Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiÔng Putin sẽ làm gì nếu Mỹ không còn là đối thủ?

Ông Putin sẽ làm gì nếu Mỹ không còn là đối thủ?

Nếu Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump thực hiện theo đúng tuyên bố trước đó về việc sẽ phát triển mối quan hệ tốt đẹp với Nga, Moscow sẽ không còn phải đối đầu với Mỹ trong nhiều vấn đề. Vậy lúc đó Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ làm gì?

Theo tờ Tin tức nước Nga (RBTH), Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có hướng đi cân bằng hơn trong thời gian tới.

Điều đó được thể hiện rất rõ trong thông điệp Liên bang hàng năm được ông công bố hôm 1/12 vừa qua. Mặc dù ông vẫn đề cập đến những vấn đề như năm ngoái nhưng giọng điệu của ông đã có phần nhẹ nhàng hơn.

Giới chuyên gia lý giải, sở dĩ ông Putin thay đổi như vậy bởi Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump đang tỏ ra khá thân thiện với Moscow cũng như bởi Moscow đang có lợi thế hơn hẳn Mỹ ở nhiều vấn đề như tình hình Syria và Ukraine.

Tập trung ổn định kinh tế

Ông Konstantin Kalachev, người đứng đầu nhóm Chuyên gia Chính trị ở Moscow nhận định, thông điệp Liên bang của ông Putin năm nay nhẹ nhàng hơn bởi ông đang theo đuổi một chính sách cân bằng và ôn hòa với trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước.

Trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây cũng như giá năng lượng giảm đang gây tổn hại lớn cho nền kinh tế Nga, Moscow cần tìm ra nhiều biện pháp khác để ổn định và phát triển.

Nhiều người cho rằng, đây là một nhiệm vụ rất khó cho ông Putin dù ông vẫn đang được người dân trên khắp nước Nga ủng hộ. Bà Tatyana Golikova, Chủ tịch Cơ quan Kiểm toán Liên bang Nga cho hay, nước Nga sẽ sớm phải đối mặt với nhiều vấn đề kinh tế lớn khi nguồn quỹ dành cho ổn định đất nước dần cạn đi.

Chính sách nới lỏng quy định cho các doanh nghiệp nhỏ cũng như xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng mới do chính phủ tài trợ có thể đem lại nhiều lợi ích.

Ngoài ra, giới chuyên gia dự đoán, ông Putin sẽ đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng. Trước đó, Điện Kremlin đã thể hiện quyết tâm chống tham nhũng sâu rộng sau khi bắt Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexey Ulyukayev về tội tham nhũng hôm 15/11.

Trong khi đó, ông Nikolai Mironov, một chuyên gia chính trị của Trung tâm Cải cách Kinh tế và Chính trị ở Moscow tin rằng ông Putin sẽ tập trung cải thiện hệ thống phúc lợi xã hội, chi tiêu nhiều hơn cho giáo dục và y tế.

Ưu tiên giảm căng thẳng với phương Tây, củng cố vai trò trong các cuộc đàm phán về Syria

Về đối ngoại, theo RBTH, ông Putin sẽ cố giảm sự căng thẳng trong mối quan hệ với phương Tây.

Ông Simon Saradzhyan, giám đốc Dự án Các vấn đề Nga của trường Quản lý Nhà nước Kennedy thuộc Đại học Harvard, nhận định, việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ và các thành viên chủ chốt của Liên minh châu Âu sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông Putin trong năm tới.

Ông Putin sẽ làm gì nếu Mỹ không còn là đối thủ? - Ảnh 1.

Mối quan hệ Nga – Mỹ được dự đoán sẽ “dễ chịu” hơn khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ.

Mục tiêu này được cho là dễ dàng thực hiện khi ông Donald Trump chính thức trở thành tân Tổng thống Mỹ. Hơn nữa, những ứng cử viên Tổng thống sáng giá của Pháp như François Fillon và của Đức như ông Frank-Walter Steinmeier đều là những người ủng hộ mạnh mẽ ý tưởng bình thường hóa quan hệ với Nga.

Ngoài ra, một khi sự đối đầu của Mỹ đối với Nga được giảm đi hoặc hơn nữa là biến mất, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm cơ hội gỡ bỏ những lệnh trừng phạt đối với Nga.

Ông Saradzhyan nói: “Ông Putin có cơ hội xóa bỏ các biện pháp trừng phạt của EU, đặc biệt khi có bất kì tiến bộ nào đó trong việc thực thi thỏa thuận Minsk-2 ở miền Đông Ukraine và nếu ông Assad cùng các đồng minh tạm dừng hoặc giảm đi các chiến dịch giành thêm lãnh thổ ở Syria sau khi đã giải phóng được Aleppo”.

Dù vậy, theo ông Saradzhyan, trong khi bình thường hóa quan hệ với phương Tây, ông Putin vẫn sẽ tiếp tục những nỗ lực để đảm bảo rằng cả Ukraine và Georgia đều không bị rơi vào tay NATO.

Ông Saradzhyan nhấn mạnh: “Ông Putin sẽ vẫn làm như vậy (ở Ukraine và Georgia) dù cái giá phải trả là tiếp tục một cuộc Chiến tranh lạnh mới với phương Tây. Ông xem các quốc gia láng giềng hậu Xô Viết (ngoại trừ các nước Baltic) là vùng ảnh hưởng đặc quyền của Nga”.

Do vậy, vị chuyên gia này nhận định tiếp: “Ông Putin sẽ sẵn sàng hy sinh nhiều thứ khác để duy trì vai trò dẫn đầu của Nga trong khu vực với hy vọng tích hợp khu vực này thành một liên minh quân sự, chính trị và kinh tế nhằm góp phần giúp Nga trở thành một cực độc lập, không thể thiếu trong trật tự toàn cầu bên cạnh Mỹ và Trung Quốc”.

Riêng ở Syria, nhân đà quân chính phủ dưới sự hỗ trợ của không quân Nga đang thắng thế, Tổng thống Nga Putin có thể sẽ thực hiện những bước đi tiếp theo để củng cố vai trò của Nga trong các cuộc đàm phán hòa bình về Syria.

Hơn nữa, ông Putin cũng đang có vị thế khá thoải mái ở Syria khi Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump tuyên bố sẽ hợp tác với Nga để chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang hoạt động ở Syria và Iraq.

Lập trường này đối lập hẳn với lập trường của chính quyền Mỹ dưới thời ông Barack Obama.

RELATED ARTICLES

Tin mới