Chào các bạn,
Như các bạn đã biết, thời gian qua tình
hình Biển Đông diễn biến hết sức phức tạp do các bên liên quan triển khai nhiều
hoạt động củng cố yêu sách chủ quyền của mình. Đặc biệt, Trung Quốc ngày càng đẩy
mạnh các hoạt động gây tình hình căng thẳng ở Biển Đông. Họ tăng cường hiện đại
hoá quân đội, nhất là lực lượng hải quân, xây dựng căn cứ tàu ngầm hạt nhân ở Hải
Nam; thành lập thành phố “Tam Sa” và mới đây là thông qua Luật bảo vệ hải đảo.
Đặc
biệt, từ tháng 5/2009, Trung Quốc cho lưu hành bản đồ về “đường lưỡi bò” tại Liên
Hợp Quốc, chiếm đến 80% diện tích Biển Đông và đang ra sức đẩy mạnh các hoạt động
nhằm từng bước khẳng định trên thực tế yêu sách “đường lưỡi bò”; đưa nhiều tàu,
kể cả tàu khu trục xuống tuần tiễu dọc theo “đường lưỡi bò”, tiến hành tập trận
quy mô lớn ở Biển Đông, đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông….
Những hoạt động của Trung Quốc vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài
phán của Việt Nam ở Biển Đông, tác động tiêu cực đến hoà bình ổn định trên Biển
Đông, gây mối lo ngại đối với các nước ven Biển Đông về “một nguy cơ Trung Quốc”.
Dư luận quốc tế bất bình trước những hoạt động có nguy cơ gây mất ổn định ở khu
vực của Trung Quốc. Nhiều học giả, nhà nghiên cứu đã lên tiếng phê phán yêu sách
“đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc.
Đáp lại những việc làm sai trái của
Trung Quốc, Chính quyền Việt Nam đã có một số biện pháp khẳng định chủ quyền và
bảo vệ lợi ích trên biển của Việt Nam như trình lên Uỷ ban Thềm lục địa Liên Hợp
Quốc Báo cáo xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam; tiến hành Hội thảo
quốc tế về Biển Đông; lập trang web về biên giới lãnh thổ, trong đó cung cấp
nhiều tư liệu chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối
với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Nhà nước đầu tư tăng cường khả năng phòng
thủ, giữ vững an ninh chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh
tình hình Biển Đông diễn biến hết sức phức tạp hiện nay, chúng ta cần có những
hành động, việc làm mạnh mẽ hơn góp phần thiết thực vào công cuộc bảo vệ chủ
quyền và lợi ích trên biển của Việt Nam.
Ban Biên tập chúng tôi gồm những người
nắm vững về luật pháp quốc tế và hiểu rõ thực chất về vấn đề Biển Đông quyết định
xây dựng trang web này để cùng nhau trao đổi những thông tin, tư liệu, chứng cứ
lịch sử một cách khách quan về tình hình tranh chấp Biển Đông hiện nay, qua đó vạch
trần những đòi hỏi phi lý của Trung Quốc trước công luận quốc tế. Ban Biên tập
mong trang web này trở thành diễn đàn để mọi người có thể nêu lên những suy nghĩ
và ý kiến xây dựng thúc các giải pháp đa phương trong giải quyết tranh chấp ở
Biển Đông, bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Trong bối cảnh, chủ quyền và lợi ích
trên biển của Việt Nam đang đứng trước những thách thức và nguy cơ mới, Ban Biên
tập kêu gọi tất cả những ai tâm huyết với vấn đề biển đảo của đất nước cùng góp
tiếng nói chung để dư luận trong và ngoài nước hiểu rõ thực chất về những căn cứ
pháp lý, lịch sử khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt
Nam ở Biển Đông. Chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ tích cực của các
bạn để trang web này thực sự trở thành diễn đàn đấu tranh bảo vệ chủ quyền và
toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng ta trên Biển Đông.
Xin chân thành cảm ơn sự hợp tác của
các bạn. Nhân dịp Năm mới 2010, Ban Biên tập xin chúc các bạn một năm mới an
khang thịnh vượng và tràn đầy niềm vui.
Ban
Biên tập Biendong.net
Email liên hệ: contact@biendong.net
Comments are closed.