Chỉ có được Ukraine để rồi mất Hà Lan, đó sẽ là quyết định của Brussels khai tử EU, dù liên minh kinh tế này tồn tại hay không tồn tại nữa.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte kiên quyết phản đối Ukraine gia nhập EU. Ảnh : Reuters
Tờ Financial Times của Anh ngày 9/12 cho biết, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tuyên bố nước này kiên quyết phản đối Ukraine gia nhập EU.
Người đứng đầu chính phủ Hà Lan yêu cầu giới lãnh đạo của Liên minh châu Âu phải đảm bảo rằng thỏa thuận liên kết với Ukraine không liên quan đến các vấn đề quốc phòng cũng như việc Ukraine trở thành thành viên tương lai của EU.
EU và Ukraine đã có hiệp định liên kết về kinh tế, chính trị và thương mại. Tuy nhiên, hồi tháng 4/2016, Hà Lan đã có một cuộc trưng cầu dân ý và kết quả là đa số người dân Hà Lan chống lại liên kết EU – Ukraine vì lo ngại thỏa thuận sẽ buộc EU phải hỗ trợ tài chính hoặc quân sự cho Ukraine.
Chính phủ Hà Lan tuyên bố sẽ tôn trọng ý nguyện của người dân.
Trong khi đó, để thỏa thuận liên kết EU – Ukraine có giá trị thực thi thì nó phải được tất cả các quốc gia thành viên EU phê chuẩn. Thủ tướng Hà Lan lo ngại thoả thuận liên kết EU – Ukraine có thể là khởi đầu cho việc Ukraine gia nhập EU trong tương lai. Hiện nhiều nước thành viên EU, trong đó có Hà Lan, kiên quyết phản đối việc cho Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu.
Ngày 9/12/1991 EU chính thức ra đời, thay thế cho EC. Đã 1/4 thế kỷ trôi qua, EU đã có nhiều bước tiến mạnh mẽ, nhất là sự mở rộng về hướng đông với hàng loạt thành viên của Hội đồng Tương trợ Kinh tế (COMECON) gia nhập liên minh kinh tế này.
Tuy nhiên, trong thời diểm hiện tại EU đang có nhiều dấu hiệu bất ổn, mà sự lệch pha giữa nguyên tắc nền tảng với tham vọng của giới lãnh đạo đang khiến EU có hiện tượng phân rã.
Sau khi người dân nước Anh chọn rời bỏ EU – Brexit – xu thế li tâm EU ngày thể hiện rõ. Do vậy, chỉ cần một vấn đề gây hiệu ứng tiêu cực là có thể khiến EU đối diện với nguy cơ tan rã.
Theo Financial Times, nếu Brussels xem nhẹ ý nguyện của người dân Hà Lan thì việc Hà Lan rời khỏi EU – Nexit – là hoàn toàn có thể xảy ra và khi đó EU sẽ khó có thể tồn tại.
EU liên kết với Ukraine chỉ vì muốn gia tăng xung đột với Nga
Financial Times cho rằng người dân Hà Lan phản đối thoả thuận liên kết EU – Ukraine, ngoài việc EU có thể viện trợ cho Kiev và tìm cách đưa Ukraine gia nhập EU và vì trách nhiệm của Kiev đối với “thảm họa MH17” – khi chiếc máy bay chở khách bị bắn rơi trên bầu trời Ukraine, khiến 196 người Hà Lan đã thiệt mạng, thì họ còn muốn EU không gia tăng xung đột với Nga.
Thủ tướng Hà Lan Rutte đã cho biết ông muốn EU phải thống nhất về chính sách đối ngoại với Nga. Điều đó cho thấy The Hague đã cảm nhận sự nguy hại khi Brussels liên kết với Kiev chỉ vì mục đích chính trị – gây xung đột với Moscow. Rõ ràng, lãnh đạo các quốc gia thành viên không hoàn toàn thống nhất với giới lãnh đạo EU trong việc gây bão chính trị với Nga.
Có thể thấy rằng, lợi ích mà Brussels có thể tìm kiếm ở Ukraine lúc này gần như không còn gì, ngoài lập trường chống Nga của chính quyền Kiev. Bởi lẽ, với một chính trường luôn nghiêng ngả và hỗn loạn, Brussels không thể nắm được quân cờ nào để có thể thực hiện những nước đi khả dĩ nhằm khai thác lợi ích từ Ukraine.
Cũng từ sóng gió liên tục trên chính trường nên xã hội Ukraine luôn bất ổn. Thực tế đó trở thành rào cản rất lớn đối với giới đầu tư quốc tế hướng về Ukraine. Và điều đó cũng lý giải vì sao “những người anh em xa” chỉ rót nước lã cho Kiev cầm hơi. Bởi tham nhũng và vô tổ chức là hai vấn nạn của chính quyền Ukraine khiến Washington và đồng minh ngán ngại.
Như vậy, lực hút từ Ukraine là rất nhỏ. Dường như Kiev cũng đã nhận ra hiệu ứng tiêu cực đó nên họ phải dùng thứ vũ khí duy nhất còn lại của họ để tạo ra sức hút với “những anh em xa”. Đó là thể hiện sự đối trọng ngày càng gay gắt với Moscow. Từ chỉ trích, lên án Kremlin đến gây hấn, thách thức Moscow – nghĩa là Kiev quyết “bán láng giềng gần” để “mua anh em xa”..
Khi Putin cho sáp nhập bán đảo Crimea, thì thứ vũ khí quy nhất của Kiev trở thành công cụ cho Washington và đồng minh sử dụng. Nằm trong liên minh cấm vận nước Nga, Brussels cũng sử dụng cái công cụ đó phục vụ việc xem xét siết cấm vận nước Nga.
Việc liên kết với Kiev, rồi có thể kết nạp Ukraine vào EU có thể được xem là Brussels sử dụng Kiev để trừng phạt Moscow.
Tuy nhiên, lựa chọn Kiev để gây xung đột với Moscow không thể được xem là nước đi sáng suốt của giới lãnh đạo EU. Bởi lẽ trừng phạt Moscow từ ván cờ Ukraine sau “sự kiện Crimea” hoàn toàn khác với việc khai thác sự thù địch của Kiev nhằm gia tăng hiệu quả cho cấm vận. Dùng Kiev tạo đối trọng với Moscow chỉ khiến Brussels mất nhiều hơn được.
Chính vì vậy, nhiều quốc gia thành viên đã phản đối cách làm đó của giới lãnh đạo EU, mà Hà Lan là quyết liệt nhất khi đã thực hiện hẳn một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này.
EU có thề tan rã bởi mâu thuẫn kép hình thành từ việc liên kết với Ukraine
Theo giới quan sát, ngay cả khi Thủ tướng Rutte ủng hộ thoả thuận liên kết EU – Ukraine, thì thoả thuận cũng khó được thông qua vì chính phủ Rutte là chính phủ thiểu số, do vậy một thoả hiệp giữa Brussels và The Hague có thể sẽ bị Thượng viện Hà Lan gạt bỏ. Hiện nay cả phe cánh tả lẫn phe cánh hữu tại Hà Lan đều yêu cầu chính quyền tuân theo kết quả trưng cầu dân ý.
Trong khi đó, năm 2016 là một năm có nhiều trắc trở với chính sách thương mại của EU. Thỏa thuận thương mại tự do giữa EU và Canada gần như sụp đổ sau khi một vùng của Bỉ từ chối phê chuẩn, khiến Brussels phải có một tuần đàm phán căng thẳng nhằm cứu vãn thoả thuận. Cuộc đàm phán giữa EU và Mỹ thì không thể tiếp tục khi gặp sự phản đối từ Đức và Pháp.
Điều đó khiến liên kết EU – Ukraine sẽ tạo thêm áp lực với các thành viên EU. Bởi lẽ, lợi ích khai thác được từ Ukraine thì không đáng kể nhưng lại phải chia lợi ích cho Kiev, thậm chí có thể phải đối mặt với việc Kiev tạo bất bình đẳng để hưởng lợi từ EU. Điều đó rất dễ xảy ra với các nước có truyền thống tự do về kinh tế như Hà Lan. Do vậy, liên kết EU – Ukraine sẽ gặp rào cản từ The Hague.
Tuy nhiên “ một số nước thành viên EU lại muốn cửa mở để Kiev có thể gia nhập liên minh kinh tế này, bất chấp sự phản đối gay gắt từ các nước như Hà Lan. Những người ủng hộ thỏa thuận liên kết EU – Ukraine xem đây là một thứ vũ khí hữu hiệu chống lại sự xâm lược của Nga tại Ukraine”, theo Financial Times.
Như vậy là liên kết EU – Ukraine đã tạo ra “mâu thuẫn kép” trong nội bộ EU. Đó là mâu thuẫn giữa các thành viên EU với nhau và mâu thuẫn giữa giới lãnh đạo EU với các thành viên phản đối liên kết EU – Ukraine. Mâu thuẫn trong EU vốn đã tạo ra sự phân rã, mà việc người Anh lựa chọn Brexit là thể hiện rõ điều ầy, nay mâu thuẫn kép bởi liên kết Ukraine có thể khiến EU tan rã.
Bởi lẽ, việc người Anh chọn Brexit chỉ dơn giản là họ cảm nhận lợi ích nước Anh nhận được từ EU chưa tương xứng, song nếu Hà Lan tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc Hà Lan ra đi hay ở lại EU thì cơ sở cho quyết định của người dân Hà Lan còn có sự cộng hưởng từ việc phải chia sẻ lợi ích cho Ukraine mà không kỳ vọng ở lợi ích hồi quy.
Hiện tại, các lực lượng chính trị ở Hà Lan không quyết tâm thúc đẩy cho một cuộc trung cầu dân ý về “Nexit”, song nếu giới lãnh đạo EU quyết tâm để có thể thực thi thoả thuận liên kết EU – Ukraine thì sự thể sẽ khác.
Chỉ có được Ukraine để rồi mất Hà Lan, đó sẽ là quyết định của Brussels khai tử EU, dù liên minh kinh tế này có tồn tại hay không tồn tại nữa.