Friday, January 10, 2025
Trang chủBiển nóngTranh chấp ở Biển Đông là do ý thức hệ?

Tranh chấp ở Biển Đông là do ý thức hệ?

Tôi là một người Trung Quốc, tôi cũng yêu nước, nhưng trong vấn đề Biển Đông, tôi càng muốn nhấn mạnh rằng đầu tiên mình là một bộ phận của nhân loại.

Học giả Trương Bác Thụ trả lời phỏng vấn tạp chí Minh Kính

Tạp chí Minh Kính, Hồng Kông ngày 27/12 đăng bài phân tích đáng chú ý của học giả Trương Bác Thụ, Giáo sư thỉnh giảng Đại học Columbia phát biểu tại hội thảo lần thứ 23, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, New York, Mỹ về Biển Đông.

Học giả Trương Bác Thụ sinh năm 1955 tại Bắc Kinh, năm 1982 tốt nghiệp cử nhân kinh tế Đại học Nhân dân Trung Quốc, năm 1985 làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ triết học tại Viện Nghiên cứu sinh thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc và hiện đang sống tại Hoa Kỳ.

Ông có khá nhiều bài phân tích, bình luận về các tranh chấp phức tạp trên Biển Đông với thái độ khách quan, tôn trọng luật pháp quốc tế.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin đăng tải nội dung bình luận mới nhất của ông về Biển Đông tại Hội thảo lần thứ 23, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, New York, Mỹ.

Nếu Trung Quốc thực sự “trỗi dậy hòa bình”, nên chủ động tuyên bố hủy bỏ đường lưỡi bò

“Yêu sách chủ quyền của các bên ở Biển Đông thực ra đều có những điểm không hợp lý, trong đó yêu sách của Trung Quốc có nhiều điểm phi lý hơn cả. Nếu các bên liên quan đều y cứ theo UNCLOS 1982 để giải quyết tranh chấp, thì mọi việc tương đối đơn giản.

Ví dụ, nếu các nước đều căn cứ theo UNCLOS 1982, vạch 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế từ đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải, thì Biển Đông sẽ có một vùng biển quốc tế thuần túy rất lớn.

Trên cơ sở hoạch định rõ ràng giới hạn vùng đặc quyền kinh tế, hợp tác giữa các nước mới dễ tiến hành, bao gồm cùng khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường, trong bối cảnh sinh thái khu vực đang ngày càng xuống cấp.

Thế nhưng các bên liên quan vì lợi ích cá nhân mà ra sức tranh đoạt, càng làm cho môi trường Biển Đông bị phá hoại. Điều này không chỉ phá hủy tương lai chung của khu vực, mà cũng hủy hoại tương lai của chính mình.

Đó là ví dụ điển hình của trò chơi “song đề” có tổng bằng không (Prisoner’s Dilemma).

Nếu giải quyết tranh chấp các cấu trúc ở Trường Sa theo “quyền lịch sử” được xem là một biện pháp, cho dù UNCLOS 1982 không nhắc đến, thì Đài Loan có thể yêu sách đảo Ba Bình vì đã chiếm giữ đảo này hơn nửa thế kỷ.

Trong trường hợp này, Đài Loan có thể đòi yêu sách cả quần đảo Trường Sa vì đảo Ba Bình có 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế, nhưng ngay lập tức sẽ có xung đột.

Bởi lẽ đảo Nam Yết mà Việt Nam đang giữ, đảo Thị Tứ mà Philippines đang chiếm đóng cũng có thể yêu sách 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế.

Giới hạn của loài người bộc lộ rất rõ ở điểm này. Nếu mà các bên đều đối diện với vấn đề này một cách tỉnh táo và bình tĩnh, tôn trọng UNCLOS 1982 trên tinh thần: những gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác, xử lý tranh chấp Biển Đông không khó.

Đặc biệt là Trung Quốc, với tư cách nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, quốc gia lớn nhất ở khu vực Biển Đông, đồng thời đưa ra yêu sách “to nhất” khiến các bên vừa phải đề phòng, vừa lo sợ.

Nếu thực sự Trung Quốc muốn trỗi dậy hòa bình, thì nên thể hiện rõ thái độ trong vấn đề Biển Đông, chủ động vượt qua những giới hạn tâm lý và nhận thức thời Trung Hoa Dân Quốc, thừa nhận đường chữ U không hợp lý, cho dù nó được xem là kết quả “yêu nước” của thời kỳ này.

Tôi là một người Trung Quốc, tôi cũng yêu nước, nhưng trong vấn đề Biển Đông, tôi càng muốn nhấn mạnh rằng đầu tiên mình là một bộ phận của nhân loại.

Cần nhìn vấn đề ở góc độ nhân loại, chứ không phải góc độ quốc gia. Điều đó nên là thái độ cần có của nhân loại văn minh.

Tiếc rằng cho đến hiện nay, từ những nhà lãnh đạo cao nhất cho đến Bộ Ngoại giao và bộ máy tuyên truyền quan liêu của Trung Quốc, đều hành xử theo kiểu khôn vặt.

Một mặt họ vẫn bám lấy câu (Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi với Biển Đông) “từ thời cổ đại”, mặt khác dùng mọi thủ đoạn để phân hóa chia rẽ ASEAN.

Ví dụ nổi bật nhất là, Trung Quốc không muốn đàm phán về Biển Đông với ASEAN, mà đòi đàm phán tay đôi với từng nước yêu sách.

Nhưng Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei thừa biết, Trung Quốc quá lớn, đàm phán tay đôi với Trung Quốc e rằng dễ bị lép vế. Năm 2002 ASEAN và Trung Quốc ký COC, nhưng đây không phải văn kiện pháp lý có tính ràng buộc.

Trong khi đó năm 2012 Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough từ tay Philippines, đó là sự thể hiện sức mạnh nước lớn, nhưng cũng là bi kịch của siêu cường.

Bởi nó chứng minh, Trung Quốc vẫn đi theo con đường thực dân kiểu cũ, mà chỉ hơn 100 năm trước, chính Trung Quốc cũng từng là nạn nhân.”

“Ý thức hệ” khiến tranh chấp Biển Đông rơi vào bế tắc

“Tôi xin nhắc lại rằng, cứ bám theo các nguyên tắc cơ bản của UNCLOS 1982 thì tìm ra lối thoát cho vấn đề Biển Đông không khó.

Hiện tại các tranh chấp ở Biển Đông sở dĩ ngày càng phức tạp, ngày càng khó giải quyết, thậm chí là bế tắc, ngoài yếu tố lợi ích hẹp hòi của chủ nghĩa dân tộc, tư duy cá lớn nuốt cá bé, các nước đặc biệt là nước lớn chỉ biết đến lợi ích của mình, thì còn một nguyên nhân đặc thù hơn nữa, đó là cạnh tranh Trung – Mỹ.

Cạnh tranh Trung – Mỹ ở Biển Đông được nhà nước Trung Quốc công khai tuyên truyền thành: Biển Đông chả liên quan gì đến nước Mỹ, Hoa Kỳ là kẻ ngoài cuộc tự nhiên chạy đến gây sự.

Chiến lược tái cân bằng của Mỹ sang châu Á là nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, do đó Mỹ luôn tìm cách gây chuyện ở Biển Đông.

Báo đài nhà nước Trung Quốc ra rả tuyên truyền những điều này từ sáng đến tối khuya, nhồi nhét những điều này vào đầu người dân.

Nhưng người Mỹ thì lý giải về Biển Đông hoàn toàn khác, mà dân Trung Quốc thì không được nghe điều này.

Với người Mỹ, họ không đứng về bên nào trong vấn đề “chủ quyền”, họ không tham gia tranh cãi về chủ quyền. Cái họ cần bảo vệ là tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

Việc Trung Quốc “quăng chài” khắp Biển Đông và nói vùng biển này là “chủ quyền” của họ thật không thể chấp nhận. Mỹ không thừa nhận điều này.

Các tướng lĩnh quân đội Hoa Kỳ còn đặc biệt nhấn mạnh, tàu chiến Mỹ hoạt động ở Biển Đông là vùng biển quốc tế, không phải ao nhà hay “lãnh hải” của Trung Quốc, Bắc Kinh đừng đánh tráo khái niệm.

Đây là nguyên tắc nhất quán của Mỹ hoạt động trên khắp các vùng biển và đại dương, không riêng gì Biển Đông. Tất nhiên, hai nước vẫn duy trì lập trường riêng của mình, không bên nào nhượng bộ bên nào.

Tuy nhiên gần đây tôi nhiều lần nhấn mạnh, tìm hiểu lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông thì không nên chỉ xem xét nó như vấn đề lợi ích “quốc gia dân tộc”, mà nó còn là lợi ích chính trị của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Lãnh đạo Trung Quốc xem sự tồn vong của đảng Cộng sản Trung Quốc cao hơn tất cả. Rắc rối nằm ở chỗ này.

Mặc dù trong mọi cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, Bắc Kinh đều thể hiện qua hình thức “lợi ích quốc gia dân tộc”, ví dụ như thực hiện công cuộc phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa, nói đến Biển Đông thì họ tuyên truyền rằng mình đang “bảo vệ di sản tổ tông để lại”.

Trung Quốc thường xuyên sử dụng cách nói này để giải thích các hành vi của mình.

Bắc Kinh tin rằng, Trung – Mỹ không cùng giá trị quan, ý thức hệ, chế độ xã hội, và nước Mỹ chỉ tìm cách kiềm chế Trung Quốc, diễn biến hòa bình với Trung Quốc, và thậm chí muốn lật đổ Trung Quốc.

Do đó với Bắc Kinh mà nói, cạnh tranh Trung – Mỹ là một mất một còn, là cuộc chiến sinh tử mang tính toàn cầu.

Chính điều đó đã “ám” vào vấn đề Biển Đông: tranh chấp Biển Đông không phải xung đột truyền thống giữa các quốc gia, dân tộc trong khu vực, mà là thể hiện sự xung đột của 2 ý thức hệ, 2 chế độ xã hội căn bản đối lập giữa 2 siêu cường toàn cầu.

Biển Đông trở thành nơi “giao tranh” giữa 2 ý thức hệ, trong đó đảng Cộng sản Trung Quốc đã biến Biển Đông thành vấn đề “lợi ích quốc gia thuần túy” (để gây chú ý và tìm kiếm sự ủng hộ từ dư luận, dân chúng).

Chính vì vậy, việc giải quyết các tranh chấp Biển Đông càng trở nên khó khăn khi nó bị dân túy hóa (chính trị hóa). Khi bị ngụy trang thành “lợi ích quốc gia, dân tộc” thì không ai dám nhượng bộ, và không thể nhượng bộ.

Dân Trung Quốc mỗi ngày đều được tuyên truyền điều này, và thực tế Trung Quốc đang cắt đứt đường lùi của chính mình. Cứ tiếp tục thế này, làm sao có thể suy nghĩ tỉnh táo, giải quyết tranh chấp theo UNCLOS 1982?

Đó là lý do tại sao nói một cách cầu thị, đường lưỡi bò của anh lấn đến tận cửa nhà người khác, kể cả tình lẫn lý đều không ai nghe được.

Tiếc rằng những tiếng nói phản biện điều này khó có thể nghe được ở Trung Quốc đại lục. Tôi chỉ nghe thấy một ngoại lệ duy nhất tại cuộc hội thảo về Biển Đông do Sở nghiên cứu Thiên Tắc tổ chức năm 2012, một số học giả đã phát biểu tương đối khách quan.

Tóm lại, tranh chấp Biển Đông sở dĩ ngày càng phức tạp, bề ngoài là vấn đề khu vực, tranh chấp giữa các nước yêu sách, nhưng thực chất đây là nơi cạnh tranh chiến lược toàn cầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Mặc dù Trung Quốc mới bắt đầu tiến xuống Biển Đông những năm 1980 và khi đó họ không nghĩ nhiều như bây giờ, nhưng hiện tại, đặc biệt là vài năm qua kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, yếu tố cạnh tranh Trung – Mỹ ở Biển Đông ngày càng rõ nét, tranh chấp ngày càng khó giải quyết, thậm chí có thể rơi vào bế tắc”.

Cá nhân người viết đánh giá rất cao thái độ cầu thị, khách quan và thượng tôn pháp luật của học giả Trương Bác Thụ, bất chấp những tuyên truyền sai lạc của Trung Quốc về Biển Đông.

Người viết chỉ xin lưu ý một chi tiết về UNLCOS 1982, đó là Phán quyết Trọng tài 12/7 của Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 xét xử vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc đã khẳng định rất rõ:

Một là đường chữ U, còn gọi là đường lưỡi bò hay đường đứt đoạn ở Biển Đông không có căn cứ và giá trị pháp lý.

Hai là không có bất kỳ cấu trúc nào ở Trường Sa có 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế theo Điều 121 Quy chế đảo, UNCLOS 1982, nên đặt vấn đề về vùng đặc quyền kinh tế cho một số cấu trúc như Ba Bình, Nam Yết, Thị Tứ là không đúng UNCLOS 1982 và không cần thiết.

Bài phân tích của học giả Trương Bác Thụ còn cho thấy giới học giả Trung Quốc trong và ngoài nước vẫn có những tiếng nói trung thực, thượng tôn pháp luật, biết đúng biết sai bất chấp guồng máy tuyên truyền sai sự thật vẫn ra rả ngày đêm.

Vì vậy những chân giá trị của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 mà Trung Quốc đã từng rất tích cực tham gia xây dựng, luôn luôn tồn tại, cho dù có những lúc gặp khó khăn và bị lấn lướt bởi những tham vọng chính trị vĩ cuồng, nhưng không vì thế mà ngọn lửa công lý quốc tế có thể bị dập tắt trong chính đội ngũ các nhà nghiên cứu Trung Quốc chân chính.

RELATED ARTICLES

Tin mới