Friday, January 10, 2025
Trang chủBiển nóngTQ trả tàu lặn Mỹ theo luật nào?

TQ trả tàu lặn Mỹ theo luật nào?

Các chuyên gia nhân định, vụ việc xảy ra với chiếc tàu lặn tự động của Mỹ có thể là tín hiệu cảnh báo của Trung Quốc gửi cho Donald Trump.

Trung Quốc đã trả lại tàu lặn không người lái của hải quân Mỹ.

Trung Quốc trả lại tàu lặn không người lái cho Mỹ

Washington và Bắc Kinh đã đạt được thỏa thuận về việc trao trả cho Hải quân Mỹ thiết bị không người lái dưới nước mà tàu quân sự của Trung Quốc đã thu giữ vào tuần trước trong khu vực Biển Đông.

Phát biểu tại Bắc Kinh ngày 19/12, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân cho biết, Bắc Kinh đã quyết định trao trả lại thiết bị này cho Mỹ “theo cách thức phù hợp”.

Khi bị bắt giữ, chiếc tàu lặn ngầm này đang tiến hành công việc phục vụ nghiên cứu phù hợp với chuẩn mực pháp lý quốc tế, bởi khi đó, nó đang di chuyển ở vùng biển quốc tế, phù hợp với các quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).

Chính quyền Mỹ phản đối hành động bắt giữ chiếc tàu lặn không người lái của Trung Quốc và coi đó là hành động bất hợp pháp, chà đạp lên luật lệ quốc tế. Không ai có thể nghi ngờ về quyền sở hữu của chiếc tàu này bởi vì trên vỏ của nó viết rõ: “thuộc quyền sở hữu của Mỹ”. 

Theo Bắc Kinh, các thủy thủ của tàu chiến Trung Quốc đã phát hiện “đối tượng không xác định” và giữ thiết bị ngầm để “ngăn chặn thiệt hại cho an toàn hàng hải và nhân viên trên các tàu đi qua”. Sau đó, họ đã nghiên cứu thiết bị ngầm “với tính chuyên nghiệp và trách nhiệm”.

Bản báo cáo của phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rõ rằng, trong suốt vụ việc này, hai bên thường xuyên liên lạc với nhau. Sau khi xác định được thiết bị này thuộc sở hữu của Mỹ và mang tính chất vô hại, Bắc Kinh đã ngay lập tức trả nó lại cho chủ sở hữu.

Bắt giữ tàu lặn Mỹ: Đòn cảnh cáo của Bắc Kinh?

Vụ việc với chiếc tàu lặn tự động đã xảy ra vào thời điểm căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung do một số phát biểu của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, có liên quan đến chính sách đối với Trung Quốc sau khi ông lên nhậm chức – nhà phân tích Mikhail Korostikov cho biết.

Hơn nữa, trước thềm lễ nhậm chức của mình vào ngày 20/01, ông Donald Trump cũng lên tiếng so sánh việc làm của Trung Quốc tương tự như “hành động ăn cắp” và đề xuất với chính quyền Barak Obama là “không nhận lại thiết bị lặn tự động bị Trung Quốc bắt giữ”.

Cần lưu ý rằng, các thủy thủ Trung Quốc đã thu giữ chiếc tàu lặn không người lái ở vùng biển không thuộc phạm vi của cái gọi là “đường chín đoạn” (hay còn gọi là Đường lưỡi bò), mà thông qua đó, Trung Quốc công bố chủ quyền đối với 80% lãnh thổ Biển Đông.

Vào ngày 12/7/2016, Tòa án Trọng tài quốc tế ở The Hague đã đưa ra một phán quyết, theo đó, “Trung Quốc không có căn cứ pháp lý nào để đòi chủ quyền lịch sử, yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trong vùng biển thuộc phạm vi ‘đường chín đoạn’, đã vượt quá các quyền được quy định trong ‘Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển’”.

Trong bản phán quyết dài 497 trang, PCA kết luận rằng, Trung Quốc không có căn cứ pháp lý để khẳng định quyền lịch sử đối với vùng biển nằm trong “đường chín đoạn”, đồng thời cũng không có thực thể nào ở Quần đảo Trường Sa có thể mang lại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cho Trung Quốc.

Theo thông cáo báo chí của PCA, Tòa Trọng tài kết luận các thực thể nổi (khi thủy triều lên) ở Quần đảo Trường Sa là những “bãi đá”, do đó nó không có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa, đang bị Đài Loan kiểm soát cũng không thể tạo ra EEZ.

Bắc Kinh không công nhận phán quyết của tòa án quốc tế, còn Mỹ đã ủng hộ phán quyết PCA và thường xuyên tiến hành các”hoạt động đảm bảo tự do hàng hải” ở Biển Đông, ví dụ như cử máy bay hay tàu chiến đến sát gần các hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc.

Ông Mikhail Korostikov nói trong phần kết luận rằng, vụ việc với thiết bị không người lái dưới nước có liên quan đến tình trạng hiện nay trong quan hệ Trung-Mỹ và đặc biệt là trong thời gian tới, khi tân Tổng thống Donald Trump chính thức nắm quyền điều hành Nhà Trắng.

Trong chiến dịch tranh cử, Donald Trump đã đề xuất áp dụng mức thuế 45% đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc vào Mỹ và cam kết sẽ tuyên bố Bắc Kinh đã có hành vi thao túng tiền tệ.

Sau thắng lợi trong cuộc bầu cử, ông Trump lại tiếp tục có những hành động “ve vuốt” Đài Loan, khiến giới chức lãnh đạo Trung Quốc đau đầu về chính sách “Một Trung Quốc”, mà đây là chính sách quan trọng nhất trong đường lối lãnh đạo của Bắc Kinh.

Trung Quốc đã bày tỏ thái độ tiêu cực đối với các tuyên bố đó và lấy làm quan ngại về tương lai của mối quan hệ giữa hai nước, cả trong lĩnh vực kinh tế và trong lĩnh vực an ninh.

Việc thu giữ chiếc tàu lặn ngầm của Mỹ không thể là hành động nhầm lẫn mà nó là một lời cảnh báo cho ông Trump rằng, Trung Quốc có đủ khả năng can thiệp vào hoạt động tình báo của Mỹ ở khu vực nhạy cảm này hay thậm chí là sẽ có những hành động cứng rắn hơn đối với Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới