảnh giác, thỏa mãn với năng lực phòng thủ hiện có vì tin rằng, Trung Quốc không thể tấn công ASEAN từ 7 căn cứ này như bình luận của Tan Kok Tim, hay chỉ vài phút tên lửa Tomahawk của Mỹ có thể xóa sổ đảo nhân tạo Trung Quốc ở Biển Đông như The Week?

Vì thế chúng tôi cho rằng, nói 7 đảo nhân tạo Trung Quốc dựng lên ở Biển Đông chỉ để “làm cảnh” e rằng là một cái bẫy nghi binh nguy hiểm.

Nếu không mổ xẻ, phân tích kỹ điều này, những thông tin gài bẫy như thế có thể dẫn đến tâm lý hả hê, lơ là mất cảnh giác trong dư luận, nhà binh gọi là “khinh địch”.

Chưa cần nói tới chuyện tấn công một hay vài nước nào đó trong ASEAN từ đây, gần nhất là nguy cơ, khả năng uy hiếp trực tiếp và mạnh mẽ của nó đến các nước có lực lượng đồn trú tại Trường Sa, trong đó có Việt Nam, là rất thật, rất lớn.

Ông Lưu Chấn Dân, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc từng tuyên bố rõ ràng, Trung Quốc chưa tìm cách chiếm đoạt phi pháp (họ gọi bằng cái tên mĩ miều và lừa đảo là “thu hồi”) các cấu trúc địa lý ở Trường Sa chứ không có nghĩa là họ không có ý đồ đó.

Chỉ trong năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình 3 lần công khai tuyên bố về cái gọi là “chủ quyền” Trung Quốc với quần đảo Trường Sa chắc hẳn cũng không phải chuyện chơi. 

Cho nên các bên liên quan, trong đó có Việt Nam không thể lơ là phòng bị vì những “phân tích, bình luận chim mồi” kiểu này.

Nhận định và khuyến cáo đáng chú ý của giới phân tích quốc tế với chiến lược của Việt Nam ở Biển Đông

The Guardian ngày 8/12 cho biết, quan sát hình ảnh chụp từ vệ tinh có thể thấy Việt Nam đang có hoạt động củng cố khả năng phòng thủ của mình ở đá Lát, Trường Sa.

Trevor Hollingsbee, một nhà phân tích tình báo hải quân của Bộ Quốc phòng Anh và đã nghỉ hưu, nhận định:

“Chúng ta có thể thấy rằng, trong bối cảnh hiện nay, sự mất lòng tin chiến lược của Việt Nam gần như hoàn toàn. Họ đang cải thiện nhanh chóng khả năng phòng thủ của mình.

Việt Nam đang làm mọi thứ có thể để sửa chữa bất kỳ lỗ hổng nào. Củng cố phòng thủ tại đá Lát là nhằm mục đích ấy.”

Chuyên gia an ninh hàng hải Greg Poling từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) nhận xét, hiện vẫn chưa rõ việc củng cố ở đá Lát như thế nào.

Thay vì một hoạt động cải tạo, nâng cấp phòng thủ, đó có thể là một nỗ lực đơn giản nhằm khơi thông lối vào đầm phá đá Lát để giúp tàu thuyền cung cấp và tàu cá ra vào dễ dàng.

Tuy nhiên ông cũng lưu ý: “Việt Nam biết lượng sức mình trong đấu tranh với Trung Quốc (ở Trường Sa), nhưng phải cải thiện khả năng phòng thủ và luôn cảnh giác.”

Chúng tôi nghĩ rằng, bình luận của hai học giả này rất xác đáng, phù hợp với diễn biến tình hình. Ở đây chỉ xin lưu ý thêm, hoạt động phòng thủ của Việt Nam hoàn toàn hợp pháp và chính đáng.

Một là nó diễn ra trên lãnh thổ hợp pháp của Việt Nam. Hai là các hoạt động mang tính củng cố chỗ đứng chân, trú ẩn cho tàu thuyển ngư dân Việt Nam khi đánh bắt tại Trường Sa.

Ba là quy mô các hoạt động cải tạo rất nhỏ, hầu như không ảnh hưởng nhiều đến môi trường và hệ sinh thái khu vực. Đặc biệt, nó không làm biến đổi diện mạo các cấu trúc địa lý ở Trường Sa như Trung Quốc đã và đang làm trái phép.

Chỉ cần so sánh những bức ảnh chụp từ vệ tinh mà phương Tây cung cấp, các nhà nghiên cứu quốc tế cũng như dư luận trong nước có thể thấy rất rõ sự khác biệt căn bản này.

Những hoạt động này cũng không đe dọa quốc gia nào, không ảnh hưởng gì đến an ninh và an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông. 

Bởi vậy người viết cho rằng, chúng ta cần phải tiếp tục củng cố thế trận phòng thủ ở Trường Sa chắc chắn hơn nữa.

Đồng thời chúng ta cũng cần kiên quyết bác bỏ bất cứ luận điểm nào đánh đồng hoạt động hợp pháp, hòa bình của chúng ta ở Trường Sa với hoạt động đảo hóa phi pháp các cấu trúc ở  Trường Sa và quân sự hóa chúng, như Trung Quốc đang làm.

RELATED ARTICLES

Tin mới